Những ngày qua, gameshow hẹn hò "Hành lý tình yêu" gây tranh cãi khi người chơi Công Hoàng chia sẻ các tiêu chí chọn người yêu, chọn vợ của mình. Trong đó, gây sốc nhất là khi anh tuyên bố “Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh con trai”.
Công Hoàng bị chỉ trích trong chương trình "Hành lý tình yêu"
"Chạy sô" gameshow hẹn hò
Phát ngôn này làm dậy sóng dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tư tưởng cổ hủ, trọng nam khinh nữ. Đồng thời, việc Công Hoàng nhận mình là người Huế và nói đây là truyền thống của gia đình anh cũng khiến người dân xứ Huế bức xúc.
Họ cho rằng, phát ngôn của anh không chuẩn, cùng với sự cường điệu của chương trình đã làm xấu hình ảnh văn hóa của người Huế.
Danh tính của chàng trai cũng nhanh chóng được cộng đồng mạng truy lùng. Đáng chú ý, Công Hoàng được phát hiện anh từng tham gia một show hẹn hò khác cách đây vài tháng mang tên “Cho phép được yêu”.
Cách đây vài tháng, Công Hoàng cũng tham gia một show hẹn hò khác
Ở đó, anh xuất hiện với một người đàn ông lớn tuổi, được giới thiệu là bố của anh. Cùng đó ở hai chương trình, thông tin nhân thân về Công Hoàng có nhiều điểm không trùng khớp. Sau đó, chàng trai này đã thừa nhận trên báo chí rằng anh chỉ diễn theo kịch bản.
Trên thực tế, những người “chạy sô” gameshow hẹn hò như Công Hoàng không phải ít. Thời điểm show hẹn hò bùng nổ trên sóng truyền hình khoảng 2-3 năm trước, nhiều trường hợp từng bị bắt gặp “tìm kiếm người yêu” ở hết show nọ tới show kia.
Ví như, chàng trai Hoàng Minh - xuất hiện trong cả “Vì yêu mà đến” và “Lựa chọn của trái tim”. Quán quân Ca sĩ giấu mặt mùa 1 Tuấn Khương cũng xuất hiện trong cả “Vì yêu mà đến” và “Giai điệu chung đôi”.
Tất cả đều được hoạch định trước
Theo đạo diễn Huỳnh Tấn Phát, ai từng làm hay hiểu biết đôi chút về công nghệ gameshow đều rất rõ chuyện một diễn viên đóng vai người tham gia xưa nay không hiếm. Có người tham gia để kiếm chút tiền thưởng. Người để thoả mãn nhu cầu lên truyền hình. Thậm chí, có một số bạn diễn viên trẻ muốn tham gia để PR bản thân.
Với các gameshow truyền hình, việc một diễn viên đóng vai người tham gia xưa nay không hiếm
Ngoài lực lượng người chơi đăng ký, mỗi đơn vị truyền thông sản xuất gameshow hay chương trình đều có hẳn một lực lượng diễn viên sẵn sàng chờ đó để “dự bị” cho người chơi nếu vắng mặt. Các gameshow hẹn hò có sự xuất hiện của phụ huynh, bạn bè… thì trong lực lượng đó, có không ít là diễn viên quần chúng đóng vai.
“Tất cả đều phải theo kịch bản. Trong tập này, nói gì, làm gì, thái độ ra sao, kết quả thế nào, ai thắng, ai thua… tất cả sẽ được biên tập trao đổi và quy định trước khi bấm máy. Giữa các tập trông có vẻ bình thường thì tập nào sẽ có drama làm MXH dậy sóng… Tất cả đều được hoạch định trước”, anh phân tích.
Nam đạo diễn nói thêm, về nguyên tắc, chương trình nào cũng phải có kịch bản vì muốn lên sóng phải được duyệt. Vấn đề là đôi khi, nhà sản xuất làm biến tướng bằng cách thêm bớt, cắt xén tình huống để tạo kịch tính. Còn khán giả, cứ tưởng đó là truyền hình thực tế, rồi khi xảy ra chuyện gì lại "chĩa mũi dùi" vào người chơi.
Trong câu chuyện liên quan tới Công Hoàng, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát cho rằng, đừng vội lên án chàng trai này bởi cậu chỉ bị bắt buộc làm theo kịch bản. Một người ở thế đi kiếm tiền thì không có sự lựa chọn nào khác.
“Không chỉ người chơi, trong nhiều chương trình, ngay cả ban giám khảo, ban cố vấn cũng chỉ là các diễn viên. Họ cũng đang diễn xuất, đang thoại theo đúng ý đồ kịch bản của nhà sản xuất. Họ không khác gì vai trò của những người chơi. Chỉ khác, họ được đặt ở vị trí ghế nóng và mức cát-sê là “hàng khủng”, vị đạo diễn chia sẻ.
"Truyền hình thực tế" cũng chỉ là một khái niệm
"Tôi không lên án bởi tính chất công việc là như vậy. Chỉ có điều khán giả khi xem gameshow cần tỉnh táo, đừng để bị "dắt mũi". Ngay cả gameshow ở nước ngoài cũng phải theo kịch bản, nhưng họ làm với tay nghề cao nên xem không thấy được sự giả ở chỗ nào. Nhưng ở Việt Nam, sự non nghề của một số người làm khiến chương trình bị giả một cách quá đáng", anh chia sẻ.
Bởi lẽ, ranh giới giữa việc làm đúng kịch bản theo đúng tính chất với sự lừa dối khán giả vốn rất mong manh. Đôi khi, nhà sản xuất không nghĩ đó trò lừa mà chỉ nghĩ đó là sự kịch tính.
Cét cho cùng, tuy là trò chơi nhưng gameshow vẫn có những tác động tới người xem. Theo nhận định của nhà xã hội học – TS. Trịnh Hòa Bình, sức ảnh hưởng tới xã hội của gameshow mạnh tới đâu đôi khi phụ thuộc thời lượng chương trình, rating, mức độ phổ biến ra sao… Dù vậy, bất cứ nội dung nào một khi đã lên sóng cũng cần phải cẩn trọng để không gây ảnh hưởng tới bất cứ đối tượng nào.
Tiêu biểu, phát ngôn của Công Hoàng đã không chỉ dừng trong khuôn khổ gameshow mà lan tỏa ra phạm vi bên ngoài. “Nếu đây chỉ là hệ quả từ sự sai sót, vô ý thì điều đó minh chứng cho sự cẩu thả của đội ngũ biên tập và người quản lý phát sóng”, TS. Trịnh Hòa Bình nhìn nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận