Hiện, 9/13 đoàn tàu của dự án đã được đưa về nước - Ảnh: Tạ Tôn |
Tiến độ chờ vốn, vốn chờ thủ tục... nửa năm
Ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án bị lùi tiến độ 3 lần, dự kiến đến quý I/2018 sẽ khai thác thương mại nhưng lại bị lỡ hẹn. Do gặp khó khăn về vốn nên tổng thầu đề xuất được lùi tiếp thời hạn dự án đến tháng 11/2018.
Theo ông Phương, đến nay, khối lượng xây lắp của dự án đạt khoảng 95% (chưa bao gồm thiết bị), đã chế tạo xong 13 đoàn tàu và đưa về nước 9/13 chiếc. Tổng thầu cũng nhập khẩu khoảng 60% số thiết bị và lắp đặt được hơn 40%. “Công tác đào tạo nhân sự cũng cơ bản hoàn thành, đảm bảo vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay khi dự án hoàn thành”, ông Phương nói.
Liên quan đến nguồn vốn bổ sung, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, Hiệp định vay vốn bổ sung 250,6 triệu USD đã được Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) ký kết từ giữa tháng 5/2017. Tuy nhiên, Eximbank nhiều lần yêu cầu bổ sung các nội dung cần sự thống nhất của Bộ Tư pháp trong việc xử lý các thủ tục pháp lý có sự khác biệt giữa hai nước. Do vậy, đến gần cuối tháng 11/2017, Bộ Tư pháp mới thống nhất, ký văn bản “Ý kiến pháp lý” của hiệp định gửi Bộ Tài chính.
“Bộ Tài chính đã hoàn tất các thủ tục và gửi Eximbank. Hiện, ngân hàng này đang xem xét để ra thông báo hiệp định có hiệu lực. Ngày 21/12 vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi thêm thư điện tử để đốc thúc Eximbank thực hiện việc giải ngân nguồn vốn”, bà Thảo thông tin.
Bà Thảo cũng cho biết, sau khi hiệp định được ngân hàng ký và có hiệu lực, cần 13 điều kiện thủ tục nữa liên quan đến các bộ, ngành, dòng tiền mới về đến dự án.
Về phía tổng thầu, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án thuộc Tổng thầu EPC cho biết, thời gian qua, việc chậm tiếp cận nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD khiến tổng thầu phải nợ nhà thầu phụ quá nhiều. Điều này làm cho việc thi công bị chậm trễ. Bên cạnh đó, do các thủ tục thiết kế, nghiệm thu theo hợp đồng EPC ở Việt Nam khác so với Trung Quốc nên thường xuyên phải bổ sung hồ sơ, ảnh hưởng đến tiến độ.
“Hợp đồng EPC ở Trung Quốc là trọn gói, nhưng tại dự án Cát Linh - Hà Đông, tất cả thiết kế hạng mục, thủ tục đều chi tiết và tốn nhiều thời gian. Chẳng hạn, thủ tục nhập khẩu đoàn tàu mất đến 3 tháng hoặc bị chậm tiến độ phê duyệt hạng mục điện chiếu sáng 2 tháng”, ông Hồng nêu khó khăn, nhưng cũng thừa nhận, do tổng thầu đảm nhận dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở nước ngoài nên chưa có kinh nghiệm.
Không chấp nhận trì hoãn
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, phần lớn các vướng mắc xảy ra trước đây và các thủ tục liên quan đều được Bộ GTVT tạo điều kiện, tháo gỡ kịp thời, như việc giải ngân trước khi có chứng từ kiểm định phương tiện, thiết bị. Trong khi đó, tổng thầu không có “tổng công trình sư” để điều hành thi công đồng bộ, cũng như lập tiến độ thi công chung. “Việc triển khai dự án hoàn thành đúng tiến độ là trách nhiệm chung của các bên liên quan, thể hiện việc vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tổng thầu không thể mãi nêu khó khăn để kéo dài tiến độ thi công. Bộ GTVT sẽ làm việc với Cục 6 Đường sắt Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ dự án”, Thứ trưởng Đông nói.
"Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là biểu tượng tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Bộ GTVT đã nỗ lực, tạo điều kiện tối đa để tổng thầu triển khai dự án. Giai đoàn này tổng thầu cần lập tiến độ chi tiết, tập trung hoàn thành dự án và cần có kỹ sư trưởng hoặc Tổng chỉ huy công trình điều hành, không để xảy ra thi công chồng chéo. Dự án này phải hoàn thành trong năm 2018, không thể lùi hơn nữa”. Bộ trưởng Bộ GTVT |
Đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt cho biết thêm, quá trình triển khai dự án, đơn vị đã tạo điều kiện tối đa cho tổng thầu trong các thủ tục, như khi có vốn đến đâu giải ngân cho tổng thầu đến đấy, có thời điểm còn cho tổng thầu “nợ” hồ sơ quyết toán. “Ban cũng chủ động, tích cực làm việc với các đơn vị ngoài ngành giao thông, như Cục Tần số, điện lực để giúp tổng thầu đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công việc liên quan”, ông Phương cho biết.
Tại cuộc họp gần đây liên quan đến dự án trọng điểm này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự án có ý nghĩa quan trọng nên không thể mãi lùi tiến độ. “Các đơn vị trong nước liên quan đến thực hiện dự án cũng như Tổng thầu EPC, Công ty HH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải thể hiện trách nhiệm, nỗ lực để hoàn thành dự án”, Bộ trưởng nói.
Đề cập việc dự án đã đạt khoảng 95% khối lượng xây lắp nhưng vài tháng gần đây lại thi công chậm trễ, Bộ trưởng chia sẻ, khó khăn với các đơn vị trực tiếp quản lý, tổng thầu, song đồng thời yêu cầu tới đây khi một số vướng mắc chính được tháo gỡ, các bên phải cùng phối hợp chặt chẽ để đảm bảo đưa dự án vào vận hành trong năm 2018.
“Hiện, khó khăn vướng mắc chủ yếu là chờ nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD. Lãnh đạo Bộ GTVT sẽ làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc và đơn vị liên quan phía nước bạn để đề nghị hỗ trợ tháo gỡ. Trong khi chờ nguồn vốn trên, Ban quản lý Dự án đường sắt, tổng thầu phải chuẩn bị trước các điều kiện thủ tục để giải ngân, để khi có nguồn vốn giải ngân được ngay. Các bên phải lập kế hoạch tiến độ cụ thể từng hạng mục, dứt khoát phải hoàn thành dự án trong năm 2018”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo và cho biết, Bộ GTVT sẽ rà soát, có thể xem xét để trình Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ một số hạng mục, nhưng không thể lùi tiến độ quá quý IV/2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận