Gạo giả Trung Quốc gây chết người rúng động Indonesia |
Các báo chính thống xuất bản ở Indonesia đều đưa tin ngày 20/5, cảnh sát nước này khi lục soát một cửa hàng gạo ở quận Bantargebang phía Đông Thủ đô Jakarta đã phát hiện một số lượng rất lớn gạo giả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trước đó, tin đồn về gạo giả bán trên thị trường đã gây xôn xao dư luận một số nước Đông Nam Á.
Báo Tiền Phong cũng đưa tin, nỗi sợ hãi gạo giả Trung Quốc trộn với gạo thật đã lan khắp Indonesia đến nỗi Tổng thống Joko Widodo phải lên tiếng kêu gọi mọi người bình tĩnh. Cảnh sát cũng nhận lệnh phải điều tra theo hướng đây có thể là âm mưu phá hoại, báo Indonesia The Jakarta Post hôm qua đưa tin.
Nỗi sợ hãi được cho là cũng bắt nguồn từ những báo cáo nói rằng, gạo giả được phát hiện trong cháo của một người bán tên là Dewi Septiani ở khu chợ tại thành phố Bekasi, tỉnh Tây Java.
Người bán hàng ở Bekasi nói với các phóng viên địa phương rằng, loại gạo mà chị dùng để nấu cháo bán “rõ ràng khác thường và mùi vị cũng khác. Nó không giống gạo tự nhiên”. Chị này và nhiều khách hàng bị đau bụng và chóng mặt sau khi ăn. Trong một vụ việc khác ở thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra, một cô bé bị ốm sau khi được cho là ăn cơm nấu từ gạo giả có thành phần nhựa.
Kiểm tra trong phòng thí nghiệm (do Cty PT thuộc sở hữu nhà nước thực hiện) xác nhận mẫu gạo ở Bekasi chứa nhựa PVC - loại thường được dùng để sản xuất ống nước, và hóa chất làm mềm nhựa thường dùng cho các công cụ thủy lực và tụ điện.
Khi bị các nhà báo chất vấn về sự xuất hiện của loại sản phẩm độc hại này trên thị trường, ông Rachmat Gobel, Bộ trưởng Thương mại khẳng định: “Chúng ta không nhập khẩu gạo, vì vậy chúng tôi cần có thời gian để điều tra và có biện pháp xử lý”. Ông cho biết, đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tiến hành điều tra và giám sát vụ việc.
Cảnh sát Indonesia khi lục soát một cửa hàng gạo ở quận Bantargebang phía Đông Thủ đô Jakarta đã phát hiện một số lượng rất lớn gạo giả có nguồn gốc từ Trung Quốc |
Ông Widodo, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khẳng định Bộ Thương mại không hề cấp giấy phép nhập khẩu gạo vì theo quy định, giấy phép chỉ được cấp khi có yêu cầu của Bộ Nông nghiệp. Ông cho biết, những kẻ nhập khẩu phi pháp loại gạo này vào Indonesia đã phạm tội, chúng sẽ bị đưa ra xét xử vì vi phạm Pháp lệnh lương thực.
Theo cảnh sát, những thương gia bất lương đã trộn loại “gạo tổng hợp Trung Quốc” này vào gạo sản xuất trong nước rồi bán. Cơ quan điều tra ngày 21/5 đã công bố kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy, thành phần loại “gạo tổng hợp Trung Quốc” này gồm có bột khoai tây và nhựa PVC - thứ nhựa độc hại dùng để sản xuất ống nhựa và vỏ dây điện, ngoài ra còn có một số hóa chất độc hại khác.
Các chuyên gia về ẩm thực cho rằng, mỗi bữa ăn 3 bát cơm nấu từ loại gạo tổng hợp này tương đương với việc nuốt một túi nhựa vào dạ dày. Tuy chúng vẫn gây cảm giác no bụng nhưng nguy cơ đau dạ dày và mắc bệnh ung thư là rất cao.
“An ninh đã bị buông lỏng đôi chút”, Bộ trưởng Thương mại Rachmat Gobel nói về những cáo buộc gạo nhiễm độc đến từ Trung Quốc và nhấn mạnh rằng, Indonesia vẫn chưa cấp giấy phép nhập khẩu gạo Trung Quốc trong năm nay. Một dấu hiệu cho thấy tính cấp bách phải giải quyết vụ việc và trấn an nỗi lo sợ của người dân là ông Gobel hôm 25/5 tổ chức họp kín với cảnh sát. Ông cho biết, chính phủ sẽ cố gắng tổ chức lại việc nhập khẩu gạo vào thị trường Indonesia nhằm dễ dàng tìm ra nguồn gạo “bẩn”. Quốc hội Indonesia hôm 25/5 cũng thảo luận việc thành lập một nhóm đặc biệt để giám sát vấn đề này.
Bộ trưởng Nội vụ Tjahjo Kumolo còn đi xa hơn khi nói rằng, đây có thể là âm mưu phá hoại. “Kẻ phân phối gạo nhựa còn có động cơ chính trị. Họ có thể đang âm mưu phản quốc hoặc phá hoại chính phủ”, nhật báo Kompas dẫn lời ông Kumolo. Bộ Nội vụ đã gửi văn bản đến các thống đốc, thị trưởng và quan chức phụ trách lĩnh vực liên quan để nhắc nhở thận trọng và giám sát tình hình trên phạm vi cả nước.
Cảnh sát trưởng Badrodin Haiti nói rằng, bất kỳ ai bị phát hiện phân phối gạo nhiễm nhựa sẽ bị buộc tội. Trước đó, Bộ trưởng Gobel nói rằng, ông đã bày tỏ quan ngại với Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen trong cuộc gặp hôm Chủ nhật vừa qua tại cuộc gặp bên lề hội nghị APEC. Ông Wang hứa rằng, Trung Quốc sẽ giúp Indonesia giải quyết vụ việc, đồng thời cho biết chỉ có một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có giấy phép xuất khẩu gạo sang Indonesia, nêu việc kiểm tra có thể sẽ không phức tạp.
Hiện các cơ quan hữu quan của Indonesia đã lập chuyên án và tiến hành điều tra thủ phạm cùng đường dây vận chuyển lậu loại gạo độc hại này từ Trung Quốc vào đất nước họ.
Theo một nguồn tin giấu tên trong ngành lúa gạo Malaysia, những loại gạo như vậy chắc chắn không thể bày bán công khai ở các siêu thị lớn.
"Nếu loại gạo này có ở Malaysia, rất có thể nó được bán ở các cửa hàng nhỏ," nguồn tin cho biết. Ông này cũng lưu ý, để tránh bị phát hiện, gạo rởm rất có thể được trộn lẫn với gạo thường, và buôn lậu qua đường biên giới.
Gạo là loại ngũ cốc được sử dụng phổ biến ở Indonesia, với mức tiêu thụ trung bình 140kg/người mỗi năm, và nước này cũng là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Thông tin gạo nhiễm độc nhanh chóng gây ra nỗi sợ hãi khắp xứ vạn đảo. Dù Tổng thống Joko đề ra mục tiêu tự cung tự cấp gạo, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này vẫn không thể sản xuất đủ gạo cho 250 triệu dân, nên vẫn phải nhập khẩu.
Dù thông tin gạo giả Trung Quốc làm từ nhựa gây chết người tại Việt Nam mới dừng lại ở chuyện tin đồn vì cơ quan chức năng cũng như người dân chưa phát hiện được loại gạo nào như vậy. Nhưng hiện tại, theo phương châm “phòng còn hơn chống”, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng cường việc giám sát, kiểm tra các lô hàng gạo nhập khẩu vào Việt Nam.
Đồng thời, Cục đề nghị trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng gạo, nếu phát hiện những nghi ngờ, bất thường, người kinh doanh, người tiêu dùng cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, ủy ban nhân dân xã/phường, y tế xã phường.
Ngày 22/5, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản - Nafiqad (Bộ NN&PTNT) có công văn gửi các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm gạo trên thị trường.
Nafiqad cho biết, từ năm 2010 trở lại đây, liên tục xuất hiện thông tin về gạo giả trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, mỗi lần có thông tin, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đều nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh và kết luận không tìm thấy gạo giả như phản ánh.
Theo Nafiqad, trong loạt thông tin mới đây về gạo giả đều chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trả lời công luận, Nafiqad đề nghị cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm với sản phẩm gạo. Khi phát hiện phát hiện trường hợp vi phạm quy định, đề nghị có báo cáo ngay về Nafiqad để phối hợp xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận