Tài chính

Gần hết năm, vốn đầu tư công vẫn tiêu “nhỏ giọt”

13/10/2020, 06:57

Dù Chính phủ đã đốc thúc quyết liệt, song đến nay vẫn có 43 bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%.

img
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được giao 1,6 tỷ đồng nhưng đã xin hoàn trả lại toàn bộ vốn do đơn vị chưa thể triển khai được dự án trong năm 2020

Điều đáng nói là bối cảnh dịch bệnh là bối cảnh chung, chính sách cũng là chính sách chung, song vì sao nhiều nơi giải ngân tỷ lệ cao, một số nơi thậm chí chưa tiêu nổi đồng nào?

Điểm danh những đơn vị “đội sổ”

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 8 tháng đầu năm đạt 49,95% và ước 9 tháng đầu năm đạt 57,15%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (45,1%). Có 8 bộ, cơ quan T.Ư và 23 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 30/9 đạt trên 60%. Có 31 bộ, cơ quan T.Ư và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%; trong đó có 11 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Đáng chú ý, tính đến 30/9, 3 đơn vị chưa giải ngân được một đồng vốn nào mặc dù số vốn được giao rất ít. Cụ thể, Hội Chữ thập đỏ được giao hơn 49,2 tỷ đồng, Hội Nhạc sỹ Việt Nam giao hơn 4,6 tỷ đồng và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ có 1,6 tỷ đồng.

Trong số này, “siêu ủy ban” đã có đơn đề nghị hoàn trả lại toàn bộ vốn do đơn vị chưa thể triển khai được dự án trong năm 2020 vì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và bố trí quỹ đất để thực hiện.

Về phía Hội Chữ Thập đỏ, chia sẻ với PV Báo Giao thông, đại diện đơn vị cho biết, “xin không thông tin vì hội đang triển khai công trình trụ sở tại cơ quan đại diện phía Nam đúng tiến độ. Quá trình thực hiện, hội thường xuyên có báo cáo với các bộ, ngành liên quan: Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT”.

Tương tự, đại diện Hội Nhạc sỹ Việt Nam cũng khẳng định “không có chuyện như vậy, năm nay sẽ giải ngân hết”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù nhiều đơn vị đang nằm trong nhóm giải ngân thấp dưới 10% nhưng xét về tổng lượng vốn và đầu mục dự án lại không nhiều.

Theo ông Tuấn Anh, điều này cũng không đáng ngại bởi có thể những tháng cuối năm mới là hạn gom lại hồ sơ, thủ tục xong xuôi thì giải quyết cũng nhanh gọn. Đáng chú ý, các dự án mua sắm thiết bị nước ngoài mới chỉ tạm ứng một phần hợp đồng, sau khi hệ thống được lắp đặt chạy thử, vận hành và nghiệm thu tổng thể thì mới thanh toán, do vậy giải ngân thường tập trung vào tháng cuối năm.

Theo ông Tuấn Anh, vấn đề lo ngại nằm chính ở những bộ ngành, địa phương có lượng vốn lớn mặc dù đã giải ngân ở ngưỡng 20-40%, nếu không thực hiện quyết liệt sẽ rất khó đạt chỉ tiêu trong năm nay. Đơn cử Bộ Y tế là một trong những đơn vị được giao vốn lớn với hơn 6.500 tỷ đồng nhưng tới nay mới giải ngân được gần 1.600 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 24%.

Lý giải tình trạng này, Bộ Y tế cho biết, tiến độ giải ngân chủ yếu phụ thuộc vào 2 dự án lớn gồm BV Bạch Mai 2 và BV Việt Đức 2 với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Các dự án này đang trong quá trình quyết toán, tuy nhiên do vướng mắc trong điều chỉnh hợp đồng các gói thầu nên phải báo cáo Thủ tướng và các bộ ngành liên quan xem xét để tháo gỡ.

Về phía địa phương, Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh được giao vốn đầu tư công lớn với hơn 14.300 tỷ đồng nhưng tới nay mới giải ngân gần 2.300 tỷ đồng, giữ vị trí đội sổ với tỷ lệ 15,9%. Lý do được lãnh đạo tỉnh này đưa ra chính bởi vướng Nghị định 68/2019/CP-NĐ khiến nhiều dự án phải dừng, thực hiện lại hồ sơ liên quan đến chi phí xây dựng mất rất nhiều thời gian (trong đó có khoảng 260 công trình, dự án đầu tư công cấp huyện).

Có cắt được vốn các dự án giải ngân chậm?

Chia sẻ về những nguyên nhân khách quan do tình hình dịch bệnh Covid-19 hay chủ trương chính sách gây ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân đầu tư công, song ông Lê Tuấn Anh cũng đặt vấn đề: “Cùng bối cảnh, quy định chung như vậy nhưng tại sao vẫn có nhiều đơn vị làm tốt, tỷ lệ giải ngân cao?”. Qua đó, ông Tuấn Anh cho rằng, câu trả lời nằm ở cách thức tổ chức thực hiện.

Theo Luật Ngân sách, thời hạn giải ngân đầu tư công tới 31/12, hơn nữa Luật Đầu tư công lại cho phép kéo dài thêm 1 năm. Tuy nhiên, người đứng đầu bộ ngành, địa phương có thẩm quyền xem xét tính toán từng dự án cụ thể, nếu từ nay tới cuối năm không có khả năng giải ngân thì chủ động đề xuất điều chuyển vốn sang dự án khác. Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đây là việc phải làm, nếu không chỉ còn 3 tháng nữa sẽ rất khó đạt mục tiêu.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính


Theo ông Tuấn Anh, qua rà soát, có bộ ngành, địa phương chậm trễ trong việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các dự án hoặc giao không sát với năng lực thực hiện. Nhiều chủ đầu tư chậm trễ trong việc trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình; chậm trễ trong việc lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng.

Đáng chú ý, năng lực của cán bộ quản lý dự án ở cơ sở nhất là cấp xã còn hạn chế không đáp ứng được yêu cầu. Một số trường hợp mục tiêu sử dụng vốn của chương trình không phù hợp với thực tiễn địa phương nên không giải ngân được.

“Trong bối cảnh hiện nay, các bộ ngành hoàn toàn có điều kiện rút ngắn thủ tục đẩy nhanh tiến độ, tại sao không tận dụng?”, ông Tuấn Anh đặt vấn đề.

Được biết, tính tới đầu tháng 9, số vốn của các bộ ngành địa phương đề xuất bổ sung gần 17.800 tỷ đồng. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ ngành có tỷ lệ giải ngân đến 30/9 dưới 60% kế hoạch đã được giao từ đầu năm để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh.

Qua đây, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định thu hồi, điều chuyển số vốn kế hoạch năm 2020 còn lại chưa được giao chi tiết cho các bộ ngành địa phương khác có nhu cầu, giải ngân tốt.

Đề xuất trên được cho là xuất phát từ tinh thần Nghị quyết của Chính phủ hồi tháng 5/2020 để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không hề đơn giản. Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, dù đã “rất nỗ lực” rà soát khắp 50 bộ, ngành T.Ư và 63 địa phương, từ tháng 6 tới nay mới ra quyết định thu hồi, điều chuyển hơn 300 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn vốn ODA.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.