Những chuyến xe liên tỉnh đưa khách qua những đoạn đường đẹp, rộng thênh thang trên QL1 mở rộng (Trong ảnh: Chụp tại địa phận xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Ích Tín |
Với mỗi người con đất Việt, dù ở muôn phương hay có bận trăm công nghìn việc, mỗi độ Tết đến Xuân về đều mong được sum họp bên gia đình, người thân. Hành trình Xuân xum vầy thường bắt đầu từ 23 tháng Chạp khi ông Công, ông Táo lên chầu trời cũng là lúc người người, nhà nhà lại lục tục chuẩn bị hành trang vượt cả trăm, thậm chí nghìn cây số về quê đón Tết.
Khổ nỗi, nhiều năm trước, khi hạ tầng giao thông chưa thực sự phát triển, phương tiện giao thông còn lạc hậu, mỗi chuyến hành trình về quê là cả một mối lo canh cánh, mất cả vài ngày đường đằng đẵng. Không ít người phải vật vã, bầm dập trên những chuyến xe “bão táp”, nhồi nhét khách vô tội vạ. Khi đó, niềm mong mỏi lớn nhất của tất thảy mọi người là làm sao những nẻo đường về quê thêm ngắn lại, không còn những “con đường đau khổ” với đầy ổ gà, ổ voi chằng chịt bủa vây.
Như để đáp lại niềm mong mỏi đó, những năm gần đây, ngành GTVT đã nỗ lực không biết mệt mỏi để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Minh chứng cho điều đó là chỉ trong vòng 5 năm qua, hơn 300 công trình giao thông trên khắp mọi miền Tổ quốc, đã được đưa vào khai thác, tạo diện mạo mới cho đất nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong số này, đặc biệt phải kể tới hai “đại dự án” QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành nâng cấp chỉ sau hơn 2 năm triển khai, vượt kế hoạch từ 1-1,5 năm.
Cũng trong thời gian qua, 700km đường cao tốc lớn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư xây dựng, vượt hơn 100 km so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra. Hệ thống đường cao tốc mới hoàn thành đã đưa Việt Nam đứng vào tốp 3 các nước có đường cao tốc lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Cùng đó là hàng loạt tuyến quốc lộ hướng tâm quan trọng trên mọi miền đất nước cũng được đầu tư xây dựng, tạo dựng được mạng lưới giao thông liên hoàn. Đáng kể là hệ thống đường GTNT trong những năm qua được đặc biệt ưu tiên đầu tư. Hiện cả nước đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp gần 50.000 km đường GTNT; xây mới gần 15.500 cầu; cứng hóa được hơn 220.000 km đường GTNT.
Cùng đó, ngành GTVT cũng huy động mọi nguồn lực triển khai giai đoạn 1 của Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT cho vùng dân tộc thiểu số. Hiện đã hoàn thành trên 200 cầu treo dân sinh trên phạm vi 29 tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm gần 4.000 cầu dân sinh kết nối các xã, thôn, bản tại các vùng dân tộc thiểu số được xây dựng theo quyết định vừa được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ đường bộ, hệ thống đường sắt, đường thủy, hàng không, hàng hải cũng được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tốc độ bình quân chạy tàu tuyến đường sắt Thống Nhất từ 60 km/h lên 77 km/h; tuyến Hà Nội - Lào Cai từ 45 km/h lên 56 km/h. Ngành Đường sắt đã triển khai hệ thống bán vé tàu điện tử, xây dựng cầu vượt cho người đi bộ trong nhà ga, lắp đặt mái che, cải tạo trang thiết bị vệ sinh toa xe; nâng cao chất lượng bữa ăn trên tàu.
Hàng không giờ không còn là nhu cầu xa xỉ bởi ngay cả những người dân bình thường cũng có thể tiếp cận do giá vé máy bay không quá cao, các hãng áp dụng linh hoạt nhiều loại vé giá rẻ để mọi hành khách đều có thể tiếp cận.
Giờ đây, ước mong mọi nẻo đường đều được rút ngắn lại của người dân đã và đang từng ngày trở thành hiện thực theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cung đường quan trọng bậc nhất cũng là huyết mạch xuyên Việt - QL1, sau khi thông toàn tuyến đã rút ngắn khoảng 10 giờ chạy xe từ Hà Nội vào Cần Thơ. Người dân các tỉnh Tây Nguyên đi TP HCM rút ngắn được 2-3 giờ. Hàng loạt tuyến cao tốc khu vực phía Nam đưa vào khai thác như TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương rút ngắn nhiều tiếng di chuyển từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận về TP HCM.
Tại phía Bắc, nhiều tuyến cao tốc lớn đã đưa vào khai thác tạo thuận lợi đáng kể cho người dân đi lại. Đơn cử, đi Hà Nội - Hải Phòng chỉ còn 1 giờ đồng hồ so với 2-3 tiếng như trước. Hà Nội đi Lào Cai và các tỉnh phía Bắc rút ngắn quá nửa thời gian so với mất cả ngày trời đằng đẵng khi cao tốc chưa thông xe. Hay như từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam rút ngắn nhiều giờ khi Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành nâng chuẩn cao tốc.
Bà Bùi Thị Nhung (Tổ 6, thị trấn Chợ Mới, Bắc Kạn): Trước khi cầu treo Chợ Mới được xây dựng, để di chuyển giữa đôi bờ con sông Chu, chúng tôi phải lội qua sông vào mùa cạn và dùng bè, mảng vào mùa nước lũ. Biết nguy hiểm rình rập nhưng đây là con đường duy nhất để họ đi làm, đi học, giao lưu với nhau... Nay đã gần 70 tuổi, lần đầu tiên tôi được thấy niềm vui mừng của người dân nơi đây khi có cây cầu treo mới, thuận lợi không kể sao cho hết. Có cây cầu treo, Tết này người dân chúng tôi không phải lội suối và đi đường vòng xa hơn 5 cây số để sang bên kia sông nữa. Nhiều nhà đã mua sắm xe máy để đi lại thuận tiện hơn. Từ ngày xây cây cầu treo, ai cũng phấn khởi, nhất là những nhà có con em đang đi học và bản thân tôi cũng như được trẻ thêm khi thường xuyên được gặp gỡ, giao lưu trong Hội Người cao tuổi của thị trấn. Trần Duy Anh Nguyễn Tiến Lâm (Hướng dẫn viên du lịch, Công ty CP Thương mại và Du lịch Hồng Nhật, TP Hải Phòng) Với kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề hướng dẫn viên, tôi chưa bao giờ thấy hệ thống đường sá phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhất là các tuyến đường cao tốc hiện đại đã và đang đem lại hiệu quả rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Trước đây, mỗi lần dẫn đoàn tham quan từ Hải Phòng tới các địa danh tại Thủ đô phải đi lại rất vất vả, quãng đường chỉ khoảng 120km nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài QL5 đang quá tải nghiêm trọng, xe lưu thông rất chậm, phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ mới về đến Hà Nội. Chưa kể những hôm đi đường gặp phải container bị lật giữa đường thì ùn tắc đến nửa ngày, nhiều du khách bức xúc vì quá mệt mỏi. Từ cuối năm 2015, khi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào khai thác, đường đẹp, thông thoáng, xe chạy êm, thời gian từ Hải Phòng về Thủ đô chỉ còn hơn 1 giờ. Tết năm nay các tour du lịch từ Hải Phòng và các tỉnh lân cận về Thủ đô và ngược lại rất ăn khách và lượng khách đăng ký rất lớn vì giao thông thuận tiện. Đình Quang Chị Lê Thị Mai, trình dược viên tại Hà Nội (23 tuổi, TP Lào Cai): Trước đây, mỗi dịp bắt xe khách từ Hà Nội về quê đi theo QL2 và QL70 quả thực là nỗi ám ảnh đối với tôi, đặc biệt là những ngày giáp Tết. Quãng đường xa, đèo dốc hiểm trở, mặt đường gập ghềnh lại liên tục có những khúc cua tay áo, ngồi trong xe lúc nào cũng cảm thấy hoa mắt chóng mặt. Trên xe đã chật chội, thời gian đi lại mất đến gần 8 tiếng khiến ai nấy đều mệt mỏi, chán chường. Thế nhưng, kể từ Tết năm ngoái, khi tuyến cao tốc nối từ Nội Bài lên Lào Cai hoàn thành, việc đi lại của chúng tôi đã trở nên rất thuận tiện, nhiều hãng xe khách đã lựa chọn tuyến này để khai thác thay vì cung đường cũ. Đường đẹp, xe đi nhanh, rút ngắn được nửa thời gian đi lại so với trước, thời gian quay đầu xe nhanh hơn nên không còn cảnh vạ vật chờ xe hàng tiếng ngoài bến như trước. Ngồi trên xe, mọi người không còn cảm giác mệt mỏi, khó chịu, từ đó, tôi chỉ lựa chọn những xe đề biển đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai để về quê. Đình Quang Bạn Nguyễn Hồng Trâm, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Tôi là một trong những hành khách may mắn đi chuyến tàu chất lượng cao SE5/6 đầu tiên ngày khai trương. Quê tôi ở Hà Tĩnh nên thường xuyên đi tàu hỏa. Đặc biệt dịp Tết, tôi luôn chọn tàu hỏa vì chất lượng phục vụ của đường sắt bây giờ tốt hơn nhiều, nhân viên nhiệt tình. Giá vé giảm hơn trước, sinh viên đi tàu lại được giảm giá nữa nên chúng em thích đi tàu. Đặc biệt, năm nay ngành Đường sắt có rất nhiều cải tiến trong khâu bán vé. Chúng em chỉ việc ở nhà đặt vé qua mạng, không phải ra ga lấy vé, không sợ “cò” lừa đảo như trước rất thuận tiện. Đúng là đi tàu Tết về quê bây giờ thật sướng, được phục vụ như đi máy bay. Thanh Thúy Anh Nguyễn Văn Tín (Tiền Giang): Tết năm nay mọi chuyện khác hẳn. QL1 như khoác một chiếc áo mới với 4 làn xe, đi lại được thuận lợi. Càng thuận lợi hơn khi dịp Tết Bính Thân năm 2016, cầu An Hữu, đường tránh Cai Lậy được xây dựng mới, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc. Nếu năm ngoái chạy từ Cần Thơ đến TP HCM phải mất hơn 4 giờ, nay chỉ còn chưa đầy 3 giờ. Do tiết kiệm được nhiều chi phí, việc buôn bán thuận lợi hơn nên năm nay cả gia đình đón Tết dư dả hơn, mua sắm được nhiều đồ đạc hơn. Tôi chỉ mong các đơn vị quản lý đường thường xuyên kiểm và bảo dưỡng tốt để duy trì chất lượng mặt đường tốt trong nhiều năm. Được như vậy, người dân và các phương tiện giao thông thực sự không còn gì phải lo và yên tâm làm ăn. Hải Đường Chị Nguyễn Thị Minh Châu (26 tuổi, quận 9, TP HCM): Tôi vừa kết thúc chuyến du lịch và thăm người thân trước Tết từ TP HCM về Ninh Thuận và TP Phan Thiết (Bình Thuận) bằng xe Phương Trang. Cả gia đình đều rất bất ngờ vì đường sá giờ quá thuận lợi, đặc biệt là tuyến huyết mạch Quốc gia QL 1 đã thay đổi diện mạo hoàn toàn tạo cảm giác dễ chịu cho người đi. Nhà xe phục vụ chu đáo với dịch vụ rất tốt khiến tất cả hành khách rất hài lòng. Ngày trước, tuyến QL1 từ TP HCM đi Khánh Hòa xuống cấp, chật hẹp, tai nạn xảy ra thường xuyên. Mỗi khi lên đường là nơm nớp lo sợ, nhưng hiện nay cảm giác rất an toàn. Chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác yên tâm và an toàn như vậy khi di chuyển, đi lại trong dịp trước và sau Tết. Vĩnh Phú Anh Ngô Thế Hưng (38 tuổi, trú tại TP Pleiku, Gia Lai): Tôi thấy giao thông ở Tây Nguyên đang thay đổi từng ngày. Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh giờ thông xe toàn tuyến và kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch khác như: QL19 vừa mới nâng cấp, sân bay Pleiku… nên đi lại rất thuận lợi. Bản thân tôi trước đây mỗi lần về quê thăm người thân, bạn bè, ở TP Hồ Chí Minh, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán rất ngại vì đường quá xấu. Khi toàn tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành, đưa vào khai thác, tôi thường bắt xe xuất bến Pleiku vào buổi đêm. Đến bến là leo lên xe ngủ một giấc, khi mở mắt là tới TP Hồ Chí Minh, chẳng mệt mỏi gì còn tiết kiệm đáng kể thời gian. Hơn nữa, giờ giá vé xe giường nằm cũng giảm, chất lượng phục vụ tăng lên đáng kể khiến tôi rất hài lòng. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Tết nào tôi cũng về thăm người quen ở Buôn Hồ (Đắk Lắk). Trước đây, từ TP Pleiku đi TX Buôn Hồ đầy ổ gà, bụi bặm, ngồi ô tô mà phải bịt khẩu trang và đi mất 4-5 giờ. Từ khi đường Hồ Chí Minh hoàn thanh, gần như xóa sổ ổ gà, bụi bặm, đi lại chỉ mất 3 giờ. Phải nói rằng, chưa bao giờ Tây Nguyên có đường đẹp và đi lại thuận lợi như bây giờ. Vĩnh Yên Anh Bùi Văn Đề (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh): Tôi hiện đang làm cho một tổ chức phi Chính phủ tại Hà Nội, thường xuyên phải về quê thăm gia đình. Nhất là vào dịp lễ, Tết, năm nào cũng về nhà đón Tết nên cảm nhận rất rõ đổi thay của hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước. Đặc biệt năm nay, khi QL1 thông xe toàn tuyến với 4 làn xe, cùng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, rồi mới đây hoàn thành nâng cấp đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ lên cao tốc nên từ Hà Nội về Hà Tĩnh và các tỉnh phía Nam chưa bao giờ thuận lợi đến thế. Những năm trước, mỗi lần di chuyển về quê ăn Tết chỉ khoảng 400 cây số là cả mối lo lớn. Có khi nhiều đêm mất ăn mất ngủ vì đường xấu, mất cả ngày trời. Đó là chưa kể đến mua vé tàu xe khó khăn. Lên xe là sợ nhồi nhét, bắt chẹt giá. Giờ đường tốt, nếu đi ban ngày từ Hà Nội vào Hà Tĩnh cũng chỉ mất 7 giờ. Còn đi ban đêm, 6 tiếng là tôi đã về đến nhà. Xe cộ thì cứ vào bến là có đủ, không sợ thiếu như trước. Lê Tươi Anh Nguyễn Tuấn Dương, Việt kiều Pháp 15 năm tôi ở nước ngoài cũng theo dõi thông tin về quê nhà, nhưng khi được trở về Việt Nam mọi thứ vẫn khiến tôi ngạc nhiên. Đường sá thuận lợi, phát triển hơn trước rất nhiều. Đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tuổi thơ tôi đã từng gắn bó với xứ sở cà phê, với những con đường đất đỏ ba-zan giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Bây giờ thì cao tốc, phương tiện đi lại thuận lợi, các dịch vụ cũng phát triển hơn. Điều mà tôi ấn tượng nhất là tuyến QL14 được mở rộng như một dải lụa xanh vắt ngang núi rừng Tây Nguyên đại ngàn rất đẹp… Nhã Huyền |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận