- Kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2015):
Cựu chiến binh Hoàng Thị Mùi kể lại thời hào hùng kháng chiến chống Pháp ở vùng Đông Bắc với PV Báo Giao thông. |
Cách mạng tháng Tám soi sáng
Trong cái rét cuối năm nơi vùng đất mỏ Quảng Ninh, tôi đến thăm bà Hoàng Thị Mùi (Tổ 1, khu 5B, phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả), một cựu chiến binh nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh với những ký ức lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Pháp.
Bà Mùi kể: “Gia đình tôi xuất thân từ thành phần bần cố nông, thuộc tỉnh Nam Định. Tấc đất cắm dùi không có, năm 1930, khi tôi tròn 3 tháng tuổi, nghe tin ở Vùng mỏ Hà Quảng có cuộc sống dễ thở hơn, thế là lựa một đêm, bố mẹ tôi bồng con trốn nhà chủ đi làm phu mỏ. Đến nơi, bố mẹ tôi dựng tạm chiếc lán trên núi để sống qua ngày. Mùa hè mưa dột tứ bề, mùa đông thì rét thấu ruột gan”.
Cuộc sống khốn khó, lên 9 tuổi, từ 3h sáng, cô bé Mùi thức giấc theo mẹ lên núi Mông Giăng (phường Cẩm Tây ngày nay) để làm “nhau” (nhặt than) kiếm mỗi ngày 6 lạng gạo. “Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến xế chiều, tôi phải nhặt đủ một goòng than kíp lê, buổi trưa không được ăn uống gì. Nếu bọn cai ký thấy trong goòng chỉ cần lẫn một hòn xít là hôm đó toi công, chúng đánh chữ “zezo” (không) vào phiếu. Vậy nào đã xong, chúng còn cảnh cáo, đấm, đá túi bụi. Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh bọn cai, ký đánh đập bất kể người già, trẻ em chẳng có lý do gì”, bà Mùi nhớ lại.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cuộc sống của gia đình bà Hoàng Thị Mùi bước sang trang mới. Gia đình bà được phân 1 căn nhà cấp 4 thuộc Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông. Tham gia lực lượng tự vệ của xí nghiệp, ngoài giờ làm, bà tập bắn súng, tập điều lệnh và học chữ Quốc ngữ. Cuộc sống mới ngắn chẳng tày gang, bởi thực dân Pháp quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa (năm 1946). Lúc này, bà Mùi được tuyển vào Đội Trinh sát thuộc Cục Tình báo Đông Bắc.
Sau đó, bà được giao làm tình báo viên thuộc Ban tình báo miền Đông, hoạt động từ Quảng Yên đến Hải Ninh. Từ năm 1946 - 1954, đơn vị của Hoàng Thị Mùi thay đổi tên gọi nhiều lần, chuyển địa bàn hoạt động khắp nơi, cuối cùng là Tiểu đoàn 98, Cục Tình báo Bộ Quốc phòng.
5 lần thoát chết trong vùng địch
Quãng đời gần 10 năm hoạt động tình báo của bà Hoàng Thị Mùi có biết bao kỷ niệm. Bà không thể nào quên được 5 lần thoát khỏi tay giặc do được sự đùm bọc của nhân dân. Bà kể: “Lần đầu tôi thoát chết là năm 1948.
Năm ấy, cấp trên cử đồng chí Hoàng Thị Minh từ Cửa Ông về bắt liên lạc với tôi để cùng thực hiện một nhiệm vụ mới. Đồng chí Minh đóng vai là cháu họ của mẹ tôi và phải giả là có tính cách lả lơi để che mắt quân thù. Cơ sở hoạt động của tôi lúc ấy có tới 15 người, được tổ chức khá chặt chẽ, địch mới chỉ đánh hơi thấy, chưa biết gì chắc chắn.
Một buổi sáng, tổ tình báo đang họp kín thì có 2 tên mật thám đến ở lì trong nhà tôi tới tận chiều với thủ đoạn có ý định tán tỉnh cô chị họ lẳng lơ. Lo lắng cho mẹ gặp nguy hiểm, tôi và đồng chí Minh quyết định quay về để giải vây cho bà. Vừa nhìn thấy chúng tôi, mẹ liền vác đòn gánh ra vừa phang túi bụi, vừa chửi.
Thấy vậy, cả xóm thợ kéo đến khuyên can khiến 2 tên mật thám tiu nghỉu chuồn thẳng. Sau cuộc giải vây ấy, cấp trên xét thấy cơ sở tại gia đình tôi có nguy cơ bại lộ, nên đã tìm cách đưa cả 3 trở về căn cứ nhận nhiệm vụ mới. Đau đớn thay, 2 tên mật thám hèn hạ đã trả thù bằng cách bắt một số người đưa về khám ở Hòn Gai tra khảo, đánh đập dã man. Không khai thác được gì, chúng đã bắn họ rồi phi tang mất xác”.
Một lần khác, bà Mùi nhận nhiệm vụ khai thác thông tin về lịch trình tuần tra, càn quét, việc bố trí đồn bốt trên dọc tuyến đường 18 lên biên giới. Ban ngày, bà nằm trên thuyền đánh cá đợi đêm đến thì lên bờ bắt liên lạc. “Tối đó, vừa bước vào khu rừng thì tôi nghe tiếng nói khẽ “Đồng chí quay về thuyền ngay!”. Biết bị bao vây, tôi bèn trở lại thuyền rồi vội vã ra khơi. Đêm sau, tôi tiếp tục vào làng theo đường cũ. Sau khi lấy được tài liệu, trên đường ra tới bờ đê, tôi nghe tiếng quát: “Mày đi đâu?”, tiếp đó là tiếng lên đạn lách cách. Vờ không biết tiếng Kinh, tôi mạnh dạn bước tiếp khiến địch quát to hơn “Con kia, mày đi đâu?”.
Cùng với đó là tiếng đạn tiểu liên bắn lên trời cảnh cáo. Tôi bỏ chạy bất chấp tiếng súng nổ chát chúa từ phía sau. Tôi rẽ phải, rẽ trái rồi chạy ngược lại phía chúng vừa gặp mình lúc trước. Đến đúng chỗ bụi dứa lúc địch chặn lại, bất chấp gai dứa cứa vào người đau nhói, tôi chui tọt vào trong bụi. Sau một hồi bắn vãi đạn tứ phía, bọn địch thất vọng lục tục kéo về. Đi qua chỗ tôi ẩn nấp, bọn chúng quát tháo ầm ĩ bằng cả tiếng Hoa, tiếng Việt. Tên ra dáng chỉ huy chửi: “Đồ ngu, 8 thằng lực lưỡng súng ống đầy đủ mà không bắt được con Việt Minh ốm yếu”.
Gần tháng sau, khi quay lại lấy tài liệu, bà Mùi được nghe kể rằng, sáng hôm ấy, thương người con gái xấu số, bà con đã lật từng lùm cây, bụi cỏ, chèo cả thuyền ra biển để tìm xác. Có cụ già thương xót cô đã nấu một bát cơm, luộc quả trứng khóc than gọi vía người nữ cán bộ Việt Minh...
3 lần được gặp Bác Hồ Nữ chiến sĩ tình báo Hoàng Thị Mùi cho biết, cuộc đời làm cách mạng của bà có nhiều niềm vui, nhưng vui nhất là 3 lần được gặp Bác Hồ. Nhớ nhất là lần dự Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ III năm 1960 tại Hà Nội, bà được Bác Hồ bắt tay và căn dặn rất nhiều. “Hôm ấy, khi nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam giới thiệu bà là nữ tình báo viên vùng Đông Bắc, hiện là Phó trưởng ban nữ công Công đoàn Vùng mỏ, Bác ân cần nắm tay bà và dặn: Bây giờ làm gì ở Vùng mỏ cũng là làm than cả. Muốn sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc, đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam thì thợ mỏ cần phải có sức khoẻ... Gái mỏ mà sao mảnh mai thế này? Rồi Bác quay sang nói với Đoàn Chủ tịch Đại hội: Phải tổ chức chăm sóc tốt sức khỏe cho công nhân mỏ!”, bà Mùi nhớ lại. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận