Việc phát triển NLTT chưa xác định được quy mô nên tiềm ẩn khó khăn khi thực hiện.
Có thể gây áp lực lên giá bán lẻ điện
Trong góp ý của mình với dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thể hiện sự lo lắng về lưới điện truyền tải khi Quy hoạch chú trọng đến tính "mở" nên chưa xác định được quy mô đầu tư.
Điều này gây nhiều rủi ro tiềm ẩn khi đường trục 500kV được đấu nối quá nhiều nguồn điện, không thực hiện được vai trò là “xương sống” hệ thống...
Tức là, trong Quy hoạch, để tùy tình hình thực tế mà có những bổ sung mới. Các nguồn điện tiềm năng không bị vướng vào các thủ tục hành chính phức tạp đều được xem xét đưa vào.
Thực tế từ sự phát triển điện mặt trời thời gian quá diễn ra quá nhanh, không có gì chắc chắn về một bối cảnh phát triển "ồ ạt" điện mặt trời mà nhiều cơ quan chức năng đã phải liên tục cảnh báo lại không tiếp diễn.
Trong khi, thời gian đầu tư lưới điện phải mất nhiều năm do việc giải tỏa công suất ngày càng khó khăn bởi quỹ đất hẹp, thủ tục cũng không dễ dàng...
Chưa kể, có thể xảy ra trường hợp các dự án nguồn “tiềm năng” không được triển khai nhưng các công trình lưới điện được thiết kế đồng bộ đã được đầu tư và ngược lại sẽ gây lãng phí. Chi phí này sẽ gây áp lực lên giá bán lẻ điện.
Khuyến khích tư nhân tự đầu tư lưới đấu nối
Trước thực tế trên, góp ý về cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch Điện VIII, EVN cho rằng, cần xem xét chỉ đấu thầu lưới điện đấu nối đi kèm các dự án nguồn (đấu thầu chung với các dự án nguồn) và không đấu thầu các dự án lưới truyền tải có tính chất xương sống, liên kết trong hệ thống điện và đảm bảo an toàn vận hành hệ thống, an ninh cung cấp điện.
Đồng thời, cần xác định danh mục lưới truyền tải xương sống và danh mục lưới truyền tải đồng bộ nguồn để đưa vào Quyết định phê duyệt quy hoạch.
Đáng chú ý, EVN kiến nghị nên giao EVN thực hiện đầu tư các công trình lưới điện quan trọng, xương sống, đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Cùng đó, cần xem xét có cơ chế khuyến khích tư nhân tự đầu tư lưới đấu nối (tới điểm đấu nối) sâu vào trong các khu vực phụ tải lớn của hệ thống điện, không gây ảnh hưởng đến các đường trục truyền tải xương sống của hệ thống điện.
Doanh nghiệp tư nhân cũng nên tự thuê các dịch vụ phụ trợ sẵn có trong hệ thống điện như tự đầu tư hoặc thuê dịch vụ các nguồn tích trữ năng lượng để đáp ứng nhu cầu điều tiết công suất phát của nhà máy, không gây ảnh hưởng đến hệ thống điện.
EVN cho rằng, Quy hoạch cần bổ sung đánh giá sự phát triển mất cân đối của điện mặt trời do tăng trưởng quá nhanh và nóng so với cơ cấu nguồn điện quốc gia trong các năm 2019-2020, dẫn đến một số vấn đề bất cập về mặt kỹ thuật làm cho việc khai thác, vận hành không hiệu quả, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, cần định hướng quy hoạch riêng biệt 2 loại hình nguồn điện mặt trời tập trung (quy mô lớn trên 1MW) và điện mặt trời mái nhà vì các cơ chế chính sách, quy mô đầu tư, ảnhhưởng đến lưới điện, công tác vận hành của 2 loại hình nguồn này là khác nhau...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận