Dự kiến, mức giá trần sẽ bắt đầu được áp dụng sớm nhất là từ ngày 5/12.
Tuyên bố chung của Nhóm G7 và Australia được đưa ra không lâu sau khi Ba Lan thông báo đồng ý với kế hoạch tương tự của Liên minh châu Âu (EU), theo đó giữ giá trần đối với dầu mỏ Nga thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%. Trước đó, Ba Lan đề nghị giá trần nên ở mức thấp nhất có thể.
Sau động thái “bật đèn xanh” nói trên, CH Séc, nước Chủ tịch EU cho biết đã triển khai các thủ tục về mặt văn bản để 27 nước thành viên EU chính thức thông qua quyết định này trong 2 ngày cuối tuần.
Ảnh minh hoạ.
Theo dự thảo thỏa thuận, các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó là định kỳ 2 tháng 1 lần. Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày sẽ được áp dụng đối với những tàu nhận dầu của Nga trước ngày 5/12 và sẽ được giao tại điểm cuối trước ngày 19/1/2023.
Trong tuyên bố chung của G7 và Australia mang tên Liên minh giá trần, các nước cho biết có thể cân nhắc thêm các hành động để đảm bảo hiệu quả của việc áp giá trần song không nêu cụ thể những hành động đó là gì.
Chi tiết thoả thuận dự kiến sẽ được công bố trên tạp chí pháp luật Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 4/12.
Chủ tịch Uỷ ban Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen nhận định: "Việc áp giá trần sẽ giúp làm giảm đáng kể lợi nhuận của Nga để phục vụ cho chiến sự tại Ukraine, làm ổn định giá năng lượng toàn cầu, có lợi cho các nền kinh tế mới nổi trên thế giới".
Ý tưởng áp giá trần được thực hiện nhằm giảm thu nhập của Nga từ bán dầu đồng thời ngăn chặn giá dầu toàn cầu leo thang sau khi Mỹ áp lệnh cấm đối với dầu thô Nga.
Giới chức Mỹ khẳng định thoả thuận này chưa từng có tiền lệ và chứng minh quyết tâm của liên minh trong việc phản đối cuộc chiến của Nga.
Phản ứng sau động thái của EU và G7, một thành viên quốc hội Nga nhấn mạnh việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là vi phạm nguyên tắc thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận