Ngày 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 23 cho phép thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 (F0) không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm "4 tại chỗ".
Các điểm thu dung này do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế. Công điện số 23 nêu rõ hiệu lực thi hành từ ngày 17/11.
Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn - nơi dự kiến sẽ thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các địa điểm được UBND TP Hà Nội giao thí điểm thu dung, điều trị F0 (trạm y tế lưu động) thực hiện tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn (quận Long Biên); Trường THCS Tiền Yên (huyện Hoài Đức); Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (huyện Thanh Trì)... vẫn trong tình trạng "vườn không, nhà trống", chưa có giường bệnh, trang thiết bị để điều trị.
Những ngày gần đây, số ca Covid-19 ghi nhận trên địa bàn Hà Nội có dấu hiệu tăng. Ngày 18/11, thành phố cũng ghi nhận 114 ca mắc trong cộng đồng, đây là số ca cao nhất từ trước đến nay (từ khi có dịch trên địa bàn Hà Nội, tháng 3/2020). Tổng số ca nhiễm trong ngày 18/11 của Hà Nội là 277 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) là 7.016 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.542 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 4.474 ca.
Trao đổi với PV, bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên (nơi dự kiến sẽ thu dung F0 tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn với quy mô 150 giường bệnh) cho biết, nhân sự y tế phường, xã đã được tập huấn cho công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
"Tuy nhiên, về trang thiết bị, phải có quyết định của Sở Y tế thành phố mới đầu tư được. Cả cơ chế vận hành cụ thể cũng phải chờ", bà Nguyệt cho hay.
Tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, PV cũng thấy vẫn là những dãy nhà trống, cửa đóng then cài, không thấy các biện pháp y tế được chuẩn bị ở đây.
Nhân viên bảo vệ Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn còn tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết nơi này sẽ trở thành địa điểm thu dung, điều trị F0 Covid-19.
Tại huyện Hoài Đức, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện cho hay, Phòng Y tế huyện đang khảo sát Trường THCS Tiền Yên.
"Dự kiến, chiều 20/11, trang thiết bị y tế như giường bệnh sẽ được chuyển đến địa điểm trường THCS Tiền Yên và đến 20/11 sẽ hoàn thiện cơ sở vất chất. Ngày 21/11, địa điểm thu dung, điều trị F0 này có thể đi vào sử dụng", bà Thanh nói.
Ông Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì thì cho biết, cơ sở vật chất như phòng, nhà vệ sinh thì đã có sẵn rồi, chỉ chờ hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội thì sẽ đưa trang thiết bị y tế như giường bệnh vào để vận hành.
"Bây giờ phải có chủ trương hướng dẫn của Sở Y tế về mặt chuyên môn có bộ máy vận hành, thì khi đó mới triển khai đưa trang thiết bị y tế như giường bệnh nơi thu dung"”, ông Trung nói.
Nhận định về việc Hà Nội lựa chọn phương án điều trị F0 không triệu chứng, F0 nhẹ tại trạm y tế lưu động phường, xã thay vì điều trị tại nhà như ở nhiều địa phương, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: "Việc Hà Nội cho F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ điều trị tại các trạm y tế lưu động có thể một phần vì lo ngại khi F0 điều trị ở nhà sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người thân".
PGS Phu lưu ý, với chiến lược điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại trạm y tế lưu động, Hà Nội phải đảm bảo được năng lực về nhân lực và vật lực của các trạm y tế lưu động.
Theo đó, thành phố cần có biện pháp đào tạo đội ngũ cán bộ y tế ở các trạm y tế lưu động, để đáp ứng được nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, chăm sóc, quản lý F0 cũng như nhận diện để xử lý kịp thời khi các tình huống xảy ra.
Cùng với đó, các trạm y tế lưu động cũng cần đảm bảo được các yếu tố về cơ sở vật chất, đặc biệt là đủ oxy, bên cạnh đó là điều kiện điều trị và sinh hoạt của bệnh nhân, chứ không đơn thuần chỉ là gom các F0 vào một chỗ.
Theo Công điện số 23/CĐ-UBND, Hà Nội sẽ thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại 5 cơ sở:
- Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, quận Long Biên với quy mô 150 giường.
- Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức với quy mô 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh).
- Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn với quy mô 200 giường.
- Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì - quy mô 300 giường.
- Trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức với quy mô 200 giường.
Thành phố mở rộng cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm.
Việc điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 tại tuyến y tế cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ" theo kế hoạch sẽ có khả năng đáp ứng với tình huống có 100.000 người bệnh.
Các trạm y tế lưu động sẽ được trang bị đầy đủ các trang bị y tế, thuốc, vật tư phòng dịch, trang thiết bị văn phòng phục vụ, đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận