Hạ tầng

Đường ven biển 1.500 tỷ ở Hà Tĩnh hư hỏng: Tất cả đều vô can?!

Đường ven biển 1.500 tỷ đưa vào sử dụng được 14 tháng thì hư hỏng, phải bóc lên thảm lại 2km. Thế nhưng những người liên quan đều đang vô can.

Bê tông nhựa bị mất nhiệt khi thảm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Viết Hòa, Phó ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh (Chủ đầu tư dự án), cho biết: Tính đến thời điểm ngày 31/3/2023, toàn bộ các vị trí hư hỏng trên tuyến đường ven biển, đoạn thuộc gói thầu 36 đã được sửa xong, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn.

img

Tuyến đường ven biển quốc gia đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh bị rạn nứt hư hỏng nhiều điểm.

Về nguyên nhân của việc đường bị hư hỏng, ông Hòa cho biết: "Do bê tông nhựa bị mất nhiệt khi rải thảm".

Đối với sự cố công trình, theo quy định tại Nghị định 06, khi xảy ra sự cố, các bên phải có báo cáo về sự cố. Tùy theo mức độ sự cố công trình mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức xác định nguyên nhân. Đối với sự cố có liên quan đến chất lượng công trình thì các bên liên quan phải chịu trách nhiệm hết vòng đời dự án chứ không chỉ dừng lại trong thời gian bảo hành. Vấn đề này đã được quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định 46 năm 2015 của Chính phủ và bây giờ là Nghị định 06/2021/NĐ-CP. - Ông Trần Quốc Phòng, Chuyên viên Cục Quản lý xây dựng, Bộ GTVT

Cụ thể, vào tháng 2/2023, Ban nhận được thông tin phản ánh, đường ven biển đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh xuất hiện hư hỏng mặt, rạn mai rùa nên đã tiến hành kiểm tra.

Qua đó, xác định mặt đường bị rạn mai rùa ở 15 điểm thuộc gói thầu số 36, giá trị xây lắp 70 tỷ đồng, do Công ty CP 484 thi công phần móng và mặt. Sau đó, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho 1 phó giám đốc cùng với đại diện tổ quản lý dự án, tổ tư vấn giám sát và nhà thầu vào kiểm tra hiện trường.

Thời điểm kiểm tra, nhà thầu có mời cả đơn vị thí nghiệm độc lập vào để khoan lấy mẫu, đánh giá hư hỏng và tìm nguyên nhân.

Qua kiểm tra và làm thí nghiệm, xác định các lớp kết cấu bên dưới của đường vẫn ổn định, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Tại 15 vị trí hư hỏng, chỉ có lớp bê tông nhựa bề mặt là rạn nứt. Cho nên, chúng tôi kết luận hư hỏng ở đây là hiện tượng rạn nứt bề mặt bê tông nhựa (BTN).

Công ty CP 484 là đơn vị thi công nên phải chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục. Từ ngày 12/3 đến 22/3, Công ty 484 đã cào bóc toàn bộ các vị trí hư hỏng và thảm lại.

Ông Hòa cho biết: Chúng tôi nhận định, nguyên nhân dẫn đến hư hỏng này ngoài yếu tố khách quan, tác động của phương tiện lưu thông, còn có yếu tố chủ quan khi thi công.

Các đoạn khác Công ty 484 thảm vào tháng 6 và 7/2021 vẫn đạt chất lượng. Đoạn hư hỏng được thảm vào tháng 12/2021, lúc đó là mùa đông, cộng thêm địa hình sát biển nên xảy ra tình trạng mất nhiệt trên máy rải.

img

Nhà thầu đã cào bóc, thảm lại bê tông nhựa ở đoạn đường bị hư hỏng.

“Quá trình thảm nhựa không có mưa nhưng nhiệt độ ngoài trời thấp. Có khả năng khi chờ bổ sung bê tông nhựa vào máy rải (chờ xe vận chuyển BTN từ Hồng Lĩnh vào), trong máy còn tồn dư bê tông nhựa dẫn đến mất nhiệt.

Anh em không lường hết việc này. Khi đổ thêm BTN để thảm tiếp, vị trí đáy máy bị thiếu nhiệt nên giảm tính kết dính của BTN, làm BTN bị rạn nứt khi đường đưa vào khai thác.

Bình thường khi chờ rải, BTN tồn dư trong máy có thể để 1 tiếng rồi rải tiếp vẫn chưa mất nhiệt. Có thể do trời lạnh quá khiến lượng bê tông tồn dư mất nhiệt nhanh trong khi nhà thầu và tư vấn chưa từng gặp trường hợp này”, ông Hòa giải thích.

Tất cả đều vô can

Trước câu hỏi của PV: “Ai là người chịu trách nhiệm với công trình vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng?”, ông Hòa cho rằng: "Nếu nhà thầu thi công sai thiết kế, không đúng trình tự thủ tục xây dựng hay cố tình không khắc phục thì chắc chắn phải có người chịu trách nhiệm. Còn ở đây do làm chưa đảm bảo, nhà thầu đã sửa chữa lại thì còn trách nhiệm gì?

Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh khẳng định công trình đã được thi công, kiểm tra, nghiệm thu theo đúng quy trình xây dựng cơ bản, đảm bảo đúng kỹ thuật, kích thước, hình học theo quy định. Những vấn đề còn lại hay vấn đề phát sinh sau này thì cứ chiếu theo các quy định của pháp luật mà thực hiện.

img

Đến thời điểm này, ngoài nhà thầu phải bỏ tiền thảm lại các vị trí hư hỏng thì chưa có ai phải chịu trách nhiệm liên đới về chất lượng công trình.

Về phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh đã rất trách nhiệm. Trước đó, suốt quá trình thi công anh em đã làm nghiêm túc, đúng quy định, chặt chẽ các hạng mục.

Khi phát hiện, chúng tôi đã lập tức kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc sửa chữa hư hỏng, thảm lại của nhà thầu. Công ty 484 cũng rất có trách nhiệm. Sau khi xảy ra sự việc, nhà thầu đã tự bỏ hơn 3 tỷ đồng để khắc phục. Và tới đây, họ sẽ phải có trách nhiệm bảo hành sản phẩm".

Ông Hòa cũng cho biết: Đến thời điểm này không có ai trong tổ tư vấn giám sát hoặc cán bộ thuộc Ban phải chịu kỷ luật vì dự án đường ven biển.

Theo tìm hiểu của PV, đường ven biển quốc gia qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được được chia làm nhiều đoạn, phân kỳ đầu tư theo nguồn vốn.

Dự án bắt đầu thi công giai đoạn 1 từ năm 2006 -2008, đoạn Thạch Khê - Cửa Nhượng (1.000 tỷ đồng). Giai đoạn 2 dự kiến vốn là 1.500 tỷ đồng, chia làm 3 đoạn, 3 thời điểm, gồm: năm 2017 - 2018 làm đoạn Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân (12,2km, giá trị xây lắp 40 tỷ); từ năm 2018 - 2020 làm đoạn từ Xuân Trường - Thạch Bằng (35,2km, 500 tỷ); năm 2020 - 2021 Kỳ Xuân - Kỳ Ninh (17,3km, 240 tỷ).

Các giai đoạn này sử dụng vốn trung hạn từ Trung ương và địa phương, trong đó vốn Trung ương là gần 1.000 tỷ, địa phương là hơn 100 tỷ.

Trước năm 2020, các dự án đều có đơn vị tư vấn giám sát độc lập. Từ năm 2020, để tạo thêm thu nhập, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh tự lập ra thêm Tổ tư vấn giám sát đứng ra thực hiện dự án với 3 vai trò: Chủ đầu tư, tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát. Đoạn đường bị hư hỏng do chính các cán bộ của Ban đảm nhiệm vai trò tư vấn giám sát.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.