Gà trong văn hóa Việt Nam - Ảnh minh họa. |
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, gà có một vị trí quan trọng. Con gà, đặc biệt là gà trống không thể thiếu trong các mâm cúng, ma chay, hiếu hỉ… Ở nông thôn Việt Nam, tiếng gà gáy ngàn đời nay được xem là “chiếc đồng hồ sống”, gà cũng là một trong 12 con giáp (Dậu) với chu kỳ tuần hoàn.
Vào đêm Giao thừa, trong mỗi gia đình Việt đều có tục dâng cúng một con gà trống, với hi vọng nó sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng rực rỡ cả năm, mang lại thuận hòa, no đủ.
Với lịch sử, gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Trên trống đồng Đông Sơn, gà và chim là những con vật xuất hiện khá nhiều. Trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, gà đã được nhắc tới trong lễ vật thách cưới của Vua Hùng để gả con gái Mỵ Nương: “Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”, cho thấy gà từ lâu đã gắn liền với đời sống thường nhật lẫn tâm linh của người Việt.
Thời nhà Tây Sơn (Nguyễn Huệ), tương truyền rằng Nguyễn Lữ đã sáng tạo ra môn võ Hùng Kê Quyền (bài quyền gà chọi) - mô phỏng các kỹ thuật linh hoạt của gà chọi. Đây cũng là một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam lựa chọn vào các kỳ thi chuyên môn toàn quốc.
Trong tranh dân gian Đông Hồ, tranh vẽ gà được xem là một trong những hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam thanh bình, triết lý sống gần gũi với thiên nhiên, đồng nội. Ngoài ra, hình ảnh gà còn có một vị trí quan trọng trong các tín ngưỡng thờ Mẫu, Thánh… ở Việt Nam.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận