Thời sự Quốc tế

EU nới lỏng trừng phạt với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga

24/07/2022, 13:00

EU sẽ cho phép thực hiện giao dịch cần thiết giữa các công ty quốc doanh của Nga để bán dầu mỏ cho các nước thứ ba.

Theo thông báo mới đây của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), các công ty quốc doanh của Nga như Rosneft, Gazprom Neft và Sovcomflot được phép thu xếp thỏa thuận với các công ty châu Âu về việc vận chuyển dầu mỏ xuất xứ từ Nga tới các quốc gia thứ ba.

“Để tránh khả năng dẫn đến hậu quả tiêu cực với an ninh năng lượng và lương thực trên thế giới, EU quyết định mở rộng phạm vi miễn trừ trong lệnh cấm tham gia giao dịch với một số thực thể thuộc sở hữu nhà nước (của Nga) liên quan tới sản phẩm nông nghiệp và vận chuyển dầu mỏ tới các quốc gia thứ ba”, theo nội dung thông báo.

img

EU điều chỉnh các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga. Ảnh - Sputnik

Hồi tháng 3, EU ban hành lệnh cấm giao dịch giữa các công ty châu Âu và các tập đoàn Nga bao gồm các công ty năng lượng lớn của Moscow như Rosneft, Transneft, Gazprom Neft và công ty vận tải biển lớn nhất Nga là Sovcomflot. Ban đầu, giao dịch liên quan tới nhập khẩu hoặc vận chuyển khí tự nhiên, dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ. Một số loại kim loại vẫn được miễn khỏi phạm vi lệnh cấm.

Tuy nhiên, trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga hồi tháng trước, EU áp đặt lệnh cấm một phần với dầu mỏ Nga, cấm hoạt động vận tải đường biển đối với dầu mỏ xuất xứ từ Nga tới EU và cấm các công ty châu Âu bảo hiểm, tái bảo hiểm hoạt động vận chuyển đường biển dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ Nga tới các quốc gia ngoài liên minh.

Do đó, nhiều công ty năng lượng lớn như Vitol, Glencore, Trafigura, Shell và Total ngừng giao dịch dầu mỏ Nga cho các quốc gia thứ ba. Tuy nhiên, với việc EU thông báo nới lỏng quy định vào ngày 21/7, các công ty này có thể khôi phục hoạt động kinh doanh với các tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga.

Kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra và các nước phương Tây cùng đồng minh áp hàng loạt lệnh trừng phạt với Moscow, nhiều nước trên thế giới đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và phục hồi kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.