Chất lượng sống

Gặp lại người chỉ huy bắn rơi B52 ở làng hoa Ngọc Hà

16/12/2017, 06:00

Ký ức về phút giây hào hùng chưa khi nào phai mờ trong tâm trí của vị Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt.

10

Ông Phạm Văn Chắt bồi hồi chia sẻ về những kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp

23h03 đêm 27/12/1972, radar phát hiện có một tốp B52 đang tiến về hướng Hà Nội. Sau khi nghe các trắc thủ báo cáo, vị Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho sĩ quan điều khiển: “Bắn!”. Rồi một chùm lửa như ngọn đuốc khổng lồ sáng rực một góc trời Hà Nội. Trận địa như sôi lên: “Nó cháy rồi!”. Đó chính là phần thân chiếc máy bay B52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà, đuôi cánh rơi trên đường Hoàng Hoa Thám. Bốn tên giặc lái bị quân dân Thủ đô bắt sống.

Ký ức hào hùng

Đã 54 năm trôi qua, nhưng ký ức về phút giây hào hùng đó chưa khi nào phai mờ trong tâm trí của vị Tiểu đoàn trưởng ngày đó - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Chắt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không Không quân, người đã trực tiếp chỉ huy bắn cháy pháo đài bay B52 rơi xuống hồ Ngọc Hà (hồ Hữu Tiệp).

Giữa tháng 12/2017, PV Báo Giao thông tìm đến ngôi nhà trên phố Nguyễn Thượng Mẫn, phường Bình Hàn, TP Hải Dương, nơi gia đình ông Phạm Văn Chắt đang sinh sống. Năm nay đã 80 tuổi nhưng ông vẫn rất mạnh khỏe. Ông Chắt cho hay, dịp này, ông bận rộn hơn ngày thường bởi liên tục đi đến các trường học, cơ quan, đơn vị và các địa phương trong và ngoài tỉnh nói chuyện, ôn lại kỉ niệm thời kỳ hào hùng của 12 ngày đêm oanh liệt năm xưa.

Ông Chắt sinh ra và lớn lên tại phường Bình Hàn. Năm 1959, ông nhập ngũ và chiến đấu ở đơn vị sơn pháo 75 ly, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 280, Sư đoàn 335, Quân khu Tây Bắc. Năm 1960, đơn vị ông được lệnh hành quân sang Lào tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hạ Lào bảo vệ cánh đồng Chum. Do có thành tích bắn rơi máy bay của Mỹ trong chiến dịch Hạ Lào, ông được khen thưởng, được kết nạp Đảng rồi cấp trên cho về nước đi học Trường Sỹ quan kỹ thuật. Ra trường, ông được phong quân hàm Thiếu úy và được điều về Tiểu đoàn Tên lửa 72, Trung đoàn 285.

Tiểu đoàn Tên lửa 72 đóng tại Hải Phòng nhưng thường xuyên di chuyển cơ động đến nhiều địa phương để chiến đấu bảo vệ vùng trời miền Bắc. Xúc động nhớ lại những kỉ niệm trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” mà đơn vị ông đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc, ông Chắt kể: “Hồi tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm, lúc đó tôi là Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 72. Ngày 23/12/1972, tôi nhận lệnh “hành quân thần tốc” lên Hà Nội để tăng cường quân, bảo vệ Thủ đô. Cả tiểu đoàn hành quân hối hả trong đêm. Ngay trong đêm đó, chúng tôi có mặt tại trận địa Đại Chu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Chuẩn bị trận xong, tôi báo cáo lên cấp trên và xin lệnh được chiến đấu từ ngày 26/12”.

Trận đánh để đời

Trong ngày hôm đó, địch huy động khoảng 60 máy bay phản lực các loại đánh dọn đường cho B52 vào rải thảm Hà Nội. Trong đêm 26/12, đơn vị của ông Chắt cùng các đơn vị khác đã bắn rơi 4 máy bay B52. Hôm sau, ông báo cáo cấp trên xin đánh đường bay độc lập. Được cấp trên đồng ý, ông về quán triệt, triển khai trong toàn đơn vị.

Ngày 18/12/1972, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc Việt Nam với tên gọi “Chiến dịch Linebacker II”. Tại chiến dịch này, Hoa Kỳ đã huy động loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất của họ là pháo đài bay B52 làm nòng cốt để ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

Đêm 27/12 là đêm thứ 10 Mỹ dùng máy bay đánh phá Hà Nội. Đêm đó, chúng huy động 54 pháo đài bay B52 và 66 phản lực để tiếp tục hủy diệt Hà Nội. Lúc này, toàn bộ kíp chiến đấu ai nấy đều tập trung cao độ. Đến 23h03, radar phát hiện có một tốp B52 đang tiến về hướng Hà Nội. Sau khi nghe các trắc thủ báo cáo, ông Chắt ra lệnh cho sĩ quan điều khiển: “Bắn”. Ở cự ly ngoài 20km, hai đạn tên lửa gặp B52 nổ tung, bùng lên đám cháy rất lớn, sáng rực một góc trời Hà Nội. Phần thân chiếc máy bay rơi xuống làng hoa Ngọc Hà, đuôi cánh rơi trên đường Hoàng Hoa Thám, còn 2 động cơ máy bay rơi vào nhà dân ở tổ 51 Ngọc Hà, quận Ba Đình. Quân dân Thủ đô đã bắt sống 4 tên giặc lái, 2 tên đã chết.

Sáng 28/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt để thị sát và khen toàn tiểu đoàn: “Đây là một trận đánh xuất sắc, lần đầu tiên máy bay B52 bị ta bắn rơi ngay giữa lòng Hà Nội, bắt giặc lái trên hè phố, xuất sắc hơn nữa là chúng chưa kịp cắt bom gây tội ác”. Ông Chắt cho hay, cả tiểu đoàn cũng rất tự hào khi là đơn vị đánh trận cuối cùng của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” vào đêm 29/12. Sau chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, ông Chắt còn trải qua nhiều đơn vị chiến đấu, đến năm 1987 thì nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, bản thân ông Chắt 3 lần bị thương.

Với những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc đạt được trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2014, Tiểu đoàn Tên lửa 72 do ông Chắt làm Tiểu đoàn trưởng đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và cá nhân ông cũng được tặng danh hiệu cao quý này.

Chia sẻ với PV, bà Phạm Thị Lý, vợ ông Chắt cho hay, ông bà cưới nhau năm 1968. Thế nhưng do ông mải chiến đấu xa nhà, còn bà cũng bận công tác, mãi 6 năm sau, năm 1974 vợ chồng bà mới sinh con đầu lòng. Đến năm 1976 và 1981, bà lần lượt sinh thêm người con thứ 2 và thứ 3. Đến nay, các con của ông bà đều đã phương trưởng, có gia đình riêng, trong đó người con trai út là kỹ sư cầu đường công tác ở Hải Dương.

Dù tuổi đã cao nhưng hiện ông Chắt vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Ông làm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng khu dân cư số 3, phường Bình Hàn đến năm 2012 mới nghỉ hẳn. Hiện, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của hội cựu chiến binh, các hoạt động của địa phương... “Mỗi năm vào dịp này, tôi vui lắm, đi nhiều nơi gặp lại anh em đồng đội. Bao nhiêu năm rồi, người còn sống, có người đã mất, nhưng những kỷ niệm về trận đánh ngày đó chưa bao giờ tôi quên”, ông Chắt chia sẻ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.