Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vừa cập nhập thông tin về tình hình ký kết hợp đồng mua bán điện và tiến độ công nhận vận hành thương mại các dự án điện gió trong năm 2021.
Theo đó, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 8.144 MW. Trong đó, đã có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất 611,33 MW đã vào vận hành thương mại.
Hàng loạt dự án điện gió chưa đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm theo đúng quy định trước 90 ngày.
Còn 106 nhà máy với tổng công suất 5.621,50 MW dự kiến sẽ vào vận hành thương mại trước 31/10/2021.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 61 nhà máy với tổng công suất là 3.487,8 MW gửi công văn đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm theo đúng quy định trước 90 ngày.
Như vậy, 45 nhà máy điện gió còn lại có thể không kịp tiến độ vận hành theo kế hoạch khi gửi công văn đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm sau ngày 31/7 này.
Lúc này, tổng số nhà máy điện gió không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021 có thể lên tới con số 70 - gần phân nửa dự án.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu dự án điện gió không kịp về “đích” trước ngày 1/11/2021 thì con số thiệt hại của nhà đầu tư là vô cùng lớn khi phải chờ cơ chế giá mới. Thậm chí dẫn đến phá sản nếu thời gian kéo dài.
“Mỗi dự án điện gió đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nếu vay vốn tới 80% thì tính riêng tiền lãi đã thiệt hại nhiều tỷ đồng. Chưa kể, phải trả lương cho bộ máy hàng trăm công nhân, rồi công tác bảo trì...”, vị chuyên gia nhẩm tính.
Phía đại diện Bộ Công thương cũng khẳng định, nếu không có cơ chế giá chính thức, phía EVN sẽ không ký hợp đồng mua bán điện, không nghiệm thu đưa vào vận hành.
Tuy nhiên, vị này cũng chia sẻ: "Quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế mới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để đánh giá tác động đối với từng đối tượng tham gia phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để có cơ chế xử lý phù hợp”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận