Gần đây, anh mở quán cơm ven QL5 để vừa mưu sinh, vừa có cơ hội tri ân các tài xế trên khắp mọi miền đất nước.
Những ân tình không thể nào quên
Hơn 1 tháng nay, một ngày của anh Hoàng bắt đầu bằng việc đi chợ lựa những thực phẩm tươi ngon mang về quán, sau đó hỗ trợ phụ bếp sơ chế, để khi có khách thì anh vừa làm quản lý, thu tiền, vừa bưng bê, trông xe, giúp khách thay lốp, bơm hơi...
Anh Hoàng (trái) vui vẻ gặp gỡ, chuyện trò với các tài xế tại quán ăn của mình
Dù mới mở nhưng quán cơm bình dân ở số 29 đường An Định, phường Quang Trung, TP Hải Dương của anh và người bạn đã khá đông khách.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Lê Ngọc Hoàng cho biết: “Sau khi ra tù, tôi làm đủ nghề từ phụ xe, trông coi bãi hàng hóa, hàn xì... lang thang từ Thái Bình, Lạng Sơn rồi về đây. Vợ tôi cũng nghỉ việc công ty để ra ngoài bán buôn kiếm thêm thu nhập trả nợ. Giờ có quán cơm này, tôi rất vui vì vừa trang trải cuộc sống, vừa hoàn thành tâm nguyện phục vụ anh em lái xe”, anh Hoàng nói.
Với anh Hoàng, được phục vụ giới tài xế là một sự tri ân, bởi anh vốn là tài xế, vốn đã có nhiều năm gắn bó bên chiếc vô lăng rong ruổi những cung đường xa.
Thời điểm sau khi xảy ra TNGT rồi vướng vòng lao lý, cũng chính những anh em lái xe, từ những người quen biết vợ chồng anh đến những người chưa từng quen biết đã chung tay giúp đỡ, động viên gia đình trong những lúc khó khăn nhất.
“Cứ mỗi lần vào thăm, vợ tôi lại kể sự giúp đỡ của cộng đồng anh em lái xe, bà con chòm xóm, bạn bè và cả cộng đồng mạng. Các anh em tài xế thấy vợ tôi vất vả đi gửi đơn kêu cứu cho chồng, đi thăm chồng, lại phân công nhau chở đi giúp. Rồi các luật sư, nhà báo đều hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi hết mình. Những ân tình ấy, vợ chồng tôi chẳng thể nào quên...”, anh Hoàng tâm sự.
Theo lời anh Hoàng, có được quán cơm khang trang ven QL5 này, cũng là sự giúp đỡ của một người bạn cũ, anh Trì - chủ doanh nghiệp vận tải An Việt.
Thấy Hoàng lặn lội tìm việc khắp nơi, nợ nần thì chồng chất, anh Trì đã rủ Hoàng cùng mở quán cơm, một bên hỗ trợ tài chính xây dựng quán, Hoàng đóng vai trò quản lý quán kiêm người đi chợ, phụ bếp, bưng bê đồ, hướng dẫn xe ra vào...
Còn vợ anh Hoàng hiện cùng 2 con vẫn ở lại Thái Bình. Mượn được mảnh đất trống ven QL39 ở thị trấn Tiên Hưng, huyện Đông Hưng, chị Vũ Thị Thúy mở quán bán hàng ăn vặt, ngô, khoai nướng và trái cây. Ba mẹ con đặt 1 thùng container cũ làm nơi sinh hoạt để tiện cho việc kinh doanh.
Nơi hội ngộ của giới tài xế
Quán cơm bình dân của anh Hoàng tên là Nhà hàng An Việt tại số 29 đường An Định, phường Quang Trung, TP Hải Dương
Anh Trí chia sẻ: “Tôi và Hoàng chơi với nhau từ trước khi xảy ra vụ việc. Từ lúc Hoàng ở trại giam hay vợ Hoàng gửi đơn, thăm gặp thì tôi đều đi. Giờ khi Hoàng về, anh em bảo ban nhau cùng làm ăn để có thể trang trải cuộc sống. Ở đây, ai cũng quý mến Hoàng vì dễ gần, tình cảm và luôn giúp đỡ mọi người”.
Anh Hoàng cho biết thêm, quán cơm bình dân có chỗ tắm rửa nước nóng, chỗ ngủ miễn phí cho anh em tài xế. Thực đơn hàng ngày của quán có cá và gà, đều lấy hàng ngày nên tươi ngon.
Khi khách cần gọi thêm món, quán mới chế biến. Kế bên quán ăn có một khu vực nhỏ để thuận tiện cho các tài xế kiểm tra lốp. Anh cũng sẵn lòng hỗ trợ kiểm tra lốp, thay lốp cho các tài xế. Với những xe cần cứu hộ tại khu vực này, anh đều thu xếp đi ngay.
“Bao nhiêu năm lái xe nên mình biết, anh em lái xe hiểu nhau, cả ngày chạy trên đường nên bữa cơm là rất quan trọng. Đồ ăn không tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm thì tài xế sẽ không thể khỏe mạnh để chạy xe đường dài, do đó, tôi cố gắng lựa đồ chất lượng tốt, giá cả hợp lý”, anh Hoàng nói.
Chạy xe container tuyến Hà Nội - Hải Phòng, anh Tùng (người Hải Phòng) thường xuyên ghé quán cơm của anh Hoàng chia sẻ: “Tôi cũng như những anh em tài xế khác, đều hiểu cho hoàn cảnh của anh Hoàng và luôn luôn ủng hộ anh.
Khi biết được anh mở quán cơm, mỗi khi đi trên QL5, tôi phải dừng đúng quán của anh Hoàng. Đồ ăn ở đây vừa sạch sẽ, ngon và giá ổn. Ở đây có chỗ nghỉ ngơi, kiểm tra lại xe, rồi gặp gỡ các tài xế khác. Nhiều khi cuộc gặp chỉ chớp nhoáng vậy mà rất vui”.
Day dứt còn đó
Tài xế Hoàng ngày nào giờ thành chủ quán kiêm đi chợ, bưng bê đồ... cho khách
Dù bước đầu có những hướng mưu sinh mới, nhưng vợ chồng anh Hoàng đều còn những day dứt trong lòng. Đó là món nợ khổng lồ sau vụ TNGT chưa thể trả, là việc thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân trong vụ tai nạn chưa thực hiện được.
Hai vợ chồng anh đều sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, mới 12 tuổi, anh Hoàng đã phải làm phụ hồ kiếm sống. Khi lập gia đình với hai bàn tay trắng, vợ chồng anh vay mượn mua căn nhà trị giá hơn 200 triệu đồng.
Năm 2014, khi sinh con thứ hai xong, quyết chí thoát nghèo, hai vợ chồng bàn tính rồi vay mượn thêm tiền và vay ngân hàng mua trả góp chiếc xe container trị giá hơn 1,7 tỷ đồng làm kế sinh nhai. Anh Hoàng tính toán, với kinh nghiệm chục năm làm tài xế container, chỉ 5 năm sau, sẽ hoàn trả được lãi vay mua xe. Nhưng mới trả được hơn 400 triệu đồng thì tai nạn xảy ra.
Hôm đó là sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn (ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển xe Toyota Innova BKS 99A - 142.53 chở theo 10 khách đi từ Bắc Ninh lên TP Thái Nguyên ăn cưới.
Chiều cùng ngày, Sơn lùi xe trên cao tốc theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra nút giao Yên Định (do nhầm đường) thì xe container do Hoàng điều khiển chạy tới, va phải. Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong tại chỗ, 1 người tử vong sau đó và 5 người bị thương. Tất cả nạn nhân đều ở trên xe Innova.
“Chiếc xe bị tạm giữ ngay sau vụ tai nạn. Ngày 17/2/2018, chồng tôi bị bắt. Hiện hai vợ chồng còn nợ trên 2 tỷ đồng, trong đó tiền mua xe trả góp nợ cả lãi lẫn gốc hơn 1 tỷ đồng; ở nhà vay gần 700 triệu đồng và số tiền tòa tuyên yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tai nạn là 570 triệu đồng”, chị Thúy cho hay.
“Công nợ trả dần, dù sao thì tôi cũng đã ra tù, cả 2 vợ chồng đều có công việc mưu sinh, được bạn bè và cộng đồng ủng hộ. Chúng tôi tin rằng cứ chăm chỉ, nỗ lực, thì dần dần cũng trả hết số tiền đã nợ”, anh Hoàng nói.
Khi được hỏi về việc suốt từ khi vụ TNGT xảy ra đến những ngày thụ án, anh luôn kêu oan, giờ anh có còn ý định kêu oan không, anh Hoàng trầm ngâm cho biết: “Tôi vẫn day dứt khi bản án chỉ rút được từ 6 năm xuống còn 4,5 năm, chứ tôi vẫn bị xác định là người có tội. Nhưng hiện tại tôi vẫn đang phải lo công việc để trang trải cuộc sống, trả nợ. Khi nào dần ổn định, tôi sẽ chia sẻ về vụ việc của tôi để đòi công lý cho chính tôi”.
Sau khi vụ TNGT xảy ra, ngày 17/2/2018, tài xế Lê Ngọc Hoàng bị bắt giữ. Ngày 10/5/2018, tại phiên sơ thẩm, TAND thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt tài xế Sơn 10 năm tù, tài xế Hoàng 8 năm tù.
Ngày 2/11/2018, tại phiên phúc thẩm, tòa giảm án cho bị cáo Sơn xuống còn 9 năm tù; bị cáo Hoàng còn 6 năm tù.
Suốt từ khi chồng bị bắt tạm giam, chị Thúy đã gõ cửa khắp các cơ quan chức năng, làm đơn kêu cứu cho chồng. Cùng với sự đồng lòng lên tiếng của cộng đồng mạng, hội lái xe trên cả nước, ngày 30/11, Ủy ban thẩm phán của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã họp và thống nhất chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, tuyên hủy 2 bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm của 2 cấp tòa Thái Nguyên đã tuyên để trả hồ sơ, điều tra lại.
Sau đó, cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm (tháng 2 và tháng 6/2020), TAND thị xã Phổ Yên đều y án mức 4 năm 6 tháng tù đối với tài xế Hoàng. Ngày 17/8/2021, anh Hoàng chấp hành xong bản án tù và trở về địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận