Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu người dân
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia về tình hình đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 3 tháng đầu năm 2024, công tác quản lý vận tải cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm TTATGT trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại.
Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở GTVT tăng cường quản lý hoạt động của các bến xe, đơn vị kinh doanh vận tải; xây dựng kế hoạch, phương án xe ô tô dự phòng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo TTATGT tại đơn vị kinh doanh vận tải; công tác bình ổn giá cước vận tải; Hạn chế chậm hủy chuyến trong vận tải hàng không, phối hợp công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả…
Tích cực phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Công an và các địa phương tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phát hiện xử lý nghiêm xe dù bến cóc, xe hoạt động trá hình tuyến cố định.
Tính đến nay, cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố đã có tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, với hơn 8.978 xe, vận chuyển khoảng 1 tỷ lượt hành khách mỗi năm.
Ngoài ra, việc các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang từng bước đưa vận tải đường sắt đô thị vào hoạt động đã thúc đẩy việc sử dụng phương tiện công cộng của người dân.
Với tuyến Cát Linh - Hà Đông theo thống kê của Hanoi Metro, khi mới vận hành, vào các ngày cuối tuần, tàu vận chuyển được trên dưới 30.000 hành khách. Hiện nay vào các ngày làm việc, lượng hành khách ổn định trong khoảng 35.000-36.000 hành khách.
Điều này cho thấy lượng khách có nhu cầu sử dụng đường sắt đô thị cho các chuyến đi thường xuyên như đi học, đi làm... đã được duy trì và ngày càng tăng. Đây là tín hiệu rất tích cực trong phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại Thủ đô Hà Nội. Theo Sở GTVT Hà Nội, trên dọc hành lang tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động đã giảm được một số điểm ùn tắc trên đường.
Trong thời gian tới khi tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (Hà Nội) và tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đưa vào hoạt động cũng sẽ góp phần cải thiện thị phần vận tải của giao thông công cộng, giúp kéo giảm ùn tắc giao thông.
Gần 6.900 phương tiện vận tải bị thu hồi phù hiệu
Về kết quả triển khai, xử lý vi phạm, quản lý phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, tính đến nay, cả nước có trên 900.000 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Theo thống kê, tính đến hết ngày 31/3/2024, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 6.826 phương tiện (vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng); Ra văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 85.641 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.
Thực hiện quy định tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, theo thống kê của các Sở GTVT có khoảng 200.000 xe thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định. Qua theo dõi cho thấy đến nay, các đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện việc lắp đặt xong đối với toàn bộ các phương tiện có tham gia hoạt động kinh doanh vận tải theo đúng quy định.
Để đảm bảo tình hình TTATGT, kéo giảm TNGT, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc các Sở GTVT tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT để phục vụ công tác quản lý vận tải, xử lý vi phạm và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành.
Về kết quả kiểm soát tải trọng phương tiện, quý I/2024, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và lực lượng thanh tra giao thông sử dụng cân xách tay đã kiểm tra 12.172 trường hợp, trong đó có 969 xe vi phạm, tước 301 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 15,37 tỷ đồng.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, điều này tạo sự đồng thuận cao của xã hội, sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, chủ xe và lái xe. Đa số địa phương vẫn duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, kiềm chế tái diễn tình trạng xe chở hàng quá tải và xe vi phạm kích thước thùng hàng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe, đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt các dự án trọng điểm ngành giao thông vận vẫn tiếp tục được triển khai trong thời gian tới, đòi hỏi cần phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát để kiểm soát tải trọng các xe vận chuyển vật liệu ra vào công trường thi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận