Thời sự Quốc tế

Financial Times: Nga âm thầm mua 100 tàu chở dầu

Hãng tin Financial Times cho rằng, Nga đã lặng lẽ mua hơn 100 tàu chở hàng trong năm 2022 và chưa rõ chính xác mục đích này là gì.

Hơn 100 tàu được mua qua người mua mới hoặc giấu tên

Cụ thể, Financial Times dẫn thông tin từ nhà môi giới vận tải đường biển Braemar cho biết, Nga đã trực tiếp hoặc gián tiếp mua hơn 100 tàu chở hàng trong năm nay.

Còn theo công ty tư vấn trong lĩnh vực năng lượng Rystad, Nga đã bổ sung thêm 103 tàu chở hàng trong năm 2022 thông qua mua bán hoặc phân phối lại tàu chở dầu cho Iran và Venezuela - hai quốc gia đang bị châu Âu cấm vận xuất khẩu dầu mỏ.

Ông Anoop Singh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tàu chở hàng tại công ty môi giới Braemar, cho biết các tàu Nga mua hoặc phân phối lại trong năm nay trung bình đã được sử dụng trong 12-15 năm và sẽ được loại bỏ trong vài năm tới.

Việc mua bán lượng lớn tàu chở hàng thông qua người mua mới hoặc giấu tên có xu hướng tăng mạnh. Theo ông Singh, đây đều là những người mua mà một công ty môi giới lâu năm như Braemar không có nhiều thông tin và phần lớn số tàu này đều hướng tới Nga.

img

Tàu chở dầu mỏ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh - Getty

Tháng trước, công ty Braemar cũng cho biết các nhà vận hành liên quan tới Nga đã mua 29 tàu chở dầu lớn (VLCC), mỗi tàu có khả năng chở 2 triệu thùng dầu thô, trong năm 2022. Ngoài ra, Nga được cho là đã mua 31 tàu chở dầu cỡ Suezmax (có khả năng chở 1 triệu thùng dầu) và 49 tàu chở dầu Aframax (mỗi tàu có khả năng chở 700.000 thùng dầu).

Ông Craig Kennedy, chuyên gia về dầu mỏ Nga tại Trung tâm Davis thuộc Đại học Harvard, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy trong những tháng gần đây, có nhiều tàu chở hàng được bán cho người mua giấu tên. Vài tuần sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, nhiều tàu chở dầu trong số này xuất hiện tại Nga và thực hiện chuyến chở dầu thô đầu tiên”.

Mục đích là gì?

Để giải thích về xu hướng này, Financial Times dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, việc Nga “lặng lẽ” mở rộng đội tàu chở hàng nhằm “qua mặt” những hạn chế của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Moscow.

Liên minh châu Âu (EU), G7 và Australia nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ Nga. Ngoài ra, lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển của EU dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/12.

EU và G7 cũng cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho tàu chở dầu vận chuyển dầu mỏ Nga trên mức giá trần. EU đã thông báo bất cứ tàu chở hàng không mang cờ EU bị phát hiện vi phạm quy định về mức giá trần với dầu mỏ Nga đều sẽ bị cấm vận tải hàng hóa ở phương Tây trong 90 ngày.

Điện Kremlin chưa phản hồi đề nghị đưa ra bình luận về việc Nga mua thêm tàu chở hàng lỏng. Song, hồi tháng 10, ông Andrei Kostin, lãnh đạo ngân hàng nhà nước VTB của Nga cho biết Moscow cần chi ít nhất 16,2 tỷ USD cho việc mở rộng hạm đội tàu chở hàng lỏng. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho rằng Moscow cần xây dựng chuỗi cung ứng dầu mỏ.

Về phần mình, Nga đã thông báo sẽ không bán năng lượng cho các quốc gia áp đặt giá trần với mặt hàng này của Moscow.

Ngày 3/12, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow sẽ không công nhận mức giá trần của phương Tây đối với dầu mỏ xuất khẩu qua đường biển của Nga.

Moscow cũng nhiều lần cảnh báo việc áp đặt mức giá trần dầu mỏ Nga có thể gây hậu quả nặng nề cho thị trường năng lượng, đẩy giá cả hàng hóa tăng cao.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, Nga sẽ sử dụng đội tàu mới mở rộng để cung cấp dầu mỏ cho một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ - những nước đã trở thành đối tác mua dầu mỏ lớn của Moscow sau khi châu Âu hạn chế mua dầu mỏ Nga liên quan đến việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Giới chuyên gia phương Tây ước tính, Moscow vẫn thiếu tàu chở hàng và có thể gặp khó khăn để duy trì khả năng xuất khẩu dầu mỏ như hiện nay trong những tháng đầu năm 2023. Do đó, Nga vẫn cần nhiều tàu chở hàng hơn để đáp ứng hành trình xa hơn khi trong thời gian tới lượng dầu mỏ trước đó được bán tại châu Âu giờ sẽ phải vận chuyển cho người mua mới ở châu Á.

Theo ông Kennedy, lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga sẽ giảm sâu hơn khi lệnh cấm của EU đối với sản phẩm lọc dầu của Nga có hiệu lực từ tháng 2/2023.

Công ty Braemar dự báo lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga sẽ giảm từ 700.000 tới 1,5 triệu thùng/ngày còn công ty Rystad cho rằng Nga có thể thiếu 60-70 tàu chở hàng, lượng dầu mỏ xuất khẩu qua hình thức vận tải biển của Moscow sẽ giảm khoảng 200.000 thùng/ngày.

Ông Viktor Kurilov, nhà phân tích tại Rystad, thậm chí cho rằng Nga cần thêm 240 tàu chở hàng để duy trì khả năng xuất khẩu dầu mỏ như hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.