Thậm chí, có nhà vợ chồng còn xảy ra "chiến tranh lạnh" vì không thống nhất được việc đặt tên.
Mê Messi, đặt luôn tên cho con
Sau gần hai chục ngày mưa ròng rã, sân bóng đá ở cuối làng Djrông (xã A Dơk, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) trở nên nhầy nhụa, trơn trượt.
Dù bùn sục lên như ruộng, vẫn không ngăn được tình yêu bóng đá của lũ trẻ ở đây.
Anh Krúp, bố của Messi khoe những thành tích đá bóng với những tấm huy chương, giấy khen nhận được.
Trong sân, những đứa trẻ gọi nhau chuyền bóng ý ới. "Messi chuyền đi". "Luka chuyền đi". "Bếch Khăm sút trượt rồi".
Tưởng những đứa trẻ gọi tên nhau cho vui, nhưng hóa ra đó là tên thật của những cậu bé trong sân.
Việc đặt tên cho con thể hiện mong muốn, kỳ vọng của những người làm cha làm mẹ.
Tuy nhiên, việc đặt cho con những cái tên khác lạ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Và khi trưởng thành, rất có thể chúng sẽ mặc cảm, tự ti vì chính cái tên của mình do luôn bị chú ý.
Chuyên gia xã hội học Tạ Ngọc Điệp
Năm nay 14 tuổi, Messi nằm trong top cầu thủ đá tốt của nhóm trẻ làng Djrông.
Áp lực lớn nhất với cậu bé mỗi khi vào sân là những lần sút trượt hay rê bóng lỗi: "Khi đá hay, tụi bạn gọi đúng tên em là Messi, còn khi đá dở, em bị gọi là Pepsi", cậu bé nhoẻn cười.
Không chỉ có Messi, nhiều đứa trẻ cũng được bố mẹ đặt tên theo các siêu sao bóng đá như Beckham, Luka Modric…
Anh Krúp (SN 1978, làng Djrông) tỏ ra đầy phấn khích khi kể về niềm đam mê bóng đá và lý do đặt tên Messi cho con trai: "Hồi đó, tôi đá bóng giỏi lắm, từng là cầu thủ của đội bóng Công ty Cao su Mang Yang.
Tôi có ba con trai, cả bốn bố con đều đá bóng, tham gia nhiều giải. Giờ trong nhà có hơn 30 tấm huy chương lớn nhỏ.
Năm 2010, chứng kiến Lionel Messi trong màu áo CLB Barca với lối chơi tiki-taka đỉnh cao đã khiến tôi mê mẩn. Khi đó vợ sinh con, tôi không ngần ngại mà đặt tên là Messi".
Những cái tên độc lạ
Cách làng Djrông chừng cây số là làng Broch 1 (xã A Dơk), cũng không hiếm trường hợp đặt tên con theo tên cầu thủ bóng đá hay diễn viên Hàn Quốc.
Những đứa trẻ đá bóng ở làng Djrông.
Chị Hloanh (30 tuổi, người làng Broch 1) kể: "Mấy chục năm trước, dân làng hay xem phim Hàn Quốc, mải mê đến bỏ làm, quên ăn để theo dõi như: "Khi mùa xuân về", "Hương mùa hè", "Nàng Đê Chang Kưm", "Truyền thuyết Ju-Mông", "Vua đầu bếp"…
Cũng bởi mê những nhân vật trong phim nên không ít người đặt luôn tên con mình theo tên của thần tượng hay tên nhân vật trong phim.
Chị Chănh, hàng xóm của chị Hloanh nhớ lại: "Hồi đó xem phim "Khi mùa xuân về", mê lắm nên tôi đặt tên con trai đầu lòng của mình là Cha-Ri (tên của nhân vật chính Moon Chea Ri trong phim).
Rồi đứa thứ 2, tôi đặt con là Giong-Hô. Tuy nhiên, chồng không đồng ý mà đòi đặt tên Ronaldo.
Tranh cãi mãi khiến vợ chồng không thèm nhìn mặt nhau. Đến một ngày, chồng đi uống rượu về đòi đập tivi, lúc đó tôi mới chịu xuống nước, chấp nhận đặt tên con theo thần tượng của chồng".
Hay như gia đình bà Amranh (61 tuổi) ở thôn Broch I có 7 con thì tới 4 đứa mang tên nước ngoài gồm SachLy, China, Richắk và Kchoi.
Bà cho hay, những cái tên này đều do ảnh hưởng từ các bộ phim Hàn và Tây Âu.
Tương tự, con gái của chị Chăm ở cùng làng được đặt tên là Hy Chơng…
Không phù hợp văn hóa, phong tục
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch UBND xã A Dơk cho hay, vì nhiều nguyên nhân nên chục năm trước, ở xã có tình trạng người dân đặt tên con theo các danh thủ bóng đá hay diễn viên nổi tiếng ở nước ngoài.
Trong đó, đa phần bà con do hâm mộ thần tượng mà đặt tên con giống như họ.
Cậu bé Messi ở làng Djrông, xã A Dơk.
Theo bà Nhung, người dân ở đây phần lớn là đồng bào dân tộc ít người. Họ không ghi họ trong giấy khai sinh mà chỉ ghi tên.
Sau năm 2014, khi địa phương phát hiện việc nhiều gia đình đặt tên cho con không phù hợp với văn hóa, phong tục nên đã có khuyến cáo.
Theo đó, mỗi khi có người dân đến khai sinh cho con, phát hiện các tên khác lạ thì cán bộ tư pháp, hộ khẩu xã đều khuyên không nên đặt như vậy, bởi sau này có thể rắc rối khi làm thủ tục giấy tờ.
"Quá trình thực hiện cấp thẻ căn cước công dân, làm hộ khẩu, chúng tôi đã tuyên truyền và nhiều gia đình đã quyết định đổi lại tên của con cho phù hợp. Đến nay, việc người dân đặt tên khác lạ không còn nữa", bà Nhung nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận