Ông Phạm Hồng Thưởng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Xá, người cùng các cán bộ xã đưa “khoán chui” thành một phong trào |
Ký ức những ngày đói
Theo chỉ dẫn của các cán bộ huyện Kiến Thụy, chúng tôi tìm về xã Đoàn Xá gặp ông Phạm Hồng Thưởng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Xá, người cùng các cán bộ xã đưa “khoán chui” thành một phong trào. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng khi nhắc tới “khoán”, ký ức như ùa về với câu chuyện một thời khó khăn nhưng hào hùng vẫn còn nóng bỏng trong vị chủ nhiệm hợp tác xã ngày đó.
Sinh năm 1947 tại vùng quê thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” của huyện, lớn lên khi đất nước đang chiến tranh, ông Thưởng cũng như bao thanh niên trai tráng thời đó đăng ký lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Trước khi chào tạm biệt, ông Thưởng tâm sự với chúng tôi những băn khoăn của mình khi chứng kiến thực trạng người nông dân không còn thiết tha với nông nghiệp, với đồng ruộng như trước: “Ông cha ta đã dạy “phi nông bất ổn”, trước thực trạng người nông dân bỏ ruộng như hiện nay. Rất mong Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách ưu tiên, phù hợp giúp đỡ để người dân gắn bó với ruộng đồng, quê hương và làm giàu từ chính mảnh đất mà mình làm chủ”. |
Năm 1975, chiến tranh kết thúc, ông Thưởng xuất ngũ về địa phương. Năm 1976, ông được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Cũng đúng năm ấy, vụ chiêm xuân 1977 Hợp tác xã Đoàn Xá mất mùa nghiêm trọng, toàn xã có 480ha ruộng canh tác thì bỏ hoang tới một nửa. Với cách làm của thời bao cấp lúc đó là sáng gõ kẻng đi làm, chờ tới giờ kẻng lại lững thững đi về thì việc mất mùa, mỗi người chỉ được nhận 3kg thóc/tháng là điều dễ hiểu. Nhiều người bỏ quê hương đi nơi khác kiếm việc làm và có tới 60 hộ gia đình ở xã có người đi ăn xin. Ý tưởng khoán ruộng đã nhen nhóm trong những người cán bộ nơi đây.
Với bản lĩnh được rèn luyện trong quân ngũ của anh Bộ đội Cụ Hồ, ông Thưởng trăn trở “sống với dân không thể để dân đói”. Ngày 10/6/1977, khi đang là Phó bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã, ông Thưởng cùng 4 cán bộ, đảng viên chủ chốt trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã họp bàn khắc phục. “Nếu để tình trạng cấy chung hợp tác xã như vậy, vụ tới sẽ tiếp tục mất mùa, phải tìm ra cách giải quyết. Trên cơ sở đề nghị của dân, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã quyết định giao ruộng và khoán sản lượng cho nông dân”, ông Thưởng nói về chủ trương mang tính quyết định này.
Đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân lúc đó nên việc khoán rất được lòng dân, ai nấy đều phấn khởi, hăng hái làm việc. Do lúc đó, Đảng và Nhà nước cấm việc khoán ruộng, chỉ cho khoán việc, khoán công điểm và sợ cấp trên biết nên việc khoán của Hợp tác xã Đoàn Xá là “bí mật”, lấy danh nghĩa là “khoán tăng sản”. Hồi đó, hợp tác xã khoán mỗi sào 70kg thóc, gia đình nào vượt bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.
Như được mở lòng, tất cả mọi người hăng say lao động, sản xuất. Có hộ còn đốt đèn nhổ mạ ban đêm để cấy cho kịp thời vụ, một việc mà trước đây chưa từng xuất hiện. Do đó, vụ mùa năm 1977, người dân cấy kịp thời vụ và kín diện tích được giao. Đoàn Xá từ một xã nghèo, khó khăn đã vươn lên là một trong những xã đi đầu trong lao động, sản xuất của huyện.
Đánh đổi rủi ro chính trị
Việc “khoán chui” tuy được lòng dân nhưng cán bộ, đảng viên trong xã lo ngay ngáy vì nếu “lộ” chắc chắn sẽ bị đưa ra xử lý, kỷ luật.
“Tháng 8/1978, tôi được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã và đến 1979 thì được bầu huyện ủy viên khi lúc đó còn rất trẻ, mới 31 tuổi. Trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ xã, tôi phải lựa chọn đánh cuộc giữa sinh mệnh chính trị của mình với đời sống người nông dân trong việc “giữ khoán”, ông Thưởng tâm sự.
Giữ “bí mật” được hơn 3 năm (1977-1980), nhưng sau đó Huyện ủy cũng phát hiện, xuống kiểm tra và đề nghị Đoàn Xá phải sửa ngay việc “khoán chui”. “Khi thấy Đoàn Xá luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của huyện do những đổi thay từ lợi ích của việc “khoán chui” mang lại nên sau đó một số xã bên cạnh cũng đã làm theo. Tuy là lá cờ đầu của huyện về các mặt nhưng Đoàn Xá luôn phải chịu tiếng là “khoán sai” chính sách. Trong những năm đó, phong trào Đảng bộ xã Đoàn Xá rất mạnh, tất cả các chỉ tiêu đều đứng đầu nên được trên xét phát thẻ đảng viên đợt đầu (3/2/1980). Nhưng vì khoán cho dân sai chính sách nên Huyện ủy đã đình chỉ không phát thẻ đảng cho Đoàn Xá và chuẩn bị kiểm điểm, kỷ luật đình chỉ sinh hoạt đảng Bí thư cùng Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Lúc đó, tôi đã nói: Thà không có thẻ Đảng thì thôi, nhưng miễn dân tôi no là được”, ông Thưởng kể với giọng cương quyết.
Sau đó, có người báo cáo lên trên là một đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã nói như thế. Và tí nữa thì ông Thưởng bị kỷ luật, nhưng sau Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành (sau này là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) tại một hội nghị gồm các cán bộ, đảng viên đứng đầu các xã trong toàn thành phố đã dẫn lại câu nói của ông Thưởng và cho rằng: So lại mục đích, nguyên tắc của đảng là làm cho dân được ấm no, nếu dân không no thì cần thẻ đảng để làm gì?
Từ khoán chui tới khoán 10
Khi việc “khoán chui” bị phát hiện, có rất nhiều các đoàn về kiểm tra, thanh tra. Sự việc đang trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” sau khi các đoàn đi kiểm tra về báo cáo và quyết định sẽ xử lý kỷ luật việc “khoán chui” của xã, thì Đoàn Xá được sáp nhập vào huyện Đồ Sơn. Lúc đó, ông Nguyễn Đình Nhiên - một người có tư tưởng cởi mở được điều động về giữ chức Bí thư Huyện ủy.
Khi nghe đến “vụ việc” ở Đoàn Xá, ông Nhiên đã bỏ các cuộc họp về tận nơi nghe dân nói, nhìn dân làm. Ấn tượng về chuyến xuống thăm cơ sở, sau khi về Bí thư Nhiên đã báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy và lên gặp ông Đoàn Duy Thành để xin Thành ủy Hải Phòng cho phép Đồ Sơn được làm điểm như ở Đoàn Xá.
Sau khi báo cáo Thành ủy, ông Nhiên đã dẫn lãnh đạo thành phố về Đoàn Xá và tất cả các lãnh đạo trong đoàn đều nhất trí ủng hộ việc “khoán chui” của địa phương. Chỉ một năm sau, Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 “khoán 100% diện tích trong toàn thành phố - điều mà nông dân các xã trong huyện háo hức, chờ đợi đã lâu. Lúc này phong trào khoán ở Hải Phòng như một cao trào cách mạng trong nông nghiệp, đi đâu cũng thấy bàn về khoán, mọi người đều hăng hái lao động, sản xuất.
Sau Nghị quyết 24 của Thành ủy Hải Phòng, các đoàn của cơ quan Trung ương về Hải Phòng, cụ thể là xuống Đoàn Xá để kiểm tra, xem xét tình hình “khoán” ra sao.
GS Lê Nhật Quang lúc đó là Phó Ban Kinh tế Trung ương được Ban Bí thư cử về kiểm tra. GS Quang đã dành thời gian một tháng ở Đoàn Xá để nghiên cứu. Trước khi về, vị Phó Ban Kinh tế Trung ương họp Ban Thường vụ Đảng ủy xã và nói: “Bây giờ nói đúng hay sai tôi chưa dám nói. Nhưng các cậu to gan thật, chính sách của Đảng, Nhà nước như thế mà làm trái, đi ngược lại được. Tôi sẽ ủng hộ và về báo cáo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Nếu Trưởng Ban chấp nhận được thì các cậu thắng. Nếu báo cáo không thuyết phục được cấp trên thì các cậu chỉ có nước đi tù”.
Chuyến kiểm tra sau, ông Nguyễn Quang Huy - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã về nghe báo cáo, thăm ruộng khoán và đánh giá việc khoán của địa phương cũng có nhiều cái được, cái có lợi. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu cũng về Đoàn Xá dự Đại hội xã viên và nêu quan điểm ủng hộ việc khoán.Trong 2 năm 1980 và 1981, có rất nhiều đoàn từ các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt có đoàn đến từ Lào, Campuchia, Liên Xô về địa phương để xem xét, nghiên cứu.
Ngày 13/1/1981, sau chuyến nghiên cứu của đồng chí Võ Chí Công lúc đó là Thường trực Ban Bí thư Trung ương, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100, công nhận khoán sản phẩm và áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp cả nước. Chế độ khoán này thường được gọi tắt là “khoán sản phẩm” hay “khoán 100”.
Sau Chỉ thị 100 (khoán 100), ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp. Khoán 10 ra đời, từ đây thừa nhận “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ”, thực hiện giao ruộng khoán cho hộ lâu dài. Khoán 10 ra đời “cởi trói” cho người nông dân, mở ra thời kỳ đổi mới của đất nước.
Giữ vững địa phương đi đầu
Xã Đoàn Xá tới nay trở về địa giới hành chính thuộc huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) vẫn giữ vững các thành tích của cái nôi khởi đầu cho phong trào khoán của cả nước.Từ những thay đổi, lợi ích mà “khoán chui” mang lại, tất cả các mặt của xã đều được nâng lên. Đảng bộ xã liên tục được nhận danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Vinh dự lớn nhất là năm 1982, xã Đoàn Xá được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Đây là phần thưởng cao quý, xứng đáng cho một địa phương dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm đi ngược lại chính sách, chủ trương.
“Đến nay, sau gần 40 năm từ “khoán chui”, tuy là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kiến Thụy nhưng Đoàn Xá tự hào là xã đầu tiên của Hải Phòng được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Phạm Hồng Cương, Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết.
Năm 2013, để biểu dương nhưng thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2013, Đoàn Xá đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Khen và tặng công trình Nhà truyền thống cho xã trị giá 1 tỷ đồng. Năm 2015, tại Đại hội Thi đua yêu nước xã Đoàn Xá cũng vinh dự được tuyên dương là 1 trong 27 xã tiêu biểu của toàn quốc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Giờ đây, với truyền thống đáng tự hào của địa phương, với những thành tích đã đạt được trong quá khứ và hiện tại. Tất cả, người dân Đoàn Xá đang quyết tâm xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp và luôn là xã tiêu biểu, đi đầu các phong trào của thành phố cũng như cả nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận