Phối cảnh đường đua F1 tại khu vực Mỹ Đình - Ảnh: Fomula One |
Bài học Malaysia, Singapore
UBND TP Hà Nội mới đây đã chính thức công bố việc đăng cai tổ chức chặng đua công thức 1 (F1) từ năm 2020 tới năm 2030, dưới sự tài trợ của một tập đoàn kinh tế tư nhân. Địa điểm tổ chức là khu vực xung quanh Khu liên hiệp Thể thao Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Thông tin này thu hút dư luận cùng những luồng ý kiến trái chiều. Một chiều ủng hộ và cho rằng, sự kiện F1 tới Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho ngành thể thao, du lịch. Chiều ngược lại cho rằng, thời điểm này, đầu tư cho những hạng mục dân sinh quan trọng hơn đưa một giải đấu thể thao tốn kém vào Việt Nam.
Thực tế, việc xuất hiện ý kiến trái chiều cũng dễ hiểu nếu nhìn sang hai quốc gia Đông Nam Á đăng cai F1 là Malaysia và Singapore. Malaysia đã rút lui không đăng cai kể từ năm 2018 do thua lỗ, còn Singapore tiếp tục gia hạn với Ban Tổ chức F1 để duy trì chặng đua ở quốc gia mình tới năm 2021. Chi phí cho mỗi chặng đua ở Malaysia vào khoảng 50 triệu USD, bên phía Singapore lên tới 100 triệu USD. Vậy tại sao Singapore không thua lỗ, thậm chí còn lãi lớn?
Tờ Straits Times thông tin, mỗi năm, ước tính chặng Singapore Grand Prix thu hút khoảng 350 nghìn khách quốc tế, mang về 150 triệu USD. Tức trừ chi phí, đảo quốc sư tử vẫn đút túi 50 triệu USD. Theo tờ Express, sức hút của chặng đua tại Malaysia đã giảm đi rất nhiều sau khi có chặng Singapore, kéo theo lượng khán giả giảm tới 40%. Khán giả giảm đồng nghĩa với việc doanh thu từ bán vé, dịch vụ cũng sụt giảm, dẫn tới Malaysia thu không thể bù chi.
Nhưng không riêng Malaysia, chặng đua F1 ở Đức, quê hương của huyền thoại Michael Schumacher cũng gặp khó khăn và từng hủy đăng cai năm 2015 và 2017 do vấn đề kinh phí. BBC cho hay, năm 2014, chỉ có khoảng 40 nghìn khán giả tới trường đua Hockenheim, năm 2016 là 50 nghìn trên tổng số 120 nghìn chỗ ngồi. Còn ở Australia, tờ Mothership tiết lộ, quốc gia này lỗ hàng năm lên tới gần 40 triệu USD.
Thách thức thật sự
Hãng tin AP cho hay, Hà Nội phải bỏ ra hơn 1 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 50 triệu USD/năm để đăng cai F1. Vấn đề đặt ra ở đây là Hà Nội có thể sinh lời từ sự kiện này? Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho rằng, chặng đua F1 tại Việt Nam nếu làm bài bản, tổ chức được nhiều sự kiện bên lề chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn du khách, từ đó thúc đẩy bán lẻ, du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cũng khẳng định thời điểm này chưa thể tính được doanh thu từ chặng đua F1 tại Hà Nội cũng như lượng du khách sẽ tới Việt Nam theo dõi F1.
21 chặng đua F1 trên thế giới Đua xe F1 hiện có cả thảy 21 chặng, được tổ chức ở 21 quốc gia khác nhau gồm: Australia GP, Bahrain GP, Chinese GP, Azerbaijan GP, Spanish GP, Monaco GP, Canadian GP, French GP, Austrian GP, British GP, German GP, Hungarian GP, Belgian GP, Italian GP, Singapore GP, Russian GP, Japanese GP, United States GP, Mexican GP, Brazilian GP, Abu Dhabi GP. |
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói: “Tất cả mới chỉ đang đi những bước đi đầu tiên nên việc hạch toán chi tiết chưa thể thực hiện. Ít nhất phải tới tháng 4/2019 chúng tôi mới có được con số khái quát về chi phí cũng như nguồn thu”.
Một câu hỏi khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm là Việt Nam có đủ năng lực tổ chức giải đua F1? Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng chia sẻ F1 là bộ môn lần đầu xuất hiện tại Việt Nam nên khi tiếp cận, ngành Thể thao có những bối rối nhất định.
Tuy nhiên, đó là trên góc độ quản lý nhà nước, còn thực tế về mặt chuyên môn, Ban Tổ chức F1 đã cử chuyên gia, cố vấn làm việc cụ thể, chi tiết với ngành Thể thao và TP Hà Nội.
“Họ sẽ lo toàn bộ về chuyên môn, thi đấu còn phía Việt Nam chỉ lo về phần tổ chức, cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh cho cuộc đua. Việc này nằm trong tầm tay của ngành Thể thao cũng như TP Hà Nội”, ông Thắng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo nhà báo Đặng Việt Cường, Việt Nam đăng cai F1 không chỉ có những yếu tố thuận lợi. “Giải đua F1 đòi hỏi tiêu chuẩn vô cùng cao về cơ sở vật chất, công nghệ, dịch vụ, an ninh, kinh phí, cùng năng lực tổ chức, vận hành. Đây đều là những khó khăn của Việt Nam bởi chúng ta vẫn thiếu kinh nghiệm trong khâu tổ chức các giải đấu đỉnh cao.
Đó là chưa kể đến việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương ở các sự kiện còn hạn chế. Thế nên, nếu muốn tổ chức thành công giải đua F1, các nhà tổ chức phải nghiên cứu, chuẩn bị, phối hợp kỹ càng”. Bên cạnh đó, theo nhà báo Đặng Việt Cường, vì chưa có kinh nghiệm nên nếu làm không tốt sẽ rất dễ xảy ra tai nạn, thậm chí là khủng bố quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận