Văn hóa - Giải Trí

Gameshow truyền hình ngày càng... nhảm

01/08/2019, 06:16

Tình trạng câu hỏi xàm, nhảm xuất hiện trong những chương trình mang tính thử thách trí tuệ khiến khán giả chán nản.

img
"Ai là triệu phú" từng khiến khán giả “dậy sóng” vì câu hỏi “khó đỡ”

Những gameshow mang tính trí tuệ vốn vẫn luôn có lượng khán giả trung thành. Bởi những chương trình không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà còn cung cấp kiến thức, sự hiểu biết cho cả người chơi lẫn khán giả. Thế nhưng, không phải lúc nào những gameshow ấy cũng “trí tuệ” như cách nó vốn được khán giả xem trọng.

Câu hỏi nhảm, vô nghĩa chiếm sóng

Bước sang mùa 2, Nhanh như chớp đang là một trong những chương trình được nhiều khán giả yêu thích. Mỗi tập của chương trình được đăng tải trên Youtube đều thu hút trung bình khoảng 3 - 4 triệu lượt xem, nhiều tập lên tới gần 6 triệu lượt xem. Một trong những lý do khiến Nhanh như chớp nhận được sự quan tâm là bởi tính giải trí kết hợp rèn luyện phản xạ trí não của người chơi lẫn người xem. Trong chương trình này, người chơi được chia làm hai đội, cùng trả lời những câu hỏi mà ban tổ chức đưa ra để giành giải thưởng giá trị. Ngoài những câu hỏi đòi hỏi vốn kiến thức phong phú và sự am hiểu, còn có nhiều câu hỏi đố mẹo, chơi chữ để làm khó người chơi, cũng như mang lại những tiếng cười cho khán giả.

Thế nhưng nhiều tập gần đây, chương trình liên tục bị khán giả phản ứng vì đưa nhiều câu hỏi nhảm và xàm, thậm chí có những câu trả lời vô lý, không hợp logic. Đơn cử, trong tập 10 phát sóng ngày 1/6 có câu hỏi: “Mạc Văn Khoa lầm lũi sống trong hang, thứ 7 ngậm ngùi đi thi Nhanh như chớp mà quên khép cửa hang thì gọi là gì?” khiến người chơi ngơ ngác vì không trả lời được và đáp án được MC đưa ra là “hở hang”. Trong phần thi của diễn viên hài Mạc Văn Khoa, cũng xuất hiện nhiều câu hỏi khiến khán giả ngán ngẩm như “Anh Đức trồng khế có cành bị chìa sang nhà Lâm Vỹ Dạ thì gọi là gì?” với đáp án là “bắt bẻ”.

Thậm chí, chính Mạc Văn Khoa đã phải chán nản thốt lên “Câu hỏi bị làm sao đấy?” khi nhận được câu hỏi “Người chơi Nhanh như chớp sẽ có khả năng đặc biệt gì nếu bị Trường Giang cắn?”. Nhiều khán giả cũng tỏ ra ngán ngẩm cho rằng biên tập chương trình cạn ý tưởng. Khán giả Vương Anh Tú thất vọng chia sẻ trên kênh Youtube của chương trình: “Câu hỏi ngày càng nhảm”, còn khán giả Lan Anh nhận xét: “Chương trình bớt mấy câu đố chữ nhảm nhí đi”.

Tình trạng câu hỏi “có vấn đề” thực tế không chỉ xảy ra trong một chương trình mang đậm tính giải trí như Nhanh như chớp, mà còn từng xuất hiện trong những chương trình được khán giả yêu thích nhiều năm qua như: Ai là triệu phú, Một trăm triệu một phút… Trong đó, chương trình nổi tiếng Ai là triệu phú từng gây xôn xao với những câu hỏi và đáp án có phần khó đỡ và kỳ cục. Cụ thể, trong câu hỏi “Theo một câu hát thì: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống… ai?” và 4 đáp án được đưa ra gồm A. Ông hàng xóm; B. Chú cạnh nhà; C. Ba; D. Bác đầu ngõ”. Ngay câu hỏi “Vợ của nghệ sĩ Xuân Bắc có tên là gì?” cũng từng khiến khán giả lắc đầu bởi những câu hỏi mang tính thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân nghệ sĩ.

Nhà sản xuất cũng đau đầu

img
Nhiều câu hỏi bị chê xàm, nhảm xuất hiện trong chương trình "Nhanh như chớp"

Tình trạng câu hỏi xàm, nhảm xuất hiện trong những chương trình mang tính thử thách trí tuệ không chỉ khán giả chán nản mà thực tế, đó cũng chính là điều khiến các nhà sản xuất “đau đầu”. Bởi các chương trình làm dài hơi, số lượng câu hỏi lớn trong khi nguồn câu hỏi ngày càng cạn kiệt là tình trạng của hầu hết các nhà sản xuất thực hiện các gameshow này. Đây là thừa nhận của ông Trần Anh Dũng, Phó giám đốc Vietcomfilm - đơn vị thực hiện chương trình Một trăm triệu một phút. Theo ông Dũng, điều quan trọng với một gameshow trí tuệ chính là câu hỏi và đáp án phải có nội dung tốt. Phải làm sao để các câu hỏi mang tính gần gũi, đời thường, không quá xa lạ với mọi người mà khi đưa ra đáp án, nó cung cấp một kiến thức thú vị.

Đặc biệt để tránh tình trạng giáo điều khô khan, các chương trình cũng phải gài những câu hỏi hoặc đáp án có tính giải trí. Điều này có thể áp dụng trong việc sắp xếp hệ thống câu hỏi, hoặc thể hiện qua nội dung. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất vẫn là nguồn câu hỏi. Hệ thống câu hỏi thường được nhà sản xuất lấy từ kho nội dung của nhà đài, của công ty và tận dụng cả những câu hỏi khán giả gửi về.

“Câu hỏi phải lấy từ nhiều nguồn, nhà sản xuất cũng phải thiết lập các mối quan hệ để có những nguồn tốt nhất rồi gửi chi phí cho tác giả. Chúng tôi luôn cố gắng kiểm soát rất chặt nhưng với số lượng câu hỏi lớn thì thi thoảng bị lọt những câu xàm, nhảm là điều khó tránh khỏi. Câu hỏi cũng phải mới lạ, mà mới lạ thì nhiều khi đáp án cũng chưa chắc đúng 100% nên dễ bị sai sót”, ông Dũng than thở và tiết lộ, đôi khi bí quá nên ban biên tập chương trình vẫn để những câu hỏi mang tính vĩ mô.

Cũng thừa nhận thách thức lớn nhất chính là nguồn câu hỏi, nhưng bà Phương Thanh, Quản lý truyền thông của Đông Tây Promotion - đơn vị thực hiện chương trình Nhanh như chớp nói thêm, những gameshow này không chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức mà còn phục vụ tinh thần giải trí cho khán giả. Do đó, dù đội ngũ biên tập phải liên tục tìm kiếm câu hỏi, kêu gọi khán giả đóng góp rồi chọn lọc hệ thống câu hỏi, nhưng tiêu chí phải dựa trên yếu tố giải trí. Nếu chỉ dựa trên công thức đúng - sai cho đáp án hay câu hỏi một cách giáo điều thì rất khó thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.