Việc EU trao quy chế thị trường cho Trung Quốc có thể khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường. |
Mỹ vừa cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) về việc trao Quy chế kinh tế thị trường (MES) cho Trung Quốc, rằng “những nhượng bộ, thỏa hiệp về thương mại có thể đẩy thị trường Mỹ và châu Âu đến chỗ ngập trong hàng hóa rẻ tiền với sự cạnh tranh không công bằng”.
Dao hai lưỡi
Thông tin trên được Thời báo Tài chính (Anh) đưa ra ngày 28/12. Từ lâu nay, Trung Quốc vẫn xác định việc giành được MES tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một trong những mục tiêu chiến lược rất quan trọng. MES có thể giúp các công ty Trung Quốc tránh bị Mỹ và EU áp thuế chống phá giá đối với hàng hóa rẻ tiền. Mỹ vẫn tìm cách ngăn chặn các công ty Trung Quốc tuồn hàng hóa rẻ tiền vào thị trường mà họ coi là “cạnh tranh không công bằng”.
Theo giới chức Mỹ, quyết định trao MES cũng đồng nghĩa với nguy cơ EU sẽ mất đi vũ khí quan trọng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) có xu hướng ngày càng ủng hộ lời đề nghị của Trung Quốc để đổi lấy nguồn vốn đầu tư. Dự kiến, khoảng đầu tháng 2/2016, EC sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng ủng hộ việc trao MES cho Trung Quốc, trong khi Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne từ lâu vẫn tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên, bà Merkel cũng thừa nhận, việc trao MES cho Trung Quốc là con dao hai lưỡi, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp truyền thống của châu Âu.
Mất 3,5 triệu việc làm
Một số thành viên EU khác như Italia hay các liên đoàn lao động những ngành công nghiệp truyền thống như thép, đồ gốm sứ, hàng dệt may lại phản đối mạnh mẽ.
Liên đoàn gốm sứ châu Âu Cerame-Unie cho biết, ngành này có nguy cơ mất khoảng 100 nghìn việc làm, tương đương một nửa số việc làm toàn ngành. Chủ tịch Cerame-Unie, ông Alain Delcourt cho biết: “Mối lo ngại của chúng tôi không chỉ là bảo vệ các thị trường, mà còn là đảm bảo công bằng, thị phần và chống lại ảnh hưởng của những hành động bất công như trợ giá và bán phá giá”.
Quyết định của EU đưa ra trong thời điểm nhạy cảm đối với ngành công nghiệp thép của châu Âu, vốn đã mất 20% nhân công từ năm 2009 do hàng nhập khẩu giá rẻ một cách không công bằng của Trung Quốc. Theo Hiệp hội thép châu Âu Eurofer, khối lượng thép Trung Quốc vào châu Âu gần như đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, mặc dù nhu cầu thép đang giảm. Hiệp hội cảnh báo nguy cơ “mất nhiều việc làm và các nhà máy phải đóng cửa” nếu quy chế được trao cho Trung Quốc.
Theo giám đốc điều hành Eurofer Axel Eggert: “Chúng ta đã có thị trường mở hơn cả và ít công cụ bảo vệ thương mại hơn so với các khu vực khác như Mỹ”. Nền kinh tế Trung Quốc chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, sẽ cho phép Mỹ và EU có lợi thế hơn trong việc điều tra bán phá giá. Viện nghiên cứu chính sách kinh tế tại Washington cho rằng, MES có thể khiến EU mất 3,5 triệu việc làm trong nhiều ngành công nghiệp.
Vì tiền?
Việc EU xem xét trao MES cho Trung Quốc liên quan đến các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc năm 2001. Bắc Kinh lâu nay coi thỏa thuận này đồng nghĩa với việc sẽ tự động được coi là nền kinh tế thị trường vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, nhiều luật sư thương mại lại không đồng ý với việc hiểu các quy định WTO theo hướng đó. Họ cho rằng, sự can thiệp của Bắc Kinh trong việc định giá, trợ giá cho một loạt ngành công nghiệp và các chính sách khác có thể khiến nước này không theo MES.
Theo ông David Martin, một thành viên đảng Lao động Anh tại Nghị viện châu Âu: “Trung Quốc đã gia nhập WTO gần 15 năm trước với kỳ vọng nước này sẽ được coi là nền kinh tế thị trường. Nhưng thực sự nó không phải như vậy, và sẽ là sai lầm nếu công nhận điều đó khi họ chỉ đáp ứng một số tiêu chí”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, EC muốn cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc sau một loạt các tranh chấp gay gắt những năm gần đây. Họ cũng muốn tìm kiếm khoản đầu tư lên tới 300 tỷ euro từ Trung Quốc cho cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng.
Về phía Trung Quốc, Tu Xinquan, chuyên gia thương mại tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Bắc Kinh cho rằng: “Thái độ của Brussells đối với Trung Quốc tốt hơn của Washington. Tất nhiên, các ngành công nghiệp EU không hoan nghênh việc trao MES cho Bắc Kinh. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn là sẽ được cấp”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận