Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, gồm 3 đoạn với chiều dài 68,79 km, đi qua 5 huyện, thị xã của Hà Tĩnh: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.
Tuyến đường gần 1.500 tỉ bị "tắc" bởi 4 hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ
Trong đó, dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng (đường ven biển Hà Tĩnh), đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh dài 17,29 km có tổng mức đầu tư hơn 317 tỷ đồng, được chia làm 2 đoạn tuyến: Kỳ Xuân - Kỳ Phú (7,45 km) và Kỳ Phú - Kỳ Ninh (9,84 km).
Dự án thi công từ tháng 6/2020, đoạn tuyến Kỳ Xuân - Kỳ Phú tới nay đã cơ bản hoàn thành và đang hoàn thiện những phần việc còn lại để tiến hành công tác bàn giao, đưa vào sử dụng.
300m đường bị vướng chưa được thảm nên có nhiều "ổ voi, ổ gà" gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 300m đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Phú đang bị “tắc” do 4 hộ dân có công trình nhà cửa bị ảnh hưởng trong quá trình thi công không chịu nhận tiền đền bù dẫn đến tuyến đường thi công dở dang, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Phạm Văn Tý - 1 trong 4 hộ dân trú tại thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân cho biết: Số tiền hỗ trợ 9 triệu đồng là quá thấp so với các hư hỏng do dự án gây ra.
“Thời điểm đơn vị thi công dự án, người ta khoan, đóng cọc nhồi, lu lèn khiến nhà tôi bị hư hỏng, nứt toác nhiều vị trí. Số tiền mà đơn vị thi công hỗ trợ không đủ cho gia đình sửa chữa lại ngôi nhà”, ông Tý nói.
Trước đó, theo biên bản giám định được lập bởi Công ty giám định và tư vấn kỹ thuật (Raco), đơn vị do Công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI) đến tiến hành kiểm đếm, thống kê và giám định thiệt hại ngôi nhà cấp 4 của ông Tý ở khu vực nhà bếp và nhà vệ sinh bị nứt ngang gạch ốp, nứt dọc góc tường và nứt ngang tường.
Hộ gia đình ông Tý cho rằng mức hỗ trợ 9,07 triệu đồng là quá thấp so với mức độ hư hỏng của ngôi nhà
Các vị trí khác như phòng khách, phòng ngủ và phía bên ngoài cũng bị hư hỏng trong đó có nứt cả trần nhà, cột bê tông cốt thép và dầm chịu lực. Sau khi dự toán chi phí sửa chữa, khắc phục, đơn vị này đưa ra mức giá là 9,07 triệu đồng.
Gia đình ông Tý cho rằng chi phí này quá thấp, không đủ để khắc phục nên ông Tý không nhận tiền dù chủ đầu tư đã nhiều lần thương lượng.
Tương tự gia đình ông Tý, tại thôn Nguyễn Huệ còn có thêm 3 gia đình khác gồm Phạm Văn Téc, Phạm Văn Tảnh và Trần Thị Hoài cũng chưa chịu nhận tiền.
Theo những hộ dân này, với mức hỗ trợ 3 - 6 triệu đồng mà bên đơn vị thi công đưa ra là quá thấp so với thực tế bị thiệt hại.
Do chưa thống nhất phương án nên các hộ dân này đã cản trợ việc thi công, mỗi lần đơn vị thi công đưa máy móc đến để hoàn thành mặt đường bê tông nhựa thì bị những người này ra ngăn cản, nên nhà thầu không thực hiện được.
Vì nguyên nhân trên nên từ tháng 8/2021 đến nay, đoạn tuyến hơn 300 tỉ đồng này đã bị đứt mạch khi còn khoảng 300m qua thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân vẫn chưa thể hoàn thiện.
Trao đổi với PV báo Giao thông, ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân cho biết, lý do 4 hộ dân tại thôn Nguyễn Huệ chưa đồng ý nhận bồi thường vì họ cho rằng, số tiền mà đơn vị thi công hỗ trợ là quá thấp.
Nhiều đoàn thể đã đến vận động, giải thích để các hộ dân hiểu và nhận tiền đền bù nhưng đến thời điểm này họ vẫn chưa đồng ý nhận để nhà thầu thi công.
“Ngày hôm qua, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị bảo hiểm đã đến nhà các hộ dân để kiểm tra lại các vị trí hư hỏng, nứt mà các hộ dân kiến nghị đưa vào để hưởng đền bù.
Nếu như các hộ dân vẫn nhất quyết không chịu nhận tiền thì chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Không thể vì 4 hộ mà làm ảnh hưởng đến việc thi công toàn tuyến đường”, ông Chung nói.
Ông Lê Việt Hoà, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời điểm thi công tuyến đường, thiết bị thi công đã làm nứt, rạn nhà của một số hộ dân sống dọc tuyến đường.
Chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị bảo hiểm tiến hành kiểm tra, giám định tổn thất của các hộ dân, lập kinh phí hỗ trợ khắc phục tổn thất theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Đến nay, đơn vị bảo hiểm đã hoàn thành việc xác định kinh phí hỗ trợ khắc phục tổn thất rạn nứt nhà dân, phối hợp cùng địa phương chi trả kinh phí cho các hộ dân trong phạm vi bảo hiểm.
Dự án đoạn qua xã Kỳ Xuân có 85 hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay đã có 81 hộ nhận kinh phí đền bù, hiện còn 4 hộ kiên quyết không nhận.
Theo ông Hòa, việc các hộ dân này cản trở, không cho thi công hoàn thành mặt đường bê tông nhựa làm mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng đến công tác hoàn thành, bàn giao và quyết toán công trình.
Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, gồm 3 đoạn với chiều dài 68,79 km, đi qua 5 huyện, thị xã của Hà Tĩnh: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.
Thời điểm này, đoạn Xuân Hội - Thạch Khê dài 38,35 km và đoạn Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân dài 12,24 km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, còn đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh dài 17,29 km đang được thi công.
Đoạn tuyến Kỳ Xuân - Kỳ Phú có chiều dài 7,45 km chỉ còn vướng 300m chưa được thảm gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông
Sau khi hoàn thành toàn tuyến, đường ven biển Hà Tĩnh góp phần chia sẻ lưu lượng xe cho tuyến đường quốc lộ 1 qua địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và tạo điều kiện khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Dự án còn tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu dọc ven biển từ Nghi Xuân đến thị xã Kỳ Anh và kết nối vùng kinh tế Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; đồng thời là tuyến đường giao thông trọng yếu với vai trò động lực xây dựng các khu kinh tế trọng điểm thành chuỗi các khu kinh tế có sự gắn bó nhằm phát huy thế mạnh khu vực; kết nối các khu du lịch, dịch vụ dọc theo bờ biển tỉnh Hà Tĩnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận