Thông tin với PV Báo Giao thông, đại diện FastGo cho biết, các đối tác mua xe trực tiếp với đại lý của Vinfast qua giới thiệu của FastGo.
“Việc mua xe này độc lập với việc cam kết giữa tài xế và FastGo thông qua chương trình VinFastCar. Tài xế mua xe xong có thể tham gia hoặc không tham gia chương trình VinFastCar, đồng thời có thể tùy ý sử dụng xe theo nhu cầu cá nhân”, đại diện FastGo cho biết.
FastGo cũng khẳng định không tham gia vào quá trình làm việc giữa ngân hàng và tài xế mà chỉ cung cấp các thông tin về các gói vay ưu đãi cho dòng xe Fadil từ ngân hàng.
“Mỗi tài xế hoàn toàn chủ động làm việc với ngân hàng nếu cần thiết, lựa chọn gói tài chính phù hợp với khoản trả trước của họ. FastGo không nắm được thông tin giữa ngân hàng và tài xế”, đại diện FastGo nói.
Cũng theo thông tin từ FastGo, việc mua xe thông qua giới thiệu FastGo sẽ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm, được tham gia chương trình VinFastCar với các quyền lợi ưu tiên như được nhận khách ưu tiên, chỗ đỗ xe ưu tiên, các quyền lợi bảo hiểm, đảm bảo thu nhập tối thiểu nếu tuân thủ các điều kiện của chương trình; thưởng điểm trên cuốc xe và không bị thu chiết khấu % doanh thu.
Còn giá mua xe, theo FastGo, các tài xế sẽ mua xe theo giá thị trường.
Vì sao các tài xế lại tố bị vỡ nợ khi tham gia chương trình VinFastCar? Việc vỡ nợ là do mua xe VinFast Fadil được FastGo giới thiệu sau đó tham gia chương trình VinFastCar của FastGo nhưng không được bảo doanh thu.
Theo thông tin FastGo cung cấp qua bản Hướng dẫn tài – VinFastCar, đối tác tài xế tham gia sẽ được cam kết doanh thu 25 triệu đồng/tháng nếu đáp ứng được các điều kiện hoạt động của công ty như: Online 12h/ngày, 6 ngày/tuần; Tỷ lệ nhận chuyến trên hoặc 90%; Tỷ lệ thành công trên hoặc bằng 90% (không tính các cuốc hủy)... Với mức cam kết doanh thu 21 triệu đồng/tháng, điều kiện là online 12h/ngày, 5 ngày/tuần...
FastGo cho biết, các đối tác lái xe này chưa đáp ứng các điều kiện cam kết, đặc biệt là tỷ lệ hoàn thành chuyến đi rất thấp (nhận cuốc xong lại huỷ không đón khách hoặc không đón được khách). Chính vì lý do này, các tài xế sẽ không nhận được doanh thu như cam kết nói trên.
Tuy nhiên, theo các tài xế, khi ký hợp đồng, trong Quyết định về việc thông qua và triển khai Chính sách cho tài xế VinFastCar ngày 17/8/2019, tại mục Quy định về cam kết hỗ trợ doanh thu thì ngoài Thông tin chung tại bảng chỉ số chỉ gồm các nội dung: Tuân thủ các quy định tài xế FastGo nói chung và Tỷ lệ nhận chuyển không thấp hơn 90%.
Nếu chiếu theo điều khoản này thì không có điều khoản tài xế phải đảm bảo tỷ lệ thành công trên hoặc bằng 90% (không tính các cuốc hủy)...
Ngoài ra, “khi chúng tôi ký cam kết với FastGo sẽ có chế độ tự động nhận chuyến. Khi đã tự động thì không bao giờ có thể trôi được cuốc nào. Vì vậy tỷ lệ nhận chuyến của chúng tôi luôn là 100%”, một tài xế nói với Báo Giao thông.
Được biết, chiều qua, Ứng dụng gọi xe FastGo đã chính thức gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an và làm thủ tục khởi kiện 3 tài xế sử dụng 3 chiếc xe VinFast Fadil với lý do “treo băng rôn khẩu hiệu đăng tải thông tin không đúng sự thật gây ảnh hưởng trật tự công cộng và có dấu hiệu vu khống xâm hại quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận