TS. BS Trương Hồng Sơn trình bày báo cáo tại Hội thảo |
Trong báo cáo “Tăng trưởng ở trẻ em từ 2-6 tuổi và một số yếu tố ảnh hưởng”, Ts.Bs Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của giai đoạn phát triển này ở trẻ em hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, bên cạnh vấn đề suy dinh dưỡng đang còn tồn tại, vấn đề thừa cân cũng đã tăng nhanh, tạo ra gánh nặng kép về dinh dưỡng.
Theo phân tích, ở giai đoạn 2-6 tuổi, trẻ sẽ tăng khoảng 8,5kg và 28,5cm nếu được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ. Đây cũng là giai đoạn hình thành các thói quen tốt về lựa chọn thực phẩm, tập luyện thể dục, vận động - những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hành vi của mỗi cá thể khi trưởng thành.
PGs.Ts Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã đưa ra Khẩu phần ăn thực tế của trẻ em Việt Nam từ 2 – 5 tuổi. Theo đó, khẩu phần ăn của trẻ trong độ tuổi 2 – 5 chưa đảm bảo đa dạng.
Tỷ lệ năng lượng do protein cung cấp chiếm 16% nhưng protein động vật còn thấp, năng lượng do lipid < 25% ở một số vùng. Khẩu phần canxi còn thấp, tỷ số Canxi/Photpho mất cân đối và chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng (vitamin A, Fe, Zn,…). Ngoài ra, khẩu phần của trẻ có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, khu vực và mức kinh tế.
PGs.Ts Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị về Dinh dưỡng và chăm sóc cho trẻ em từ 2 – 6 tuổi. PGs. Ts Nguyễn Xuân Ninh cho biết, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ giúp trẻ khỏe mạnh, linh hoạt, tạo tiền đề để phát triển trong những giai đoạn sau. Tuy nhiên, độ tuổi 2 – 6 tuổi cũng là độ tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở tất cả các thể (nhẹ cân, thấp còi, gầy còm).
Do đây là giai đoạn chuyển tiếp về chế độ ăn nên trẻ cũng dễ bị thiếu các vi chất dinh dưỡng. Trẻ trong độ tuổi này đặc biệt dễ mắc nhiều bệnh như còi xương, thiếu máu, nhiễm giun sán, tiêu chảy,… nên cần chú ý và chăm sóc đặc biệt.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Đức Minh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH dinh dưỡng Nutricare cho biết: “Một trong 3 giá trị cốt lõi của Nutricare là đặt nền tảng đạo đức cho mọi mục tiêu. Hàng năm Nutricare có học bổng cho sinh viên nghèo, tài trợ nghiên cứu và các hoạt động tài trợ Hội thảo khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng. “Dinh dưỡng cho trẻ em 2 – 6 tuổi” là Hội thảo khoa học đầu tiên, Hội thảo tiếp theo sẽ vào ngày 5 tháng 12. Nutricare hy vọng nhận được sự hưởng ứng, tham gia của cộng đồng khoa học để góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua kiến thức và thực hành chăm sóc dinh dưỡng”.
Các nhà khoa học trong hội thảo đã thảo luận và thống nhất các quan điểm chính theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về sức khoẻ cho trẻ em 2-6 tuổi, bao gồm:
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ 2-6 tuổi tại Việt Nam hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, khiến trẻ em Việt Nam phải chịu gánh nặng kép về dinh dưỡng là suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì. Đây cũng là giai đoạn hình thành các thói quen dinh dưỡng, vận động, có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sau này, do vậy, trẻ cần được chăm sóc đầy đủ và đúng cách.
Khẩu phần ăn thực tế của trẻ em 2-6 tuổi hiện nay tại Việt Nam tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đảm bảo đa dạng, cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về năng lượng và một số chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, sắt, kẽm…
Trẻ em lứa tuổi mầm non thường bị thiếu vi chất và thừa cân béo phì do chế độ ăn chưa cân đối, đa dạng, còn thiếu vi chất dinh dưỡng. Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011-2020, Chương trình Sữa học đường và Dự án Bữa ăn học đường là những giải pháp đã được tiến hành để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tầm vóc ở trẻ. Dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể chất là nền tảng của sức khỏe, và cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Báo cáo cũng đã đề cập đến một số mô hình can thiệp chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ lứa tuổi mầm non ở các nước phát triển như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Úc…
Trẻ 2-6 tuổi là độ tuổi tiền đề để trẻ phát triển trong giai đoạn sau, nhưng cũng là giai đoạn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Do vậy, trẻ 2-6 tuổi cần được cung cấp đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm từ 5 nhóm thực phẩm chính, đảm bảo đủ nhu cầu khuyến nghị một ngày, đảm bảo số lượng và chất lượng bữa ăn. Khuyến khích trẻ tích cực vận động và hình thành thói quen ăn uống tốt ngay từ khi còn nhỏ. Với trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi, cần cho trẻ sử dụng sữa có đậm độ năng lượng cao theo công thức F75 và F100 của Tổ chức Y tế thế giới.
Hội thảo khuyến nghị:
Cần các can thiệp ưu tiên giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và có giải pháp đặc thù cho từng vùng.
Đảm bảo chế độ ăn của trẻ 2-6 tuổi phong phú, đa dạng, cân đối, giàu dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu khuyến nghị một ngày của trẻ. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, khuyến khích trẻ tập luyện thể thao và hình thành những thói quen ăn uống tốt ngay trong giai đoạn này
Đối với trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi, cần cho trẻ sử dụng sữa có đậm độ năng lượng cao theo công thức F75 và F100 của Tổ chức Y tế thế giới (cung cấp từ 75-100kcalo/100ml). Đồng thời, các chương trình, dự án can thiệp dinh dưỡng có thể có thể sử dụng một số sản phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, canxi và các vi chất dinh dưỡng khác nhằm góp phần cản thiện tốc độ tăng trưởng và tầm vóc của trẻ em Việt Nam.
Ngoài chăm sóc dinh dưỡng, cũng cần quan tâm đến vấn đề rèn luyện thể chất, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ ngay từ nhỏ. Đây là một giải pháp toàn diện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận