Tại cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng EU ở Brussels, Bỉ ngày 28/3, các quốc gia thành viên EU đã thông qua luật quy định toàn bộ ô tô mới bán ra tại khu vực phải có mức phát thải CO2 bằng 0 từ năm 2035, mức phát thải CO2 từ năm 2030 phải giảm 55% so với mức của năm 2021.
Trong số 27 quốc gia thành viên EU, chỉ có Ba Lan bỏ phiếu chống, Italy, Bulgaria và Romania bỏ phiếu trắng.
Ảnh minh họa
Đức vốn là một trong những quốc gia bất ngờ phản đối dự luật này ngay trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng vì muốn EU mở cửa cho phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu điện tử (e-fuels).
Khi đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing nói, Berlin sẽ không ủng hộ đề xuất cấm bán ô tô mới, sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035. Đức muốn EU mở cơ hội cho tất cả các lựa chọn công nghệ và tạo điều kiện cho nhiên liệu điện tử (e-fuel).
“Bản thân động cơ đốt trong không có lỗi, mà nhiên liệu hóa thạch mới là vấn đề cần giải quyết. Cần tạo cơ hội cho các công nghệ mới. Để giải quyết được điều này, chúng ta phải cởi mở với các giải pháp khác nhau”, ông Wissing nhấn mạnh.
Theo Reuters, nhiên liệu điện tử (e-fuel) được coi là nhiên liệu trung hòa carbon vì được sản xuất bằng khí CO2. Tuy vẫn phát thải nhưng lượng khí CO2 sử dụng để sản xuất nhiên liệu này và lượng CO2 thải ra tương đương nhau nên vẫn được tính là trung hòa carbon.
Hiện tại, nhiên liệu điện tử chưa được sản xuất trên quy mô lớn. Nhà máy thương mại đầu tiên trên thế giới được mở ở Chile vào năm 2021và hướng tới sản xuất 550 triệu lít/năm.
Song, sau thời gian bàn thảo, mới đây, EU đã đạt được đồng thuận với Đức, cho phép các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong dùng nhiên liệu điện tử vẫn được bán sau năm 2035, qua đó dự luật mới tiếp tục được đưa ra bỏ phiếu và thông qua như hiện nay.
Theo dự luật mới, vào mùa thu năm 2023, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra đề xuất để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục bán ô tô mới sử dụng động cơ đốt trong và chạy hoàn toàn bằng nhiên liệu điện tử sau năm 2035.
Khi đó, ô tô cần được trang bị công nghệ để khiến phương tiện không thể khởi động nếu được nạp nhiên liệu là xăng hay dầu diesel.
Trong phản ứng mới nhất, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đức Volker Wissing hoan nghênh thỏa thuận giữa EU và Berlin mở ra những lựa chọn quan trọng hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và vẫn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các phương tiện đi lại giá cả phải chăng.
Về phần các hãng sản xuất ô tô, Porsche và Ferrari ủng hộ nhiên liệu điện tử. Bên cạnh đó, một số hãng xe khác như Volkswagen, Mercedes-Benz và Ford đang đầu tư sản xuất ô tô điện để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận