Ở tuổi 84, thày giáo Trịnh Ngọc Trình vẫn làm việc và học tập không biết mệt mỏi |
Ít ai biết rằng, ông chính là người khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thôi thúc hàng triệu thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc.
“Ông HEDO” vùng cao
Ngày cuối thu, trong căn phòng làm việc trên phố Trịnh Hoài Đức (Hà Nội), chúng tôi gặp thày giáo một tay Trịnh Ngọc Trình (84 tuổi), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục miền núi (HEDO) khi ông vừa trở về sau chuyến công tác bồi dưỡng 100 cô đỡ thôn bản tại thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An (Cao Bằng). Đó là công việc gắn bó với ông trong suốt gần 30 năm nay cùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Ở miền núi, đồng bào thường không chịu đến trạm xá để sinh bởi họ quan niệm đứa con sinh ra ở đó sẽ trở nên cô độc, ít tình cảm với gia đình, gia tộc. Họ thường tự đẻ ở nhà, nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng. Chúng tôi đào tạo, hướng dẫn dân bản kỹ năng đỡ đẻ rồi phát thuốc cho họ, giúp hạn chế các sự cố liên quan đến sức khỏe”, thày Trình cho hay.
Mới đây, ông Trịnh Ngọc Trình (SN 1934) là 1 trong 10 cá nhân được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội xét tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. |
“Cô đỡ thôn bản” là một trong nhiều hoạt động của HEDO, được thành lập vào tháng 3/1990, góp phần nâng cao dân trí, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, xoá đói giảm nghèo cho các đồng bào dân tộc thiểu số. Trong suốt những năm qua, HEDO đã thực hiện khoảng 200 chương trình và dự án tại 43 tỉnh (bao gồm tất cả các tỉnh miền núi Bắc bộ, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ…).
Trên cương vị giám đốc HEDO, thày giáo Trịnh Ngọc Trình thường xuyên tới những địa phương trong cả nước với các hoạt động hỗ trợ xây dựng trường nội trú, bán trú, trường mẫu giáo, trung tâm xoá mù chữ, trung tâm văn hoá dân tộc, giữ gìn và phát triển tiếng nói và chữ viết dân tộc... Quỹ học bổng “Em Ngọc” cũng đã được HEDO triển khai từ những ngày đầu thành lập dành cho những học sinh nghèo vượt khó ở các trường còn khó khăn. Thày Trình còn học cả tiếng dân tộc để tiếp chuyện với người dân địa phương khi tiến hành các dự án và được bà con trìu mến gọi là “Ông HEDO”. “Càng tiếp xúc, càng đi sâu cùng đồng bào miền núi lại càng cảm thấy phải làm một điều gì đó để giảm bớt những hoàn cảnh đáng thương, đói nghèo. Chứng kiến nhiều trường học chỉ có vách gianh mái lá thương lắm”, thày giáo già trầm ngâm.
Trong những chuyến đi lên vùng cao, không ít lần ông gặp tai nạn. Có lần leo dốc ở Bắc Hà bị ngã trẹo chân, có khi xe ô tô từ Hà Giang về Tuyên Quang xuống dốc bị nổ lốp, may mắn lái xe tạt được vào sườn núi nên không bị rơi xuống vực… Song những khó khăn đó vẫn không thể cản bước người thày giáo chỉ còn một cánh tay. “Bản thân tôi may mắn được gặp Bác Hồ, được Bác khen thương binh tàn nhưng không phế, được Bác khuyên thấy việc gì có lợi cho dân thì cố gắng làm. Vì vậy, tôi tự nhủ khi còn sức khoẻ, được bạn bè giúp đỡ thì vẫn tiếp tục làm việc”, thày giáo Trình bày tỏ.
“Em Ngọc” ngày ấy…
Thày giáo Trịnh Ngọc Trình được nhiều thế hệ từ những năm chống Pháp biết tới qua truyện “Em Ngọc”. Năm 1945, cậu thiếu niên Trịnh Ngọc Trình (xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình) khi đó mới 11 tuổi đã xung phong làm liên lạc tại Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 34. Trong một lần được giao nhiệm vụ chuyển công văn đến Đại đội 10, Trình bị địch phát hiện. Trúng đạn, cánh tay trái gần như đứt lìa, nhưng cậu giao liên vẫn nén đau lần về đơn vị. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Trịnh Ngọc Trình ngất lịm và được bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ tiến hành phẫu thuật. Thấy vết thương quá nặng, không còn cách nào khác, bác sĩ Cơ quyết định cắt bỏ cánh tay của cậu giao liên gan dạ. Và câu chuyện với tựa đề “Em Ngọc” được bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ viết, đăng trên báo Vui sống năm 1947. Trong chuyện có đoạn: “Rồi tiếp tục một cơn giãy giụa mạnh nữa: Tiếng khóc xen vào những câu nói dồn dập: Thực dân nó bắn gãy tay tôi rồi! Nước tôi đang còn đánh nhau với nó kia mà! Để tay cho tôi, để tôi đánh đuổi nó! Đuổi nó đi! Đuổi hết chúng nó đi!...”
Ông Trình kể lại, khi Bác Hồ đọc được câu chuyện này, Người rất xúc động và chỉ đạo Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra quyết định tập hợp các thiếu niên đang tham gia chiến đấu, liên lạc để lập ra Trường Thiếu sinh quân. Trong suốt những năm 1954 đến năm 1975, câu chuyện “Em Ngọc” đã được đưa vào sách Tiếng Việt cấp Tiểu học đồng thời được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… Nhiều địa phương đã lấy tấm gương “Em Ngọc” để phát động phong trào thanh niên tòng quân, ra trận đánh giặc cứu nước.
Năm 1954, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm trung cấp Trung ương ở Nam Ninh (Trung Quốc), chàng thanh niên Trịnh Ngọc Trình xung phong đi dạy ở các tỉnh miền núi và trở thành Hiệu trưởng Trường cấp 1 ở Mường Lay (Lai Châu). Thày giáo Trình chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ nhất của cuộc đời là khi ông làm Bí thư đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước, cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Bác: “Nam, Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”. Trịnh Ngọc Trình là người khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng” tiền thân là phong trào “Tam bất kỳ”. Ngày 30/4/1964, hơn 7.000 sinh viên và 3.000 cán bộ, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội trong tay rực sáng ngọn đuốc đã tập hợp tại nghĩa trang Mai Dịch. Khi đó, Bí thư Chi đoàn Trịnh Ngọc Trình đã đọc lời thề “Ba sẵn sàng” trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, cùng hàng ngàn tiếng hô vang “Xin thề! Xin thề!...
Ngay sau lễ phát động, phong trào “Ba sẵn sàng” đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước, tất cả đều chung sức, đồng lòng vì Tổ quốc. Đến giờ, người thày giáo vẫn như in những lời thề năm đó: “Sẵn sàng nhập ngũ, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng, nhân dân, Tổ quốc yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ…”.
Khí thế hừng hực của phong trào “Ba sẵn sàng” ở Đại học Sư phạm Hà Nội khiến Thành Đoàn Hà Nội quyết định nhân rộng phong trào trên toàn thành phố. Tháng 3/1965, Trung ương Đoàn quyết định phát động phong trào "Ba sẵn sàng" trên toàn miền Bắc. Hàng triệu thanh niên đã hăng hái đăng ký xung phong lên tuyến đầu chống Mỹ, với tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi gian khó, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận