Xã hội

Gần 30 dư chấn sau động đất tại Sơn La - trận mạnh nhất từ 1943 đến nay

29/07/2020, 11:45

Động đất tại khu vực Mộc Châu, Sơn La hôm 27/7 được cho là trận động đất mạnh nhất tại khu vực này từ 1943 trở lại đây.

img
Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai họp bàn các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa sau trận động đất tại Sơn La

Sáng 29/7, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai họp bàn các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa sau trận động đất tại Sơn La.

Trận động đất lớn nhất và kéo dài tại Mộc Châu, Sơn La

Liên quan trận động đất xảy ra trưa 27/7 tại khu vực Mộc Châu, Sơn La, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nhận định: Đây là trận động đất có độ lớn trung bình (5,3 độ), có khả năng gây thiệt hại tới các công trình xây dựng kém chất lượng. Tuy nhiên, tiếp theo trận động đất này, cơ quan chuyên môn ghi nhận 16 trận dư chấn có độ lớn từ 2.5-4.0, và 10-15 dư chấn mức dưới 2.5.

“Theo thống kê, đây là trận động đất lớn nhất và kéo dài trong nhiều ngày tại khu vực Mộc Châu, kể từ năm 1943 trở lại đây. Dự báo trong vài ngày tới có thể dư chấn vẫn tiếp tục xảy ra nhưng với tần suất giảm dần, mức độ nhỏ. Đây là hiện tượng bình thường sau mỗi trận động đất có độ lớn từ 5.0 trở lên”, ông Xuân Anh nhận định.

Tuy nhiên, vị viện trưởng cũng lưu ý, động đất thường xảy ra tại khu vực miền núi Tây Bắc do nơi đây có đới đứt gãy sông Mã. Trong lịch sử, khu vực này đã từng có trận động đất rất mạnh với độ lớn từ 6.7 tới 6.8 vào các năm 1935 và 1983. Do đó, không loại trừ trong tương lai khả năng xảy ra các trận động đất mạnh tương tự.

“Cần xây dựng kế hoạch, hệ thống căn cơ lâu dài nhằm dự báo phòng chống động đất đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện và đời sống người dân tại khu vực Tây Bắc”, ông Xuân Anh nhấn mạnh.

Được biết, khu vực miền núi phía Bắc hiện có khoảng 30 trạm quan trắc động đất cấp quốc gia và địa phương. “Động đất là hiện tượng thiên tai rất phức tạp. Hiện nay chúng ta mới chỉ dự báo vùng có thể xuất hiện động đất chứ chưa dự báo được chính xác thời gian. Ngay cả nước tiên tiến như Nhật cũng chỉ dự báo được động đất trước vài giây”, ông Xuân Anh cho biết.

Tuyệt đối bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công thương, cho biết ngay sau khi động đất tại Mộc Châu xảy ra, bộ này đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc theo dõi bám sát tình hình. “Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy toàn bộ công trình công nghiệp trên địa bàn Sơn La và Hòa Bình đều đang hoạt động bình thường. Thời gian tới tiếp tục giám sát cập nhật thông tin”, vị đại diện cho biết.

Liên quan tới các hồ chưa thủy điện, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng khẳng định, kết quả kiểm tra quan trắc chất lượng hồ đập và công trình chính, đều đảm bảo an toàn. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phân tích kết quả quan trắc, thậm chí có thể thuê các chuyên gia trực tiếp đánh giá mức độ ảnh hưởng sau trận động đất”.

Trước tình hình trên, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT lưu ý: “Kết quả dự báo, quan trắc phải được cung cấp thông tin kịp thời tới cơ quan chuyên môn và người dân tránh gây hoang mang dư luận. Tất cả thông tin từ cơ quan dự báo, chỉ đạo ứng phó phải được được cập nhật tại trang web của Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai”.

Theo ông Hoài, hiện trên địa bàn miền núi Tây Bắc có hơn 560 hồ đập chứa. Trong khi đó, dự báo đầu tháng 8 sẽ có trận áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nước ta gây mưa lớn diện rộng. “Hiện tượng động đất xảy ra trong mùa mưa lũ làm tăng khả năng sạt lở. Ngoài ra các đơn vị cần đặc biệt quan tâm tới các hồ chứa nhỏ đã xuống cấp…”, ông Hoài nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị Tổng cục trưởng cũng khẳng định: Hiện các hồ thủy điện lớn được thiết kế chịu được động đất ở mức cao hơn những trận động đất lịch sử. Do đó người dân yên tâm, tránh nghe theo tin đồn trên mạng xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.