Nằm ẩn mình lẻ loi dưới chân đèo Hải Vân là một căn chòi gác khá tạm bợ, mái lợp tôn, tường che bằng cót tre, nơi những nhân viên thuộc Cung đường Lăng Cô đang làm nhiệm vụ trực gác... đá rơi.
Thấy chúng tôi đến, anh Lê Ngọc Hà tay bắt mặt mừng như có khách quý tới thăm. Cái chòi khá chật chội, giản đơn gồm các dụng cụ chuyên ngành “cờ, đèn, còi, pháo”, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và một cái tạm gọi là giường từ những tấm ván ghép lại kê trên cái chân kệ làm từ gỗ bạch đàn. Sẵn có lạng trà tôi mang theo làm quà, mấy anh em cùng nhau nhóm củi nấu nước vừa trao đổi công việc.
Anh Hà cho biết anh được giao nhiệm vụ bám chốt ở đây để chuyên theo dõi tình hình đá rơi, đất mái dốc trượt xuống đường sắt từ Km 747+000 đến Km 750+000 đảm bảo an toàn chạy tàu. Tổ gác có 2 người (đều thợ duy tu cầu đường bậc cao) thay phiên đi tuần. Người này đi thì người kia ở lại trực phối hợp, đồng thời kiêm luôn công tác “cấp dưỡng”.
Thấy trong chòi không có điện thoại, tôi hỏi: “Nếu xảy ra sự cố đá rơi vào đường sắt thì các anh báo cho nhà ga và cung đường bằng cách nào?”. Anh Hà cho biết: “Trước tiên phải phong tỏa khu gian đảm bảo an toàn cái đã, sau đó là có cái “cục gạch” này rồi”, vừa nói anh vừa lấy ra cái điện thoại đã trầy xước, mờ hết bàn phím.
Tôi hỏi tiếp: “Các anh gác liên tục, công việc nguy hiểm đến an toàn tính mạng thế có đội hình khác thay không? Có chế độ phụ cấp gì không?”.
“Dân đường sắt mà, mình làm mãi quen rồi nên nhận luôn thay cho anh em. Còn mấy tảng đá mồ côi đó, sợ chi. Núi rừng như thế này ăn thua gì so với những lúc đi cứu viện bão lụt. Những lúc đó mưa to, nước tràn ngập đường sắt thế mà vẫn cứ lội ra để kiểm tra đường. Còn phụ cấp thì cũng như anh em duy tu cả thôi”.
Được biết, trên dọc tuyến đường sắt ở những đoạn đường đèo, các điểm xung yếu thì vẫn luôn có những căn chòi giản đơn nơi những người công nhân nhiệt tình, quên hết hiểm nguy để ngày đêm bám trụ, vì sự an toàn cho những chuyến tàu.
Hoàng Tiến Dũng
(Đội 7 Thanh tra Cục ĐSVN)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận