Mỹ trừng phạt đài truyền hình, doanh nghiệp Nga
Theo hãng tin Reuters, ngày 8/5, Mỹ đã công bố nhiều biện pháp trừng phạt đài truyền hình và các doanh nghiệp Nga, cũng như hạn chế thị thực đối với khoảng 2.600 quan chức Nga và Belarus.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, Mỹ sẽ trừng phạt công ty sản xuất vũ khí Promtekhnologiya của Nga, cùng 7 công ty vận tải biển và 1 công ty tàu kéo. Ủy ban Điều hành hạt nhân sẽ đình chỉ giấy phép xuất khẩu nguyên vật liệu hạt nhân đặc biệt tới Nga.
Nhà Trắng cũng trừng phạt 3 đài truyền hình lớn của Nga, gồm truyền hình NTV, Russia-1 và One Russia, cấm tất cả các công ty Nga được phép tiếp cận các dịch vụ tư vấn và kế toán của các công ty Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo G7 và Tổng thống Ukraine. Ảnh - Twitter Tổng thống Mỹ Joe Biden
Ngoài ra, theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, trong danh sách các cá nhân Nga bị trừng phạt lần này, có các Giám đốc điều hành ngân hàng Gazprombank là Alexy Miller và Andrey Akimov.
Theo quan chức Mỹ, “đây không phải là lệnh trừng phạt đóng băng hoàn toàn với Gazprombank. Chúng tôi không đóng băng tài sản hay cấm vận giao dịch của Gazprombank. Điều chúng tôi muốn nhắm tới là gửi đi tín hiệu rằng Gazprombank không phải là thiên đường an toàn”.
Bên cạnh đó, còn có 8 giám đốc điều hành của ngân hàng Sberbank – đơn vị nắm giữ 1/3 tài sản thuộc khối ngân hàng Nga, ngân hàng Công nghiệp Moscow và 10 chi nhánh cũng bị áp đặt lệnh trừng phạt.
Trong gói trừng phạt lần này, Mỹ còn thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm trực tiếp làm suy giảm năng lực của Nga, bao gồm hạn chế đối với động cơ công nghiệp, xe ủi đất, sản phẩm gỗ và quạt.
Nhật Bản: Cấm nhập dầu Nga là một quyết định khó khăn
Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố cấm nhập khẩu dầu từ Nga "trên nguyên tắc".
Thủ tướng Kishida nhận định vì Nhật Bản là một nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu nên đây là một quyết định khó khăn của nước này.
Nhưng lúc này, việc đoàn kết trong Nhóm G7 đang là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết khi nền tảng của trật tự quốc tế không chỉ tại châu Âu mà còn tại châu Á bị lung lay bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh - AFP
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Kishida giải thích các biện pháp trừng phạt bổ sung được công bố ngày 5/5 gồm đóng băng tài sản đối với 140 cá nhân nước này, cũng như tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine và các nước láng giềng.
Canada đang áp trừng phạt với 40 cá nhân Nga
Từ Canada, Văn phòng Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết nước này đang áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 40 cá nhân Nga.
Thủ tướng Canada gặp và trao đổi với Tổng thống Ukraine. Ảnh - Reuters
Trong đó, Canada sẽ nhắm vào 21 cá nhân gồm các nhà tài phiệt, người thân cận với chính quyền Nga, cùng 19 cá nhân trong lĩnh vực quốc phòng và 5 thực thể đã hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho quân đội Nga.
Mặt khác, ngày 8/5, Thủ tướng Trudeau có chuyến thăm thủ đô Ukraine và gặp Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky và công bố khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 38,7 triệu USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận