Cứ ngỡ để tới được đơn vị đường sắt ở đỉnh đèo Hải Vân, chỉ cần đón tàu lên đỉnh đèo, rồi xuống tàu, đến thẳng khu ga tác nghiệp nhưng hóa ra chỉ có một số ít tàu khách dừng lại ở ga đỉnh đèo và cũng không được phép mở cửa đón, tiễn khách.
Vậy là tôi đành đi đường bộ bằng ô tô theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo lên vị trí phía trên khu ga, rồi từ đó cuốc bộ, lao dốc cả cây số đường mòn trong rừng lổn nhổn đá, trơn trượt mới tới nơi.
Thấy vài chiếc xe máy dựng chơ vơ trên đường mòn, tôi ngạc nhiên: “Xe của người đi rừng à? Sao họ có thể đi xe xuống được nhỉ, dốc thế này, đi bộ còn chỉ chực ngã”. Anh nhân viên đường sắt dẫn đường cho tôi cười bảo: “Xe của nhân viên đường sắt khu ga đỉnh đèo đấy. Nhiều khi anh em không đi nhờ được tàu thì đi xe máy, để ở đây, rồi đi bộ xuống làm việc. Hết ca lại ngược dốc lên, lấy xe về”.
Đến khu ga, phía trước mặt là vực sâu, biển, phía sau là núi, chỉ chực rơi đá mồ côi hay sạt lở vào mùa mưa bão. Xung quanh không một bóng nhà dân, muốn đến khu ga kế tiếp ít nhất cũng 5-6km đường sắt xuyên rừng núi, qua hầm tối om, qua cầu cheo leo… Ấy vậy mà anh em khu ga vẫn ngày đêm bám trụ, đón tiễn hàng chục chuyến tàu qua đây an toàn.
“Làm riết rồi cũng quen. Chỉ mong sao đảm bảo an toàn tuyệt đối là mừng lắm rồi”, một cậu công nhân cung đường nói và cho hay, buồn nhất là khi chiều tối, anh em duy tu rút về, chỉ còn lại vài người trực tác nghiệp.
Quả vậy, chuyến tàu hàng đến, dừng lại tác nghiệp vài phút, mấy chị cấp dưỡng, công nhân duy tu đã hết ca, lên đi nhờ tàu hàng xuôi về các ga chân đèo. Tàu kéo hồi còi dài, mất hút dần trong hầm, để lại khu ga quạnh quẽ. Cả cung đường, nhà ga, cung thông tin chỉ còn lại chưa đến 10 người trực tác nghiệp...
Tôi lại nhớ những chuyến đi trước đây đến các khu ga, cung đường sắt giữa rừng núi. Đó là cung đường sắt Phương Mộ “một mình” bám trụ giữa núi rừng Hương Khê, Hà Tĩnh trong điều kiện thời tiết miền Trung khắc nghiệt nắng nóng, mưa nhiều, xung quanh chỉ vài nóc nhà dân. Anh em cung đường tự giác bảo nhau chăm lo từng mét ray, thanh tà vẹt đến cái bu lông để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Đó là khu ga Bắc Thủy (xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), nhân viên đường sắt nhà ga, cung đường, thông tin phải chăm lo công tác đảm bảo chạy tàu an toàn trên khu đoạn đường sắt có độ dốc đến 17‰, với 8 hầm, 10 cầu và nhiều đường cong, đặc biệt là cầu Bắc Thủy cao trên 41m so với lòng suối. Buồn nhất là mấy anh em gác hầm, 12 tiếng 1 ban chỉ có 1 người thui thủi, trông ra thấy núi, trông vào là hầm. Ăn uống tự túc, thường bữa cơm chỉ có thực phẩm khô như cá khô, lạc, mỳ tôm… vì có tiền cũng không kiếm đâu ra thịt, cá hay rau cỏ giữa rừng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận