Thế giới giao thông

EU sẽ áp thuế tới 38,1% với ô tô điện Trung Quốc, nguy cơ thương chiến bùng nổ

12/06/2024, 19:37

Ngày 12/6, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ áp đặt mức thuế bổ sung lên đến 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này có thể khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt và đưa ra các biện pháp trả đũa mạnh mẽ.

Áp dụng mức thuế bổ sung với từng hãng 

Báo Euro News đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan giám sát chính sách thương mại của EU, cho biết các mức thuế cụ thể sẽ được áp dụng tạm thời dự kiến vào tháng 7, với từng hãng xe Trung Quốc.

Cụ thể, 17,4% đối với xe điện của hãng BYD, 20% đối với xe của hãng Geely và 38,1% đối với xe của hãng SAIC.

Các công ty khác hợp tác với cuộc điều tra sẽ phải đối mặt với mức thuế 21%, còn các công ty không hợp tác sẽ bị áp mức thuế 38,1%.

EU sẽ áp thuế tới 38,1% với ô tô điện Trung Quốc, nguy cơ thương chiến bùng nổ- Ảnh 1.

Doanh số ô tô Trung Quốc tại thị trường châu Âu tăng vọt khiến lục địa già e ngại mất thị phần béo bở (Ảnh: AP).

Mức thuế trên sẽ được áp cùng với mức thuế nhập khẩu 10% hiện tại, cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu của ngành ô tô là chỉ khoảng 20%. 

Điều này đồng nghĩa Uỷ ban châu Âu nhận thấy tác động của ngành xe điện Trung Quốc với các hãng xe tại châu Âu là rất nghiêm trọng.

Theo Euro News, với quyết định trên, cả thương hiệu Trung Quốc và các hãng xe phương Tây vận hành nhà máy sản xuất xe năng lượng sạch ở quốc gia châu Á này sẽ bị ảnh hưởng dù mức độ sẽ khác nhau.

Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy phụ trách Thương mại Liên minh châu Âu (EU) cho biết: "Quyết định trên được đưa ra dựa trên bằng chứng rõ ràng sau cuộc điều tra sâu rộng và tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bây giờ chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền Trung Quốc và tất cả các bên để hoàn tất cuộc điều tra".

"Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục lại sân chơi bình đẳng. Thị trường châu Âu chắc chắn vẫn mở cửa cho các nhà sản xuất xe điện từ Trung Quốc nếu họ tuân thủ các quy tắc thương mại đã được thống nhất trên toàn cầu".
Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy phụ trách Thương mại Liên minh châu Âu (EU):

Lo mất thị phần béo bở 

Lâu nay, Brussels nhiều lần bày tỏ lo ngại khi Bắc Kinh bơm trợ cấp hào phóng cho các nhà sản xuất Trung Quốc khiến các công ty châu Âu không thể cạnh tranh và cuối cùng sẽ bị đẩy ra khỏi lĩnh vực này trong khi "chiếc bánh" xe điện ngày càng béo bở. 

Theo Eurostat, doanh số bán xe BEV do Trung Quốc sản xuất đã tăng nhanh từ 57.000 chiếc khi mới gia nhập thị trường vào năm 2020 lên hơn 437.000 chiếc vào năm 2023, bao gồm cả mẫu xe của các hãng phương Tây như BMW, Renault và Tesla sản xuất tại Trung Quốc.

Trong cùng kỳ, giá trị của những giao dịch này cũng tăng từ 631 triệu euro lên 9,66 tỷ euro.

Một nghiên cứu của Tổ chức Giao thông và Môi trường (T&E) chỉ ra thị phần của các thương hiệu Trung Quốc trên thị trường BEV của EU đã tăng vọt từ 0,4% vào năm 2019 lên 7,9% vào năm 2023 và có thể vượt qua 20% vào năm 2027 nếu xu hướng này không thay đổi.

Ủy ban Châu Âu xác định Trung Quốc đã viện trợ cho các hãng xe trong nước dưới nhiều hình thức như trợ cấp, cho vay giá rẻ, hỗ trợ tín dụng, giảm thuế, miễn thuế VAT và giảm giá hàng hóa và dịch vụ, cùng nhiều hình thức khác.

Phía EU cũng cho rằng, bên cạnh viện trợ nhà nước, các nhà sản xuất Trung Quốc còn được hưởng lợi từ chi phí lao động và năng lượng thấp, dễ dàng tiếp cận nguyên liệu thô và có hệ sinh thái để sản xuất pin rất mạnh.

Việc áp thuế bổ sung sẽ khiến cho xe năng lượng sạch sản xuất ở Trung Quốc đắt hơn ở thị trường khối EU và về gần mức giá với các đối thủ của châu Âu.

Mâu thuẫn trong nội bộ EU

Song quyết định tăng thuế cũng vấp phải ý kiến trái chiều của các nước trong khối. Hồi tháng 11, các biện pháp tạm thời sẽ được đưa ra bỏ phiếu giữa các quốc gia thành viên để trở thành quy định cứng.

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Đức, nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới, trong nhiều thập kỷ đã mở rộng sự hiện diện tại Trung Quốc và tăng cường sự phụ thuộc vào thị trường này.

Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), được hỗ trợ bởi BMW, Mercedes-Benz và Volkswagen, đã phản đối việc áp thuế bổ sung, cho rằng những mức thuế này không phù hợp để tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành ô tô châu Âu và có thể gây ra một "xung đột thương mại lớn".

Áp lực của ngành ô tô cùng với sự chia rẽ trong liên minh ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz, cho thấy Berlin sẽ bỏ phiếu giảm thuế vào tháng 11, theo Euro News.

Hungary - quốc gia đã thu hút đầu tư từ BYD, cũng được dự báo sẽ bỏ phiếu phản đối. Các quốc gia có tư tưởng tự do khác như Thụy Điển và Ireland thể hiện dè dặt, không phản đối rõ ràng.

Ở phía bên kia, Pháp - quốc gia có các công ty sản xuất ô tô ít tiếp xúc với thị trường Trung Quốc - lại nhiệt tình ủng hộ điều tra.

Italy gần đây cũng lên tiếng ủng hộ sáng kiến này, thậm chí kêu gọi EU noi gương Mỹ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố mức thuế 100% đối với BEV do Trung Quốc sản xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.