BIDV vừa thông báo rộng rãi việc bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Công ty Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên).
Các tài sản bảo đảm cho khoản nợ mà Vinaxuki đã vay tại BIDV gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là 138.814,7m2; Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.
Giá khởi điểm được BIDV đưa ra bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Được biết, tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là 1.265.111.125.606 đồng.
Từ nhà máy sản xuất khuôn mẫu và phụ tùng ô tô, tháng 4/2004 Vinaxuki được Thủ tướng Chính phủ cấp giấy phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại. Theo công suất thiết kế, nhà máy có thể sản xuất ra 30 nghìn xe/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 9.000 lao động. Vinaxuki có thể nội địa hóa xe 4 chỗ với tỷ lệ 50%, xe tải trên 40%.
Vinaxuki bắt đầu chuyển hướng và đầu tư vào làm dòng xe con từ năm 2009. Khi đó, công ty đã có lãi và cũng từng có đối tác muốn tham gia góp vốn. Tuy nhiên, câu chuyện về giấc mơ ô tô Việt của Vinaxuki đột ngột dừng lại vào năm 2012 do công ty gặp khó khăn về vốn khi ngân hàng cho rằng chuyển hướng đầu tư vào dòng xe con sẽ mang lại rủi ro và 3 ngân hàng đã dừng cho công ty này vay vốn.
Đến cuối 2012, công ty nợ ngân hàng tổng cộng 1.472 tỷ đồng. Bị dừng vay vốn đột ngột dẫn tới mất thanh khoản, công ty buộc phải dừng sản xuất. Vinaxuki cũng bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán đấu giá.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết đã nhiều lần hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách như các năm: 2010, 2012, 2013, 2015, Bộ có gửi văn bản lên Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét cho doanh nghiệp cơ cấu chuyển khoản nợ vay đầu tư cả gốc và lãi là 630 tỷ đồng nhưng không có cơ sở pháp lý để xem xét.
Đầu năm 2019, trao đổi với PV Báo Giao thông ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki cho biết, trong hai năm 2017 và 2018, một ngân hàng TMCP nhà nước đã bán tài sản đảm bảo là một số máy móc thiết bị trừ nợ và số nợ còn lại là 1.315 tỷ đồng.
Trong hai năm nay, có một số nhà đầu tư tìm đến nhà máy gặp ông Huyên đàm phán nhưng họ chủ yếu muốn mua lại máy móc dưới dạng chẻ nhỏ và giá... sắt vụn. Thậm chí, có nhà đầu tư chỉ quan tâm tới đất và muốn mua để chuyển thành dự án bất động sản thương mại nhưng ông Huyên không đồng ý.
Thương vụ đáng chú ý nhất là một doanh nghiệp ô tô lớn trong nước đã khảo sát và đưa ra giá mua lại toàn bộ các dây chuyền của nhà máy ô tô với giá 670 tỷ đồng để phát triển thương hiệu ô tô của họ nhưng đáng tiếc đối tác ngoại của doanh nghiệp này đã không đồng ý và yêu cầu nhập khẩu toàn bộ dây chuyền từ chính quốc.
Năm 2019, ông Huyên vẫn khẳng định chỉ cần 40 tỷ đồng khôi phục lại toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất và thêm 20 tỷ nữa để đào tạo cho 5.000 công nhân trong 2 năm. Tuy nhiên, tới nay mọi việc không tiến triển, BIDV rao bán tài sản và câu chuyện dường như chính thức khép lại với giấc mơ ô tô Việt của Vinaxuki.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận