Các y, bác sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc đã ghi dấu ấn sâu đậm tại vùng đất cằn cỗi, nghèo khó vì nội chiến liên miên mang tên Bentiu - Nam Sudan.
Chúng tôi gặp Thiếu tá, BS. Tiến Duy (Khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) vào một chiều đầu Đông. Tất tả ra khỏi phòng mổ, trên đầu vẫn đội chiếc mũ trùm giấy, đi đôi dép lê nhưng gương mặt bác sĩ vẫn nở nụ cười rạng rỡ.
BS. Duy nhớ lại, đầu năm 2020, nhận lệnh tham gia đội quân y Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc ở vùng đất nghèo khó, cằn cỗi Bentiu - Nam Sudan, BS. Tiến Duy cùng nữ đồng nghiệp là điều dưỡng Tim mạch Trần Thị Mai Liên nhanh chóng thu xếp công việc, chuyện gia đình lên đường vào Bệnh viện 175 (TP.HCM) huấn luyện.
Sau đúng 1 năm, vượt qua các kỳ thi tiếng Anh để lấy chứng chỉ IELTS, tập huấn về chuyên môn y tế, các kỹ năng sinh tồn trong môi trường châu Phi để đáp ứng yêu cầu khắt khe của Liên hợp quốc, tháng 3/2021, BS. Duy cùng các cán bộ nhân viên BVDC 2.3 đáp xuống sân bay quốc tế Thủ đô Juba, Nam Sudan.
Hành trang của các bác sĩ quân y ngày lên đường có lá cờ đỏ sao vàng, có những giọt nước mắt bịn rịn chia tay của người thân và cả niềm tự hào khi mang trọng trách “mũ nồi xanh”.
Đặt chân đến vùng đất Bentiu, BS. Duy cùng như các đồng nghiệp không khỏi hoang mang khi đập vào mắt là những con đường đất lồi lõm, bụi bặm, thấp thoáng vài lùm cây xơ xác. Suốt dọc đường về doanh trại, lác đác những ngôi nhà vách đất lợp lá lụp xụp, hiếm hoi mới có nhà xây bằng xi măng nhưng chằng chịt vết đạn, thi thoảng bắt gặp người dân đi trên đường trong bộ dạng cùng khổ, quần áo tả tơi… Toàn bộ sinh hoạt ăn ở, làm việc của đoàn bác sĩ đều trong các thùng container cải tạo.
Dù đã tìm hiểu trước và chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, nhưng họ cũng chưa thể hình dung hết được cuộc sống khổ cực, bất ổn của người dân nơi đây. Nhưng đó cũng chính là động lực để các bác sĩ nỗ lực hoàn thành trọng trách của những chiến sĩ “mũ nồi xanh”.
Theo BS. Duy, BVDC 2.3 có 63 người, thuộc biên chế Liên hợp quốc, có nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân viên của Liên hợp quốc, quân nhân các nước đến từ các đơn vị trong Phái bộ bị thương, đau ốm. Nếu có ca bệnh nặng, cán bộ y tế nơi đây sẽ sơ cấp cứu trước khi được chuyển đến bệnh viện cấp cao hơn bằng đường hàng không.
Trong nhiệm kỳ 14 tháng hoạt động, thiếu thốn đủ bề từ vật tư y tế đến thuốc men, BVDC 2.3 đã thu dung được hơn 1.400 ca bệnh ngoại trú, tổ chức vận chuyển đường hàng không 16 ca và phẫu thuật thành công 16 ca nặng và phức tạp.
Đặc biệt, BVDC 2.3 đã mạnh dạn áp dụng hệ thống Telemedicine trong phẫu thuật cấp cứu các ca nặng với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Bệnh viện Quân y 175 cách địa bàn gần 10.000km; đưa nhiều kỹ thuật mới lần đầu tiên thực hiện trong điều kiện dã chiến.
“Tuy chỉ là một đơn vị nhỏ với 63 người, nhưng chúng tôi luôn hiểu mình mang trên vai trọng trách rất lớn và đã nỗ lực làm việc bằng tất cả niềm tự hào về Tổ quốc”, điều dưỡng Trần Mai Liên chia sẻ.
Với BS. Lê Tiến Duy, điều dưỡng Trần Mai Liên, hay nhiều chiến sĩ “mũ nồi xanh” khác, những tháng ngày được sống và làm việc cùng các đồng đội ở Nam Sudan luôn là trải nghiệm hiếm hoi, đáng nhớ trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình.
BS. Lê Tiến Duy nhớ lại, ngay khi sang đến nơi, các bác sĩ tiếp nhận ca phẫu thuật đầu tiên. Bệnh nhân 29 tuổi, quốc tịch Mông Cổ, thuộc Tiểu đoàn bộ binh Mông Cổ/UNMISS khu vực Pariang (cách nơi đóng quân của bệnh viện là Bentiu 130km).
Ca bệnh được tuyến dưới khám sơ bộ, chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Đây là bệnh lý cấp tính, tuy không khó điều trị nhưng phải cấp cứu phẫu thuật sớm để tránh biến chứng có thể nguy hiểm tính mạng.
Nhưng Nam Sudan đang mùa mưa, việc đi lại bằng đường bộ vô cùng khó khăn, BVDC 2.3 đã nhanh chóng đón bệnh nhân bằng trực thăng để khám và phẫu thuật bằng kỹ thuật gây tê phong bế thần kinh vùng bụng. Dù trang thiết bị thiếu thốn, nhưng ca mổ đã được thực hiện thành công và bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
BS. Duy chia sẻ: “Kỹ thuật này vốn được thực hiện ở các bệnh viện lớn ở Việt Nam, đòi hỏi chuyên môn sâu và trong điều kiện đầy đủ các trang thiết bị. Khi ở bên đó, không có kim gây tê chuyên dùng, không dây dẫn thuốc… chúng tôi phải khắc phục bằng tận dụng kim truyền, ống hút vết mổ, đầu dò siêu âm… Do vậy, sự thành công trong kỹ thuật giảm đau mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh dã chiến đó”.
Sau ca đầu tiên, kỹ thuật giảm đau này được thực hiện thường quy mang hiệu quả cao cho người bệnh sau phẫu thuật.
Chưa dừng lại đó, BS. Duy cùng đồng nghiệp cũng đã lần đầu tiên ứng dụng dùng máy siêu âm dây thần kinh thị giác, đo đường kính để đánh giá tăng áp lực nội sọ, chẩn đoán đột quỵ cho bệnh nhân. Kỹ thuật này được ứng dụng đánh giá cho 4 ca bệnh và tất cả đều có kết quả rất chính xác, bệnh nhân được sơ cấp cứu kịp thời và chuyển lên tuyến cao hơn.
Ở nơi xa quê hương, những chiến sĩ quân y từ nhiều bệnh viện khác nhau tụ về đây, gắn kết dưới mái nhà BVDC 2.3. Dù đã trở về cũng gần nửa năm, nhưng đó là những chuỗi ngày đáng nhớ và đáng trân trọng hơn bao giờ hết”, BS. Duy bồi hồi và kể, ở đó thiếu nhất là rau xanh và nước sạch, bởi sự khắc nghiệt của thời tiết.
Cũng chính vì vậy, trong hành trang lên đường của các nhân viên y tế “mũ nồi xanh” Việt Nam có rất nhiều hạt giống. Những bác sĩ, nhân viên y tế chưa bao giờ cầm cuốc xẻng, thì nay với quyết tâm tăng gia sau giờ làm việc.
Khi ở Việt Nam, BS. Duy như là “công tử”, nhưng sang đây, anh ấy rất đam mê trồng rau và “biến” thành người nông dân thực thụ. Chiều nào anh cũng ra vườn tưới rau, làm cỏ, cuốc đất ngắm thành quả là những luống cải, mồng tơi, rau muống, từng quả mướp đắng”, điều dưỡng Trần Thị Mai Liên nhớ lại.
Nhờ ngoại giao tốt nên BVDC nhận được 1 xe tec nước dùng để có nước tưới cây. Các loại rau vẫn xanh um, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu cho anh em mà còn làm quà tặng cho các đơn vị khác xung quanh nữa”, BS. Duy cho hay.
Nữ Đại úy Liên còn chia sẻ thêm, ngoài hạt giống rau, họ mang nhiều hạt giống hoa sang trồng, nhưng với thời tiết nắng nóng 50 độ C, hoa hướng dương là có sức sống mạnh mẽ nhất. Nhờ vậy, dù trong khung cảnh khắc nghiệt thiếu thốn của Bentiu, một góc BVDC sáng bừng bởi màu vàng của hoa hướng dương, màu xanh của giàn bí, rau cải, dưa leo…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận