Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn tất kiểm toán Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023.
Theo đó, kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023, EVN lỗ hơn 25.500 tỷ đồng (trước thuế), trong khi năm 2022 đã lỗ 18.600 tỷ đồng. Các khoản lỗ này chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá.
Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của EVN là giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện (phát điện) tăng cao.
Trong khi đó, giá thành khâu phát điện hiện chiếm tới 82,8% giá thành nên những biến động của giá thành khâu phát điện ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.
Theo EVN, giá nhiên liệu năm 2023, mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.
Cụ thể, giá than nhập khẩu NewC Index năm 2023 ước tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Còn than pha trộn mua từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cũng có mức tăng rất cao so với năm 2021, ngưỡng từ 29-50%.
Còn giá khí năm qua cũng rất cao, do tiếp nhận nhiều khí Hải Thạch - Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng, bởi khí Nam Côn Sơn suy giảm sản lượng mạnh.
Những yếu tố trên khiến giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao - trong khi các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.
Năm 2023 là năm thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng nên EVN đã phải tăng cường huy động nguồn nhiệt điện để bù đắp. Đây lại là nguồn điện có giá mua cao, khiến chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN tăng cao và cũng là lý do mà EVN dù đã hai lần tăng giá điện trong năm 2023 (mức 3% và 4,5%), song đến nay khoản lỗ của EVN vẫn chưa thể khắc phục.
Thực tế, hiện EVN chỉ còn nắm giữ trực tiếp hơn 10% nguồn điện và 27% gián tiếp qua các tổng công ty phát điện, còn lại là các công ty ngoài EVN. Vì thế, việc lỗ của EVN là khó tránh khỏi khi tập đoàn này năm qua phải huy động nhiều nguồn điện giá cao.
Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2023, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho hay, thủy điện là nguồn có giá đảm bảo ổn định nhất, nhưng chỉ chiếm 28%. Còn năng lượng tái tạo có giá thành cao, với mức giá bình quân tương đương giá bán ra và gần 45% sản lượng điện khác lại hoàn toàn phụ thuộc vào biến động giá thị trường…
Với những vấn đề trên, lãnh đạo EVN khẳng định, giá thành khâu phát điện chiếm hơn 80%, trong khi các nước khác chỉ khoảng 40 - 50% (còn lại các khâu truyền tải, phân phối) đã gây ảnh hưởng đến cân đối tài chính và tối ưu hóa hoạt động của EVN. Khó khăn này còn kéo dài trong năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận