Ngày 15/6, hãng tin Sky News Arabia đưa tin Ai Cập, Israel và Liên minh châu Âu (EU) đã ký thỏa thuận tăng lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu từ Israel qua Ai Cập tới các nước thành viên EU.
EU hy vọng thỏa thuận sẽ giúp liên minh giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.
“Thỏa thuận sẽ cho phép Israel chuyển nhiều khí đốt qua Ai Cập - quốc gia có khả năng hóa lỏng khí đốt phục vụ cho việc xuất khẩu qua đường biển”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.
Theo đó, khí đốt xuất khẩu từ Israel sang châu Âu sẽ đi qua đường ống dẫn tới các cơ sở hóa lỏng của Ai Cập trên bờ biển Địa Trung Hải rồi được vận chuyển bằng đường biển tới châu Âu.
Một cơ sở khai thác khí đốt ngoài khơi của Israel
Hiện Israel đã xuất khẩu khí đốt qua đường ống tới các cơ sở hóa lỏng khí đốt tại Ai Cập. Tại đây, khí đốt sẽ được hóa lỏng và tiếp tục được đưa tới các thị trường tiêu thụ. Israel được cho là đang khai thác 2 mỏ khí ngoài khơi biển Địa Trung Hải với tổng trữ lượng khí tự nhiên khoảng 690 tỷ m3 và đang xây dựng giàn khoan khí đốt thứ 3 ngoài khơi.
Ai Cập cũng là một quốc gia sản xuất khí đốt nhưng hạn chế xuất khẩu do nhu cầu trong nước tăng cao. Quốc gia này đã hiện đại hóa các cơ sở xử lý khí tự nhiên tại khu vực biển Địa Trung Hải để trở thành một trung tâm năng lượng trong khu vực.
Thời gian gần đây, EU đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, bao gồm động thái mới nhất là thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ Nga.
Cùng ngày 15/6, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga thông báo lượng khí đốt cơ quan này cung cấp qua đường ống Nord Stream sẽ giảm 60% từ 16/6.
Gazprom giải thích công ty buộc phải ngừng hoạt động của một trạm bơm khí đốt nữa của Nord Stream do công ty Siemens của Đức chậm trễ bàn giao bộ phận quan trọng trong hệ thống bơm khí.
Do đó lượng khí đốt cung cấp qua đường ống giảm xuống còn 67 triệu m3/ngày, so với mức thông thường là 167 triệu m3/ngày. Trước đó, ngày 14/6, lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống là 100 triệu m3.
Công ty Siemens xác nhận việc chậm trễ giao thiết bị là vì ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của Canada đối với Nga.
Đường ống Nord Stream cung cấp khí đốt từ Nga tới Đức qua đường Biển Baltic với công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Ngoài ra, Đức cũng ngừng cấp phép dự án Nord Stream 2 như một biện pháp trừng phạt trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận