Điều tra

Ép đền 400 triệu mới cho giải tỏa hiện trường tai nạn có phạm tội?

04/03/2019, 08:08

Hàng trăm người thân, họ hàng, bạn bè nạn nhân kéo ra hiện trường đòi bồi thường 400 triệu đồng... Vụ việc xảy ra ở Sapa.

img
Hàng trăm người thân, bạn bè của nạn nhân kéo xuống hiện trường đòi bồi thường gây khó khăn cho công tác giải quyết tai nạn

Phong tỏa hiện trường, đòi bồi thường 400 triệu

Khoảng 12h trưa 1/3, Hạng A Câu (SN 2004), trú tại xã Sa Pả (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) điều khiển xe máy BKS 24B2-150.50 lưu thông trên QL4D theo hướng Lào Cai - Sa Pa đến Km108+600 đoạn qua xã Sa Pả đã đâm trực diện vào xe ô tô con BKS 24A-029.19 do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1989, trú tại TP Lào Cai) lưu thông chiều ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến A Câu bay về phía sau xe con ngã xuống đường và bị một chiếc ô tô khác đi tới chèn qua người, tử vong tại chỗ.

Sau khi nhận tin tai nạn, hàng trăm người thân, họ hàng, bạn bè của nạn nhân là người dân tộc H’Mông đã kéo đến hiện trường ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giải quyết tai nạn, phân luồng giao thông khiến tuyến QL4D bị ùn tắc cục bộ. Theo cán bộ CSGT Lào Cai làm nhiệm vụ trên tuyến, những người thân của nạn nhân đã yêu cầu phải bồi thường 400 triệu đồng mới cho lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, giải quyết vụ việc. “Họ đứng vây xung quanh thi thể nạn nhân không cho cơ quan chức năng di chuyển thi thể. Lực lượng chức năng đã phối hợp với lãnh đạo địa phương thương lượng nhiều giờ đồng hồ nhưng không được. Chỉ đến khi lái xe ô tô con đưa cho gia đình 200 triệu đồng, họ mới chấp nhận”, vị cán bộ CSGT Lào Cai nói.

Vụ TNGT đã khiến tuyến QL4D ùn tắc suốt 5 tiếng đồng hồ. Đến 21h cùng ngày, giao thông trên QL4D mới được thông suốt.

Theo tìm hiểu của PV, đây không phải lần đầu tiên ở Sa Pa xảy ra việc người dân kéo ra đường gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Trước đó, ngày 28/11/2018, tổ công tác Đội CSGT huyện Sa Pa làm nhiệm vụ TTKS đã tiến hành kiểm tra xe máy do một phụ nữ người H’Mông (trú tại xã Sa Pả) tên Mỷ điều khiển không đội mũ bảo hiểm, không có GPLX. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm, tạm giữ xe. Tuy nhiên, thay vì chấp hành, Mỷ lại gọi người nhà đến gây khó khăn cho tổ công tác, thậm chí, còn ôm, kéo, giữ xe mô tô công vụ của CSGT không cho rời đi.

Hay ngày 4/6/2018, trước khu vực cổng khách sạn Pao’Sa Pa, lực lượng CSGT Sa Pa cũng đã rất vất vả để giải thích, tuyên truyền cho đôi vợ chồng vi phạm giao thông nhưng kéo hàng chục người thân ra bao vây, gây hấn, dùng vũ lực với tổ công tác.

img
Hiện trường vụ TNGT trên QL4D

Chưa biết lỗi do ai đã phải bồi thường

Ông Giàng A Sàng, Chủ tịch UBND xã Sa Pả (huyện Sa Pa) cho biết, hàng năm, chính quyền xã vẫn luôn tổ chức các buổi tuyên truyền và cho người dân ký cam kết chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trật tự ATGT. “Sự việc trên xảy ra do trong số những người thân của nạn nhân có một số người uống rượu nên không làm chủ được hành vi, mất bình tĩnh. Sau khi lực lượng chức năng thương lượng, đề nghị người nhà và lái xe ô tô con ra riêng một nơi để thỏa thuận, giải quyết với số tiền 200 triệu đồng thì họ đã chấp nhận”, ông Sàng nói.

Cũng theo vị lãnh đạo xã Sa Pả, hành động của người thân nạn nhân là chưa đúng đắn, gây mất trật tự. Sắp tới, chính quyền xã sẽ tổ chức họp dân và tuyên truyền, quán triệt người dân cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật và không được tụ tập đông người, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Liên quan đến vụ tai nạn kể trên, ông Trần Ngọc Sơn, Chánh văn phòng Ban ATGT Lào Cai cho biết: “Hiện lực lượng chức năng đang họp bàn vì người đúng phải đền, đây là một sự bất công. Chúng tôi phải báo cáo với khối nội chính để có phương án xử lý, phải điều tra làm rõ đưa ra xét xử, nếu không sẽ thành tiền lệ rất xấu.

Từ góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi là tiền đề để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trong các vụ TNGT do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, thường tự thỏa thuận mà không báo cơ quan chức năng để sau đó khi không tự thỏa thuận được mới khiếu kiện. Lúc này, hiện trường không còn nguyên vẹn, mất hết dấu vết nên rất khó khăn cho công tác điều tra xác định nguyên nhân...

“Người dân vẫn còn có tư tưởng hễ xe lớn hoặc người đi xe điều khiển phương tiện giao thông có điều kiện hơn mình là phải chịu trách nhiệm và bồi thường. Điều này xuất phát từ nhận thức pháp luật của không ít người còn hạn chế”, luật sư nhận định.

Cũng theo luật sư Bình, luật đã nghiêm cấm các hành vi như: Lợi dụng việc xảy ra TNGT để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý TNGT. Đành rằng khi tham gia giao thông để xảy ra tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng các bên cần phải tuân theo pháp luật. Việc gia đình người bị thiệt hại khi chưa cho các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để biết nguyên nhân mà đã đòi 400 triệu mới cho khám nghiệm hiện trường là có dấu hiệu của hành vi lợi dụng việc xảy ra TNGT để trục lợi, cản trở công vụ.

“Đồng thời đây là một số tiền quá lớn đối với một người chưa được xác định là có lỗi hay không và trong một tình trạng khẩn cấp khi gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường là một hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có dấu hiệu của Tội cưỡng đoạt tài sản”, luật sư Bình nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.