Anh Lợi (ngoài cùng bên trái) được nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến tuyên dương |
Từ quá khứ “đâm thuê, chém mướn”...
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Lợi (44 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vào buổi sáng sớm. Đó là căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Đoàn Thị Điểm. Xếp vội bộ quần áo dân phòng, anh Lợi cho biết vừa kết thúc phiên tuần tra đêm. Phía sau đôi mắt sâu thẳm, nước da đen sạm vì nắng gió cuộc đời của người đàn ông này là một quá khứ mà khi nghe đến ai nấy đều phải rùng mình.
Sinh ra trong một gia đình gồm 7 anh em trai. Năm học lớp 7, mẹ anh đột ngột qua đời vì cơn bạo bệnh. Lợi là anh cả nên phải bỏ học “vào đời”, gánh trên vai nhiệm vụ kiếm từng cân gạo nuôi đàn em và phụ giúp cha mình trong công việc hàng ngày. “Thời đó khổ lắm, thấy cha mình làm thuê đủ mọi việc, lại còn đàn em ở nhà nên không thể không bươn chải kiếm sống được”, anh Lợi bộc bạch.
Năm 1999, trận lũ lịch sử quét qua Trại giam Bình Điền. Tù nhân Nguyễn Văn Lợi đã dũng cảm bơi theo dòng nước lũ và vớt được rất nhiều gia súc, gia cầm cũng như tài sản của trại giam. Các quản giáo bắt đầu tin tưởng và cho phép anh theo ra ngoài trại giam để đi chợ, mua sắm nhu yếu phẩm. Anh Lợi chia sẻ: “Lúc đó quả thật tôi đã có ý muốn trốn trại mỗi khi được cùng ra ngoài với quản giáo. Nhưng sự quyết tâm phục thiện đã khiến tôi quay đầu và tự hứa là sẽ hoàn thành tốt việc cải tạo trong trại giam”. |
Do thường lang thang khắp các con phố để bán báo dạo, Lợi được dân “anh chị” để ý, rủ rê nhập hội để “lấy kinh nghiệm trận mạc”. Đi theo băng này, hội kia kiếm sống, dần dà, Lợi bị tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu. Với bản tính ngang tàng, lì lợm, trong các cuộc ẩu đả giành lãnh địa, Lợi đã cho thấy mình là tay giang hồ cứng cựa và được một nhóm đàn em suy tôn làm đại ca khi chưa đầy 18 tuổi.
Sau một thời gian “làm mưa, làm gió” tại quê nhà, biết băng nhóm của mình bị công an để ý, Lợi kéo cả hội ra Bắc tìm đất làm ăn. Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng... đều có dấu chân của Lợi cùng đàn em.
Nhiều năm “chọc trời, khuấy nước”, Lợi trở về Đà Nẵng dùng tên tuổi của mình để chiếm lĩnh địa bàn. Trong lần mâu thuẫn làm ăn với một đại ca khác, sẵn bản tính nóng nảy, Lợi đã dùng vũ lực để giải quyết khiến tên kia bị thương nặng. Khi hay tin Công an quận Hải Châu ra lệnh bắt vì tội cố ý gây thương tích, Lợi trốn vào Tây Ninh và bị truy nã toàn quốc. “Nhiều tháng phiêu bạt gần biên giới Campuchia, ba tôi gởi thư khuyên nên về đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Lúc đó tôi nghĩ không thể lẩn trốn mãi được nên nghe theo lời ba về đầu thú và bị kết án 5 năm tù”, anh Lợi kể.
Thời gian bị quản thúc trong trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế), có cơ hội suy ngẫm về những sai lầm trong quá khứ, Lợi quyết tâm cải tạo thật tốt để có thể sớm ra tù làm lại cuộc đời.
Bằng khen được anh Lợi lưu giữ cẩn thận |
... đến đội phó dân phòng quả cảm
Sau gần 4 năm cải tạo tốt, Lợi được mãn hạn tù sớm. Một năm sau khi trở về địa phương, anh quen và cưới chị Võ Thị Hương Thủy và có hai con trai. Đứa lớn nay đã học lớp 7.
“Lúc trong trại giam tôi có học được nghề làm lồng chim cũng khá chắc tay. Thế là tôi quyết định tự sản xuất để bỏ cho các cửa hàng kinh doanh chim cảnh”, anh Lợi kể. Được nhiều người chỉ dẫn, anh vay vốn từ “quỹ hoàn lương” để mua sắm dụng cụ phục vụ cho nghề. Đến lúc có thu nhập tương đối ổn định, người đàn ông này lại nghĩ đến hoàn cảnh của những đứa trẻ lang thang, không có nghề nghiệp. Sợ chúng sẽ dễ bị dẫn dụ và lầm đường lạc lối như mình khi xưa, anh đưa nhiều thanh, thiếu niên về nhà mình để truyền nghề. “Tôi luôn nói với những cháu đó rằng nghề nào cũng là nghề. Miễn sao mình không vi phạm pháp luật, kiếm tiền bằng chính sức lao động chân chính của mình thì nghề nào cũng là vinh quang cả”, anh nói và cho biết đã cảm hóa được nhiều thanh niên nghiện ngập và đưa đi cai nghiện, học nghề để có cuộc sống tốt hơn.
Điển hình như Trần Vĩnh Cảnh (trú quận Sơn Trà) từng chơi ma túy nhưng chưa nghiện quá nặng. Anh Lợi đã khuyên bảo, động viên Cảnh tự cai nghiện tại nhà: “Những lúc lên cơn, tôi đều cho Cảnh uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sỹ để cắt cơn cho em”. Cảnh giờ là chủ một xưởng sản xuất lồng chim có tiếng ở quận Sơn Trà cùng với mái ấm gồm vợ và ba con. Và còn nhiều những thân phận như thế được đại ca một thời cưu mang, giúp làm lại cuộc đời.
Năm 2008, anh Lợi xin vào Đội Dân phòng cơ động của phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu). Rít một hơi thuốc thật dài, anh thổ lộ: “Nói thật với các chú phóng viên, tôi bây giờ luôn nghĩ về quá khứ với nhiều sự hổ thẹn. Hồi đó thanh niên nông nổi, bồng bột, lúc nào cũng nghĩ mình phải là nhất, phải là đại ca. Nhưng giờ tôi chỉ muốn giúp công an phá được hết những băng đảng lưu manh, gây rối trật tự”.
Anh kể thêm: “Có những vụ tổ chức đua xe mà tôi phải cùng các chiến sĩ công an lập hàng rào kẽm gai để ngăn chặn, dù biết có thể sẽ bị chúng lao xe vào người. Hay như một vụ hỗn chiến giữa hai phe với gần 80 tên giang hồ cùng nhiều vũ khí, nhưng tôi vẫn cùng đồng đội lao vào vây bắt, hạ gục và thu giữ toàn bộ mã tấu, dao phay hay nhiều vật nhọn khác”. Chỉ cần làm trong sạch địa bàn thì dù nguy hiểm đến mấy tôi vẫn tham gia, vẫn với giọng điệu lì lợm, anh nói.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng công an phường Hải Châu 2, anh Nguyễn Văn Lợi luôn hỗ trợ rất đắc lực trong nhiều vụ triệt phá án, nhất là khi cùng các chiến sĩ công an đi tuần tra đêm. “Anh Lợi là người có nghị lực phi thường, lại rất giỏi võ. Từng nhiều năm lăn lộn trong giới giang hồ nên anh hiểu rõ cung cách làm việc, hoạt động của chúng. Nhờ đó mà anh đã giúp chúng tôi phá được nhiều vụ án tưởng chừng rất cam go”, Trung tá Tiến cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận