Dòng sông Lô đoạn chảy qua phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang nơi xảy ra vụ chìm đò ngày 12/1/2011 |
Ngày đi ăn hỏi thành ngày giỗ
Đã 5 năm trôi qua kể từ vụ chìm đò thảm khốc nhưng những người dân sống bên bờ sông Lô (phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang) vẫn không thể quên được ký ức kinh hoàng ấy.
Đưa ánh mắt xa xăm nhìn về phía bờ bên kia của sông Lô, bác Lê Văn Minh (người dân phường Hưng Thành, nơi xảy ra vụ chìm đò) xót xa kể lại: “Đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh cháu Hà Văn Thành, con trai chủ đò Hà Văn Bình với dáng người nhỏ thó, đầu quấn khăn tang trắng, tay cầm gậy, nước mắt lăn dài trong buổi đưa tiễn mẹ cùng em gái về với đất. Hồi ấy, cháu Thành mới chỉ 12 tuổi lại phải chịu nỗi đau quá lớn khi cùng lúc mất đi hai người thân, cha lại đang bị tạm giữ tại cơ quan điều tra sau sự cố chìm đò”.
Qua sự chỉ dẫn tận tình của bác Minh cùng người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Hà Văn Bình gần đền Mẫu Thượng (xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang) khi trời nhá nhem tối. Vụ tai nạn thương tâm năm ấy như thước phim quay chậm tái diễn trước mắt chúng tôi qua lời kể của anh.
Hôm đó, ngày 12/1/2011, sau đám hỏi của con gái là chị Hà Thị Mơ, mẹ anh Bình - bà La Thị Đường giới thiệu với anh em họ hàng bên sông có vườn cây ăn quả là nguồn thu chủ yếu của gia đình. Mọi người rất háo hức muốn qua thăm. Vì thế, anh Bình đã sử dụng chiếc thuyền tôn gia dụng của gia đình đưa mọi người qua sông. “Lúc đó khoảng 12h trưa, 13 người trong đó có vợ và con gái 6 tuổi của tôi lên thuyền qua sông. Ra đến giữa sông, chiếc thuyền bắt đầu tròng trành do những cơn sóng nước ở hai bên dội đến. Tôi đã cố chèo lái cho thuyền ổn định nhưng không được. Chỉ trong giây lát, con thuyền đổ ập xuống, sau tiếng hét kêu cứu, tất cả bám vào nhau rồi bị nhấn chìm”, anh Bình vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại.
Anh Bình cũng bị chìm xuống nước một lúc nhưng nhờ biết bơi, anh lại ngoi lên được. Lúc này, mặt nước trống không, không thấy vợ con và anh em họ hàng đâu cả. Anh rơi vào tuyệt vọng và không đủ sức bơi vào bờ nên cứ nằm trơ giữa dòng nước rồi ngất đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình được người dân chăm sóc trên bờ, số khác đang dùng thuyền quần thảo lòng sống tìm kiếm những người trên chuyến đò. Anh vội lao ra bờ sông xin lên thuyền để tìm mọi người, trong đầu không lúc nào quên cầu xin phép màu mang tất cả trở về bình yên. Nhưng không thể…
“Ngay cả việc nhìn mặt vợ con lần cuối, tôi cũng không thể. Lên thuyền được một lúc tôi bị lực lượng chức năng đưa về cơ quan điều tra”, nói đến đây, khóe mắt anh Bình đỏ hoe. Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ. Một tuần sau ngày tạm giữ, anh Bình được gặp người thân. Lúc này, anh mới biết, 9 người trên chuyến đò đã mãi ra đi, trong đó có vợ con mình. Anh như người mất hồn, thời gian dài sau đó không ăn, không ngủ được. Đêm đêm, hễ nhắm mắt lại, hình ảnh gia đình hạnh phúc, tiếng cười nói của người thân trong đám hỏi của em gái lại hiện lên trong đầu rồi bất ngờ biến mất khi chiếc đò bị nhấn chìm.
Anh Hà Văn Bình, chủ đò kiêm lái đò trong vụ tai nạn chìm đò năm ấy trở về cuộc sống thường nhật sau 5 năm chịu cảnh tù tội, mất người thân |
Vượt qua nỗi đau, trở về cuộc sống
Ra tòa, anh Bình bị tuyên án 10 năm tù. Nhờ cải tạo tốt, ngày 2/9/2015, anh được ân xá. Con trai còn lại duy nhất của anh giờ đây đã là chàng trai 19 tuổi. Sau tai nạn mất mẹ, mất em, bố lâm vào cảnh tù tội, Thành đành nghỉ học theo chúng bạn chăn trâu, chăn bò và chăm sóc bà ngoại già yếu. Cách đây 3 năm, Thành lên Lào Cai giúp chị họ làm hàng ăn. Cũng từ đó, anh Bình ít có cơ hội gặp con trai. Những lần Thành thăm bố thưa dần. Tính cách của Thành cũng trở nên bướng bỉnh hơn. Cũng vì thế, giờ đây, khi đã rời khỏi song sắt nhà tù trở về, dù rất muốn bù đắp lại tình thương cho con trai nhưng khoảng cách giữa bố con anh Bình cứ xa dần. Đó cũng là nỗi trăn trở lớn của anh.
Thời gian thi hành án, anh Bình không có cơ hội được đến thăm viếng những nạn nhân xấu số trên chuyến đò năm ấy. Ngày trở về, anh theo địa chỉ, tìm về tận nhà những người thân của nạn nhân xin thắp nén hương xin lỗi họ. Anh luôn biết ơn khi mọi người đã hiểu và thông cảm cho anh. Anh nhớ, trong phiên tòa xét xử năm ấy, chính những người thân của các nạn nhân đã gửi đơn xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho anh.
Trở về cuộc sống thường nhật, anh xin làm bảo vệ cho một trường học trên Hà Giang. Cũng trong thời gian đó, ngôi nhà nơi lưu giữ những kí ức hạnh phúc của gia đình anh bị nhà ngoại phá bỏ. Anh vội vàng trở về sau khi nghe hàng xóm báo tin nhưng không kịp, trước mắt anh chỉ còn lại đống gạch vỡ vụn. Nén nỗi đau cùng niềm nhớ thương vợ con trong lòng, anh trở lại trường và coi căn phòng bảo vệ như ngôi nhà che nắng, mưa mỗi ngày.
Dịp Tết đầu năm 2016, anh có cơ hội gặp chị Huỳnh Thị Nga, một người bạn thuở còn đi học. Cũng như anh Bình, chị Nga cũng cô đơn nuôi con khi người chồng “đầu ấp tay gối” đã ra đi. Cảm thông cho hoàn cảnh của nhau, anh Bình và chị Nga dọn về sống chung trong căn nhà nhỏ của chị. Ngày ngày, anh chị dọn quán hàng nhỏ bán tạp hóa cạnh cổng Đền Mẫu Thượng. Tối tối, anh chị cùng cô con gái 17 tuổi của chị Nga thắp điện ra hiên nhà ngồi đan lát đồ hàng mã kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Anh cho biết, cháu bé 5 tuổi may mắn sống sót sau vụ chìm đò ấy tên Lê Văn Xuân hiện đang sống cùng bố mẹ. Anh đã nhờ người tìm kiếm địa chỉ gia đình cháu bây giờ nhưng vẫn chưa được. Anh vẫn luôn mong ít nhất một lần được gặp và cảm ơn cháu Xuân ngày ấy đã mạnh mẽ chống chọi với cái giá lạnh của dòng nước.
Cùng với anh Bình, cháu Xuân, anh Lê Văn Đăng và chị La Thị Mận (cùng trú tại huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) là những người may mắn sống sót. Được biết, thời điểm đó, anh Đăng và chị Mận đang yêu nhau. Trải qua những giờ phút sinh tử dưới dòng nước lạnh lẽo của sông Lô, anh chị đã quyết định kết hôn không lâu sau đó. Hiện tại, hai vợ chồng đang làm việc ở nước ngoài. Mới đây, sau khi biết anh Bình được trở về nhà, anh Đăng đã gọi điện hỏi thăm và hứa sẽ về gặp anh Bình trong thời gian sớm nhất. Chỉ hành động nhỏ đó nhưng với anh Bình đó lại là niềm động viên, an ủi lớn lao.
Cứ thế, cuộc sống thường nhật với những công việc bình dị giúp anh Bình vơi đi nỗi đau mất người thân, nỗi cô đơn suốt 5 năm trong cảnh tù tội. Anh tâm sự, đó là những ký ức anh muốn quên nhưng không thể. Anh hi vọng sẽ không còn những tai nạn như thế xảy ra, sẽ không còn gia đình nào phải chịu cảnh chia lìa như anh.
Ngày 12/1/2011, vụ chìm đò thảm khốc xảy ra tại khu Bến Đất Phú Hưng (phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang) đã nhấn chìm 13 người xuống lòng sông. Cuối ngày 12/1, 7 nạn nhân đã được tìm thấy, trong đó có 3 người tử vong là Nguyễn Thị Chúc (SN 1968, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), Hà Thị Hồng Ngọc (SN 2006, xã An Tường, TP Tuyên Quang, con gái chủ đò Hà Văn Bình) và La Thị Đức (58 tuổi, ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc). 4 người may mắn được cứu sống là anh Hà Văn Bình (SN 1978, ở xã An Tường, TP Tuyên Quang), Lê Văn Đăng (ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), La Thị Mận (xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) và Lê Văn Xuân (SN 2007). 4 ngày sau, các nạn nhân xấu số còn lại mới được tìm thấy gồm: Nguyễn Đình Chiểu (SN 1989, ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Đại (SN 1987, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), La Thị Năm (SN 1963, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), La Thị Sáu (SN 1965, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), La Thị Tám (SN 1978, ở xã An Tường, TP Tuyên Quang) và Nguyễn Thị Sáu (SN 1978, xã An Tường, TP Tuyên Quang). |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận