Ewan MacColl và người bạn đời Peggy Seeger trong bức hình chụp chung năm 1965. Ảnh: The Guardian |
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm 1954 của nhân dân Việt Nam và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl viết The ballad of Ho Chi Minh - Bài ca Hồ Chí Minh.
“Có những con người sống mãi với thời gian”
Đêm 7/5/1954, tại buổi mít-tinh chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức tại Câu lạc bộ Lao động London ở Thủ đô nước Anh, nhạc sĩ Ewan MacColl khi đó 39 tuổi, ôm đàn, bước lên sân khấu. Ông ngợi ca chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam và nói, sự thất bại của thực dân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ là “ngày hội” của những người lao động bị áp bức khắp thế giới. Ewan đặt câu hỏi: Tại sao chiến thắng đặc biệt ý nghĩa này lại diễn ra ở Việt Nam mà không phải một nơi nào khác?
Ewan tiếp lời: “Gần đây, tôi đã được đọc cuốn sách của một số giáo sư sử học phương Đông và Pháp, Ý... ca ngợi một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX là Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuốn sách có đoạn: “Hồ Chí Minh không chỉ xót thương nhân dân mình, dân tộc mình mà ngay khi còn lưu lạc nơi đất khách, quê người, Hồ Chí Minh đã thấu hiểu nỗi đau khổ của những người nô lệ châu Phi, châu Mỹ...”.
Gấp cuốn sách lại, lập tức những cảm hứng nghệ thuật đã tràn ngập tâm hồn tôi, giúp tôi nhanh chóng sáng tác một khúc ca về Hồ Chí Minh, người đang nhen lên ngọn lửa giải phóng bừng sáng ở Việt Nam và từ đây sẽ lan nhanh tới mọi lục địa để thiêu cháy mọi áp bức, bất công. Tôi viết bài hát trên nền điệu dân ca cổ Saxon của Anh, với giai điệu thiết tha mà sôi nổi”.
Nói đoạn, Ewan MacColl nâng cây đàn lên trước ngực, kể câu chuyện mà ông đọc được về vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người đã dẫn dắt dân tộc đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bằng âm nhạc. Khán phòng Câu lạc bộ Lao động London trong đêm 7/5 như lặng đi. Mỗi khi MacColl hát xong một đoạn của bài hát The ballad of Ho Chi Minh, mọi người lại hô vang: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh”.
Năm 1967, tại “Đại hội Liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh” diễn ra ở La Habana (Cuba), Ewan MacColl đã biểu diễn bài The ballad of Ho Chi Minh trước toàn thể bạn bè quốc tế, cùng với người bạn đời của mình là bà Peggy Seeger. Cặp song ca đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ, ủng hộ. Đại hội kết thúc, vợ chồng nhạc sĩ Ewan MacColl đã tặng bản nhạc The ballad of Ho Chi Minh cho đoàn Việt Nam kèm theo 4 câu thơ ý nghĩa:
“In life there are things can’t change/
The bird not subjugated ever/
These people live forever with time/
Ho Chi Minh.
(Tạm dịch: “Trên đời có những vật không thể thay đổi
Có những con chim không khuất phục bao giờ
Có những con người sống mãi với thời gian Hồ Chí Minh”).
Chạm đến trái tim hàng triệu con người
Trong hồi ức của mình, vợ của cố nhạc sĩ Ewan MacColl, bà Peggy Seeger nói: “Ewan có một sự đồng cảm lớn với con người Hồ Chí Minh, một nhân cách đáng mến. Hồ Chí Minh luôn ở trong trái tim, suy nghĩ của ông ấy và Bài ca Hồ Chí Minh kể về cuộc đời của Hồ Chí Minh, từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước rồi trở về giải phóng quê hương mình. Đó không chỉ là một bài hát lãng mạn, mà còn là một bài hát đầy tính chính trị.
Có lẽ ở nhiều đất nước, họ cũng ước có một vị lãnh tụ như vậy, đó là lý do vì sao bài hát đã đi vào trái tim, thấm vào tâm hồn họ”.
Bài ca Hồ Chí Minh |
Nhạc sĩ Nguyễn Phú Ân nói về Bài ca Hồ Chí Minh: “Một bài hát viết về Bác Hồ một cách tỉ mỉ, bằng những triết lý chân chính. Ông (Ewan MacColl) yêu Bác Hồ thực sự và coi Bác là một sự vĩ đại”.
Bài ca Hồ Chí Minh của Ewan đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như: Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Nhật… Ở Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Phú Ân chính là người đặt lời Việt cho bài hát vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, dựa trên bản dịch của một giảng viên sư phạm thời bấy giờ. Như thế, bài hát mang tên Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho không chỉ người dân Việt Nam, mà với tất cả các dân tộc bị áp bức ở phía bên kia đại dương.
Lần đầu tiên Bài ca Hồ Chí Minh do Phú Ân đặt lời vang lên trong nước là tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đúng sinh nhật Bác năm 1967 với phần biểu diễn đầy ấn tượng của ca sĩ, cố nghệ sĩ Quang Hưng. Phần biểu diễn xúc động cùng với lời bài hát được chuyển thể sang tiếng Việt đầy ý nghĩa đã được sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả: “Miền biển Đông xa tắp nơi chân trời, người dân ở đó lầm than đói nghèo.
Từ đau thương Người đi khắp năm châu lòng tin mặt trời chân lý sáng soi rọi chiếu tới dân mình, Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh…”.Trong một chia sẻ trên truyền thông trong nước, nhạc sĩ Phú Ân kể rằng, Bác Hồ từng nói, Người thích phần lời bài hát này vì nó dung dị và “không tôn vinh một cách quá đáng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận