Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có cuộc hội đàm hôm nay |
Hôm nay (9/8), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến công du Nga và hội kiến với Tổng thống Putin. Cuộc gặp này được nhận định có tác động mạnh mẽ tình hình khu vực và quan hệ ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây.
Gạt bỏ bất đồng
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn có nhiều bất đồng trong lịch sử. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, hai nước gạt bỏ bất đồng, bắt tay hợp tác. Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Syria khiến quan hệ hai bên lại bất ngờ xấu đi. Bởi Syria là điểm tựa quan trọng cho lợi ích chiến lược của Nga tại Trung Đông, nhưng lại là “cái gai” trong tìm kiếm vị thế tại khu vực địa chiến lược này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc binh biến bất thành ngày 15/7 đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn với Nga. Học giả người Thổ Nhĩ Kỳ Emre Ersen, một chuyên gia về quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ coi Nga là đối tác quan trọng, đặc biệt là sau vụ binh biến. “Putin là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên điện đàm với ông Erdogan và tuyên bố ủng hộ vô điều kiện đối với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ - Chính phủ được bầu một cách dân chủ. Đây là một điều rất thú vị, ở thời điểm khi mà những phản ứng từ đồng minh truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ là các nước phương Tây và Mỹ lại rất “im hơi lặng tiếng”, ông Ersen nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc phỏng vấn của hãng tin TASS ngày 7/8, cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng: “Đây sẽ là một chuyến thăm lịch sử, một sự khởi đầu mới. Tại cuộc hội đàm ngày 9/8, tôi tin rằng một trang mới trong quan hệ song phương sẽ được mở ra. Hai nước chúng ta có rất nhiều thứ để làm cùng nhau. Nếu không có sự tham gia của Nga, thì khó có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề Syria. Chỉ có quan hệ đối tác với Nga mới giúp chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria”.
Một mặt, cuộc binh biến ngày 15/7 khiến Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga hơn bao nhiêu thì nó lại khiến nước này xa hơn bấy nhiêu với các đồng minh phương Tây và Mỹ. Nhiều lãnh đạo phương Tây lên tiếng chỉ trích chiến dịch “thanh lọc” hậu binh biến, trong khi một số nước còn kêu gọi dừng các cuộc đối thoại về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ với EU.
Lựa chọn chiến lược khác
Với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác kinh tế - thương mại chủ chốt, là khách hàng tiêu thụ năng lượng quan trọng hàng đầu của Nga. Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành cầu nối trung chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu nếu dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” hoàn thành. Hai bên từng đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ nói riêng và các nước phương Tây khác nói chung giống như một cuộc hôn nhân Công giáo, không có ly hôn. Sau binh biến, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, các đồng minh phương Tây không chia sẻ và ủng hộ Ankara; thậm chí còn cáo buộc một số nước phương Tây “hậu thuẫn” các phần tử đảo chính. Mỹ cũng chưa thực hiện yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen - bị cáo buộc đứng sau đảo chính, đang sống lưu vong tại Mỹ; bất chấp việc Thổ cảnh báo điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hai bên.
Trong khi đó, EU cũng quyết định chưa áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU theo thỏa thuận về người di cư giữa hai bên. Nhiều nước EU còn muốn chấm dứt đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Do vậy, không lạ khi ông Erdogan tuyên bố EU đã không thực hiện những lời hứa và “lừa” Thổ Nhĩ Kỳ suốt 53 năm qua.
Dù vậy, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần xoa dịu lo ngại của các nước phương Tây rằng, chuyến thăm Nga của ông Erdogan không phải là dấu hiệu cho thấy quốc gia thành viên NATO này đang quay lưng lại với phương Tây. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng khẳng định điều đó: “Chúng tôi đã quá mệt mỏi với các luận điệu tuyên truyền như vậy. Thậm chí, trước khi có vụ máy bay bắn hạ, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng chưa bao giờ là lựa chọn thay thế mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU và NATO”.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Erdogan quyết định thăm Nga vào thời điểm này có thể là thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ gửi các đối tác phương Tây rằng, nước này có thể có những lựa chọn chiến lược khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận