Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, ngành điện đã trải qua một năm áp lực về cung ứng điện.
Cụ thể, cuối tháng 4, có thời điểm sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc đã đạt đỉnh trên 1,020 tỷ kWh, trong khi đỉnh của năm 2023 chỉ lên 928 triệu kWh.
Theo ông Tuấn, cuối năm 2023, tập đoàn xây dựng kịch bản lạc quan nhất là tăng trưởng 8,6%. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cung ứng điện, Bộ Công thương giao EVN phải thực hiện 9,2%.
"Chúng tôi nghĩ rất khó khả thi được kế hoạch giao. Nhưng ngay từ đầu quý I, Bộ Công thương đã chủ trì họp điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng về cung ứng điện lên mức trên 10%...", ông Tuấn nói về những tăng trưởng bất ngờ năm qua cho thấy những nỗ lực trong cung ứng điện của cả ngành điện khi có những thời điểm phải đảm bảo cung ứng điện đạt gần 14%.
Lãnh đạo EVN cũng cho biết, nhờ tăng giá điện vào tháng 10/2024, EVN đã thoát lỗ năm qua. Tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng. Trong đó doanh thu Công ty mẹ - EVN đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với 2023.
Tuy nhiên, vẫn còn khoản lỗ lũy kế từ năm 2022 và 2023.
Kế hoạch năm 2025, ông Tuấn cho biết, tập đoàn tiếp tục đặt ra mục tiêu kết quả sản xuất kinh doanh năm 2025 có lợi nhuận.
Bên cạnh đó, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hoàn thành đề án trước 28/2.
Về cung ứng điện, lãnh đạo EVN bày tỏ, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao là 8% hoặc hai con số thì cung ứng điện phải đạt mức 14-15%. Các công trình nguồn và lưới điện phải tiếp tục hoàn thành, trong đó có đường dây 500kV mạch 3 thứ hai…
Trong bối cảnh hệ thống điện miền Bắc tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung trong các năm tới, lãnh đạo EVN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ EVN triển khai thực hiện các dự án cấp bách để EVN và các đơn vị có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án và thi công xây dựng, kịp thời tăng cường nguồn cung cho hệ thống điện miền Bắc.
EVN cũng đề nghị Thủ tướng giao tập đoàn tiếp tục đầu tư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Kiến nghị Bộ Công thương, chỉ đạo các Tập đoàn PVN, TKV, chủ đầu tư các nhà máy điện, đặc biệt là nhiệt điện than miền Bắc đảm bảo độ khả dụng sẵn sàng và độ tin cậy của các tổ máy và cả nhà máy do mình sở hữu, không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô; chuẩn bị đủ nhiên liệu cho phát điện theo nhu cầu huy động của hệ thống.
Đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nguồn điện lớn để đưa vào vận hành năm 2025 như LNG Nhơn Trạch 3&4, BOT Vũng Áng 2…
Chỉ đạo PVN/PVGas sớm có phương án cấp khí bổ sung cho các nhà máy tuabin khí để đáp ứng nhu cầu huy động, đảm bảo cung ứng điện năm 2025 và các năm sau; ưu tiên cấp khí cho phát điện, không bán khí cho các hộ tiêu thụ ngoài điện trừ trường hợp phải đảm bảo an ninh hệ thống cung cấp khí. Tuyệt đối không bố trí sửa chữa các nguồn khí, nhà máy điện khí trong cao điểm mùa khô. Cung cấp toàn bộ lượng khí bao gồm khí tự nhiên và LNG cho các nhà máy điện chạy khí của EVN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận