Số người tham gia BHYT ít sẽ khiến chi phí y tế tăng cao. Ảnh: Tạ Tôn |
Đơn giản hóa thủ tục nhưng còn hạn chế
Tại cuộc hội thảo về BHYT hộ gia đình và việc triển khai ở cấp xã vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, mặc dù Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực một năm, tuy nhiên, khi đi vào thực tế nảy sinh nhiều vấn đề, nổi bật là vấn đề mua BHYT hộ gia đình bắt buộc.
Một trong những hạn chế, theo ông Tiên, hiện mỗi xã có 2-3 đại lý BHYT, nhưng thường chỉ do cán bộ xã của văn phòng UBND kiêm nhiệm thực hiện, chủ yếu chờ khách tự tới mua, mà không đi vận động tại nhà. Thậm chí, có nơi dán thông báo chỉ bán BHYT vào chiều thứ 2, thứ 5 và thứ 7 tại UBND xã. Chưa kể, việc phát thẻ sau khi mua cũng khá chậm trễ, thường sau một tháng, có nơi sau một quý người mua mới được cấp phát thẻ. “Những điều này khiến người dân khó tiếp cận với BHYT”, ông Tiên cho hay.
Ông Vũ Xuân Bằng, BHXH Việt Nam cũng thừa nhận những hạn chế khi thực hiện BHYT hộ gia đình. Khi mới thực hiện, dù đã được phổ biến kỹ càng nhưng có xã vẫn bắt người dân phải xác minh photo giấy khai sinh, đăng ký kết hôn… khiến thủ tục rất phức tạp. Tuy nhiên, BHXH VN đã nhanh chóng có văn bản yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Theo ông Nguyễn Trọng An, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng, từ tháng 10/2014, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế phát các biểu mẫu thu thập thông tin về tình trạng BHYT hộ gia đình. Quá trình thực hiện cho thấy còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, tạo điểm nóng của dư luận, khiến hoạt động bán BHYT theo hộ gia đình phải tạm dừng.
Thêm vào đó, tình trạng trùng thẻ, sai thông tin trên thẻ, chậm phát thẻ… xảy ra trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước trong nhiều năm qua và BHXH VN đã rất vất vả trong rà soát các đối tượng trên toàn hệ thống, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, các phương án xử lý vẫn chưa đi vào gốc rễ vấn đề và tình trạng trùng lắp thẻ tuy có giảm bớt nhưng vẫn tồn tại.
Song hành bán BHYT cho cá nhân và hộ gia đình
Mặc dù chủ trương BHYT bắt buộc với mục tiêu bao phủ y tế toàn dân mang ý nghĩa nhân văn, tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc triển khai cần theo lộ trình, đẩy mạnh vận động để tạo sự đồng lòng trong nhân dân... Theo ông Tiên, không có chuyện phạt hay chế tài nào đối với đối tượng tự nguyện khi không tham gia BHYT. Tuy nhiên, khi chi phí y tế tăng cao, ai không tham gia BHYT sẽ phải chấp nhận trả giá cao…
Bên cạnh đó phải đổi mới cơ chế cấp thẻ BHYT cấp xã, UBND các cấp cần quan tâm đến nhóm mà ngân sách đã cấp, hỗ trợ (biển đảo, bãi ngang, cận nghèo…); Biên chế viên chức, công tác viên ở xã cho công tác y tế, bảo hiểm….Ông Tiên cho biết, sau 3-4 năm với giá dịch vụ y tế được điều chỉnh, sẽ tiến tới áp dụng chặt chẽ BHYT hộ gia đình.
“Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả chính ngành Y tế, BHXH phải đẩy mạnh tiếp cận và vận động người dân tham gia. Cần phải đến từng nhà dân vận động, không thể khác được. Người dân sẽ dần hiểu và ủng hộ chủ trương này. Sẽ tiếp tục thực hiện bán BHYT theo hộ gia đình và theo lộ trình, trong năm 2016 vẫn tiếp tục duy trì cơ chế như năm 2015”, ông Tiên cho biết.
Còn theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, việc triển khai mô hình BHYT theo hộ gia đình Quốc hội đã đồng ý thông qua, nhưng trong thực tế qua quá trình triển khai thực hiện quy định như thế không phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trước mắt trong giai đoạn chuyển giao giữa luật mới và luật cũ thì vẫn áp dụng song song hai hình thức. Người dân tham gia theo hình thức cá nhân thì tiếp tục được gia hạn theo hình thức cá nhân. Mặt khác, tiếp tục kiên trì vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích thực sự của BHYT theo hộ gia đình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận