Long An không có đối thủ trong cuộc đua... xuống hạng Nhất |
Long An “độc quyền”
V-League 2017 đang chứng kiến cuộc đua vô địch vô cùng quyết liệt với sự tham gia của nhiều đội bóng hứa hẹn chỉ ngã ngũ sau vòng đấu cuối cùng. Tuy nhiên, ở nửa cuối bảng xếp hạng, mọi thứ lại quá yên ả. Long An đã chính thức xuống chơi tại giải hạng Nhất sau vòng 24 nhưng từ lâu mọi chuyện đã được xác định. Cộng thêm việc điều lệ giải năm nay quy định chỉ có một đội phải xuống chơi ở hạng Nhất, những đội bóng phía trên như: B.Bình Dương, SLNA, HAGL, TP.HCM không có lý do gì để nỗ lực.
Những mùa trước, V-League có một suất xuống hạng, một suất đá play-off nhưng vẫn bị chê kém tính cạnh tranh. Tới mùa 2017, trận play-off giữa đội áp chót bảng xếp hạng V-League và đội á quân giải hạng Nhất đã bị bỏ do giải hạng Nhất năm nay chỉ có 7 đội tham dự. Với số lượng đội như vậy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) buộc phải điều chỉnh lại điều lệ ở cả V-League lẫn giải hạng Nhất để đảm bảo giải hoạt động đúng quy chế chuyên nghiệp. Đây cũng là nghịch lý của bóng đá Việt Nam bởi nếu theo đúng chuẩn chuyên nghiệp, số lượng các đội càng ở hạng dưới càng phải tăng.
Hệ quả như đã đề cập ở phần trên, V-League 2017 mất đi tính cạnh tranh ở nửa dưới bảng xếp hạng. “Bất kỳ giải đấu chuyên nghiệp nào trên thế giới cũng phải có hai thái cực. Đua vô địch hấp dẫn nhưng đua trụ hạng cũng cần thu hút nhiều sự quan tâm. Nếu không hội tụ được hai yếu tố này thì giải chưa hẳn thành công. Mùa giải 2015, HAGL phải chạy đua trụ hạng nên cuộc chiến ở cuối bảng rất được người hâm mộ chú ý. Năm nay, HAGL có thời điểm đứng thứ 12, 13/14 đội nhưng vì vị trí này an toàn nên các CĐV cũng không lo lắng. Bản thân các cầu thủ: HAGL, SLNA, B.Bình Dương, XSKT Cần Thơ hẳn cũng xác định tư tưởng bằng lòng”, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh phân tích.
Thừa nhận thực trạng tại V-League 2017 khiến yếu tố cạnh tranh bị triệt tiêu nhưng HLV Đức Thắng của CLB Sài Gòn FC cho rằng, đây là dịp để đánh giá lại sự chuyên nghiệp của các đội bóng, các cầu thủ. “Giai đoạn này, Ban tổ chức gặp khó khăn trong việc sắp xếp, cơ cấu giải bởi hạng Nhất có quá ít đội và hầu hết đều không muốn lên hạng do không đủ tiềm lực tài chính. Nhưng nếu cầu thủ, đội bóng thực sự chuyên nghiệp thì vẫn cần phải chơi thật, đá hết mình”.
Sự thụt lùi của cả nền bóng đá
Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng, việc giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam chỉ có một đội xuống hạng là sự thụt lùi so với chính mình chứ chưa dám so sánh trên bình diện thế giới. “Mùa trước 1,5 đội ở V-League xuống chơi ở hạng Nhất, mùa này chỉ có 1 đương nhiên là tụt lùi rồi. Một giải đấu như vậy chắc chắn không thể đảm bảo chất lượng. Đó là chưa kể sẽ dẫn đến những vấn đề tiêu cực. Anh không còn mục tiêu phấn đấu, trong khi người ta cần điểm thì hoàn toàn có thể xảy ra chuyện dàn xếp, bắt tay nhau”.
Đồng quan điểm, HLV Nguyễn Đức Thắng nhìn nhận, chất lượng các trận đấu ở V-League sẽ thấp nếu thực trạng có quá ít đội xuống hạng không được giải quyết: “Một bộ phận các CLB không lo trụ hạng, không thể phấn đấu thứ hạng cao sẽ tạo ra những trận đấu kém chất lượng, kéo giảm niềm tin của người hâm mộ bóng đá nước nhà vốn đang mong manh”.
Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho hay, tổ chức điều hành bóng đá Việt Nam nhìn ra được những hạn chế trong nội dung bài viết này. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, nên VFF buộc phải sử dụng biện pháp tạm thời, giảm suất xuống hạng ở V-League 2017. Tuy nhiên, ông Hoài Anh chia sẻ thêm, VFF vẫn đang xây dựng lộ trình tăng số đội ở hạng Nhất trong tương lai. “Ở mùa giải tới, hạng Nhất sẽ có 10 đội (3,5 suất từ hạng Nhì) nên chắc chắn điều lệ giải sẽ quy định lại về số đội lên xuống hạng tại V-League. Tất nhiên, chúng tôi vẫn sẽ nỗ lực nhằm tiếp tục gia tăng số lượng đội ở giải hạng Nhất, qua đó đảm bảo theo đúng mô hình chuyên nghiệp của bóng đá thế giới”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận