Đời sống

Gặp nghệ nhân đường phố "thổi hồn" cho những mô hình đèn trung thu ở Tuyên Quang

21/08/2024, 15:36

Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, riêng có vào mỗi dịp Tết Trung thu hàng năm của người dân xứ Tuyên. Đằng sau sự lung linh, huyền diệu đó là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật, sự kỳ công, trong đó có ông Phạm Ngọc Toán.

Từ đam mê thuở thiếu thời...

Hơn 20 năm "trong nghề" làm mô hình, ông Phạm Ngọc Toán (SN 1968, trú tại tổ 15, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang) có tiếng tăm trong giới làm mô hình đèn trung thu ở thành phố Tuyên Quang. 

Theo những người dân nơi đây, ông Toán là người đầu tiên làm những mô hình khổng lồ góp phần tạo nên sức hút cho Lễ hội Trung thu Thành Tuyên hiện tại.

Ông tâm sự, nghề chính là công nhân thi công điện nước dân dụng nhưng ông rất đam mê nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Khi còn nhỏ, ông Toán đã rất thích sáng tạo các mô hình, lắp ráp. 

Ông Toán là một trong những người đầu tiên làm mô hình đèn trung thu khổng lồ tại Tuyên Quang từ năm 2003. Thấy những mô hình đẹp và đặc sắc, dần dần các tổ dân phố khác trên địa bàn đã tìm đến đặt ông làm. 

Ông Toán cho biết, đến thời điểm này xưởng của ông đã nhận đặt làm khoảng 20 mô hình của các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị.

Gặp nghệ nhân đường phố "thổi hồn" cho những mô hình đèn trung thu ở Tuyên Quang- Ảnh 1.

Mô hình độc đáo đang được nghệ nhân Phạm Ngọc Toán hoàn thiện tỉ mỉ.

Nói về ý tưởng các mô hình đèn trung thu có kích thước ngoại cỡ của mình, ông Toán cho biết: "Trước đây, cứ 3,4 cháu mới có 1 chiếc đèn trung thu để chơi, từ đấy tôi nhen nhóm ý tưởng làm một chiếc đèn thật lớn để cho các cháu chơi chung. 

Kể từ đó, cứ dịp trung thu hằng năm, tôi lại làm chiếc đèn lớn cho các cháu trong tổ dân phố cùng chơi. Sau đó, các tổ dân phố khác cho tới các tỉnh, các cơ quan đơn vị bắt đầu tìm đến thuê tôi làm mô hình.

Chỉ trong dịp trung thu năm nay, xưởng của tôi đã làm riêng cho thành phố khoảng 30 mô hình đèn. Mỗi mô hình khoảng 50 - 60 triệu đồng, có những mô hình rẻ hơn tùy vào điều kiện kinh tế. Người dân có khả năng kinh tế tới đâu, tôi làm tới đó chứ không nề hà, từ chối. 

Ngoài những khách hàng quen thuộc, xưởng của tôi cũng làm mô hình cho các đối tác như Vietjet, Trung tâm mỹ thuật ATH, Sun Group,...".

Gặp nghệ nhân đường phố "thổi hồn" cho những mô hình đèn trung thu ở Tuyên Quang- Ảnh 2.

Rất nhiều mô hình đang "xếp hàng" chờ được nghệ nhân chế tác.

Lễ hội Thành Tuyên trước đây chỉ là hoạt động tự phát của người dân địa phương. Vào những năm 2000, ông Toán cùng một số người trong tổ dân phố đứng ra xây dựng mô hình đèn lồng ở Tuyên Quang. 

Theo đó, mỗi dịp trung thu, bà con ở các tổ dân phố vận động xã hội hóa rồi dùng số tiền quyên góp được để tạo nên các mô hình biểu diễn trên phố mỗi dịp trung thu. 

Ở tổ dân phố nào bà con cũng tập trung chăm chút, sáng tạo mô hình của mình sao cho thật thu hút. 

Để rồi, cứ mỗi dịp trăng rằm tháng 8, việc rước những mô hình linh vật khổng lồ đã trở thành nét văn hóa với mỗi người dân nơi đây.

Gặp nghệ nhân đường phố "thổi hồn" cho những mô hình đèn trung thu ở Tuyên Quang- Ảnh 3.

Các nghệ nhân chăm chút, tỉ mỉ trong các công đoạn tạo dựng mô hình chuẩn bị cho đợt diễn diễu vào ngày trung thu sắp tới.

Và cho tới thời điểm năm 2014, lần đầu tiên, Lễ hội thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội đã được kỷ lục Guiness Việt Nam xác lập: "Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam", "Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam", "Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam"...

Thách thức ý tưởng độc, lạ

Theo ông Toán, khâu quan trọng nhất làm nên một mô hình là người thợ phải lên ý tưởng để mô hình từ trên giấy ra đời thực phải thật sống động, rực rỡ, thu hút được sự yêu thích của trẻ nhỏ và cả người lớn.

Gặp nghệ nhân đường phố "thổi hồn" cho những mô hình đèn trung thu ở Tuyên Quang- Ảnh 4.

Nghệ nhân Toán giám sát từng công đoạn để đầu ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

"Trước tiên để tạo ra một mô hình có sức hút thì việc quan trọng nhất là phải tìm được ý tưởng hay. Tất cả các mô hình tôi đều phải tự lên ý tưởng, sau đó qua bàn bạc, thống nhất với bà con rồi mới bắt đầu làm", ông Toán chia sẻ.

Theo nghệ nhân Phạm Ngọc Toán, linh vật được tạo dựng phải vừa mang yếu tố truyền thống, vừa giàu tính thẩm mỹ và có khả năng giáo dục. 

Sự phong phú trong ý tưởng được nghệ nhân Toán lấy từ kho tàng truyện, tranh dân gian. Như năm nay, tổ dân phố số 15 nơi ông Toán đang sinh sống sử dụng mô hình "Rồng ngũ phúc" do ông tự lên ý tưởng và thựv hiện.

Gặp nghệ nhân đường phố "thổi hồn" cho những mô hình đèn trung thu ở Tuyên Quang- Ảnh 5.

Mô hình "Rồng ngũ phúc" của tổ dân phố 15 được ông Toán làm rất tinh xảo.

Bên cạnh đó, nghệ nhân Toán cũng xây dựng nhiều mô hình lấy cảm hứng từ các anh hùng hào kiệt trong suốt chiều dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Hình tượng Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi ra trận hay Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn... khiến đêm rước đèn không chỉ lung linh mà còn thiêng liêng, sống động.

Ông Toán cũng chia sẻ, trước đây, nguyên liệu làm mô hình chủ yếu là xốp, tre nứa và được phủ ni lông chứ không được chi tiết và tinh xảo như hiện nay. 

Để làm được những mô hình kỳ công như hiện nay, ông đã phải nghiên cứu, phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ mới như công nghệ 3D.

Gặp nghệ nhân đường phố "thổi hồn" cho những mô hình đèn trung thu ở Tuyên Quang- Ảnh 6.

Nghệ nhân Toán cho biết hiện các mô hình của ông đều được ứng dụng công nghệ in 3D.

Và thay vì dùng giấy bóng kính hay đề can, ông Toán dùng toàn bộ mica để trang trí phía ngoài mô hình. Đây là chất liệu cực bền, bắt sáng tốt.

Sau đó, mô hình sẽ được phun sơn xuyên sáng với nhiều màu sắc rực rỡ. Để hoàn thiện khâu này, người thợ phải có sự hiểu biết về mỹ thuật để phối màu sao cho hài hòa, tạo tính thẩm mỹ cao cho sản phẩm.

Trước đó, vào chiều 16/8, tại Hà Nội, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị truyền thông về Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024.

Theo đó, với chủ đề "Tinh hoa hội tụ và tỏa sáng", Chương trình Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024 diễn ra lúc 20h 13/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Tuyên Quang với quy mô quốc tế.

Chương trình sẽ có sự tham gia, trình diễn 6 di sản của Việt Nam và 2 di sản của nước ngoài đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chương trình Đêm hội Thành Tuyên với chủ đề "Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên", Tết Trung thu truyền thống của các cháu thiếu niên, nhi đồng tổ chức quy mô quốc gia, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam từ 20h10 ngày 14/9 với hơn 100 mô hình đèn trung thu khổng lồ và các đèn trung thu mini tham gia biểu diễn.

Dịp này, tỉnh Tuyên Quang còn tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, như: Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2024; chương trình "Điện ảnh với xứ Tuyên"; hội chợ thương mại - du lịch tỉnh Tuyên Quang; chương trình "Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt" và Lễ hội bia Hà Nội; các giải thể thao và nhiều hoạt động hưởng ứng của các huyện, thành phố…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.