Showbiz

Gặp “phù thủy” đưa vấn nạn đua xe vào rối nước cổ truyền

07/05/2017, 16:02

Đó là nghệ nhân Phan Thanh Liêm người nổi tiếng khi xây dựng sân khấu rối nước ngay tại nhà riêng giữa Thủ đô...

43

Nghệ nhân rối nước Phan Thanh Liêm

Dòng máu sáng tạo

Trót sinh ra trong gia đình có nghiệp làm rối nước, mối lương duyên với bộ môn này bén vào Phan Thanh Liêm từ nhỏ, nhưng đồng thời cũng đem theo cả những ưu tư sống còn của nghề, trăn trở về việc làm sao để rối nước vẫn sống và thậm chí sống khỏe. Một trong những trăn trở lớn nhất chính là làm sao khắc phục được sự hạn chế về mặt không gian biểu diễn của rối.

“Trước đây, các cụ chỉ biểu diễn năm 1-2 lần vào các dịp đặc biệt, như thượng thọ, hội làng”, anh Liêm chia sẻ. Tức rối nước chỉ đơn thuần là một thú chơi có tính chất thời vụ, không được biểu diễn thường xuyên. Đó là về thời gian, còn về không gian, rối nước gắn chặt với ao hồ, thủy đình, như cá với nước. Tách ra là chết, nên hầu như các phường rối chỉ gắn liền với một địa phương nhất định. Ở những nơi vùng sâu, vùng xa không có địa hình phù hợp, cư dân có khi nhiều thế hệ không biết tới rối nước. Bước sang thời hiện đại, chúng càng trở thành những cản trở, bó hẹp sự phát triển của loại hình này.

Không cố định ở một không gian nào, rối nước cùng nghệ nhân Phan Thanh Liêm tung tẩy ở công viên, quảng trường, đường phố từ Anh, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản... Có những dịp như Festival Andersen tại Italia năm 2005, hết hợp đồng rồi mà ban tổ chức vẫn cố nài Phan Thanh Liêm ngồi lại chỉ vì khán giả… mê quá.

Người đặt nền móng phá bỏ những rào cản ấy chính là thân sinh anh Liêm, cụ Phan Văn Ngải với sáng tạo để đời: Nhà thủy đình di động. Ngược dòng thời gian, những năm 60, Bộ VH-TT ấp ủ ý định đưa rối đến tay bè bạn quốc tế. Thế nhưng, yêu cầu đầu tiên đặt ra là làm sao đem được không gian hồ nước, thủy đình vượt ra khỏi tầm làng xã, ít nhất là lên được máy bay rồi mới tính đến chuyện đi khắp bốn bể năm châu.

Thiết kế mô hình thủy đình đầu tiên là của một kiến trúc sư. Cái thủy đình di động bản thô sơ ấy được ra mắt các lãnh đạo Bộ VH-TT, Thứ trưởng khi ấy là ông Mai Vy chỉ quay sang hỏi các nghệ nhân Đoàn Múa rối T.Ư. Nghệ nhân Phan Văn Ngải khi ấy mới chậm rãi chỉ ra hàng loạt vấn đề. 3 tấn vật liệu, với hàng trăm chi tiết lắp ráp vô cùng lỉnh kỉnh, thủy đình này làm sao đáp ứng được nhu cầu linh hoạt trong công tác đi diễn. Hơn nữa, với hàng trăm khớp nối, đinh vít cần cả chục người xúm tay vào lắp ráp, đoàn công tác chỉ dăm ba người với toàn nghệ nhân đúc tượng, múa rối không thể xử lý được.

Chỉ ra yếu điểm xong, cụ Phan Văn Ngải cũng vạch ra phương án cải tiến, biến thủy đình giảm đi 10 lần khối lượng, với cấu tạo chỉ cần 2 người và vài giờ đồng hồ lắp ráp. Những cải tiến vĩ đại ấy cho ra đời thủy đình hiện đại, đặt nền móng cơ bản đưa rối nước vượt ra khỏi phạm vi địa lý thông thường.

Tới anh Liêm, công cuộc giải phóng không gian diễn xuất cho rối nước tiến thêm một bước dài. Năm 1990, anh mày mò tìm cách thu nhỏ sân khấu để tiết kiệm tối đa không gian, trọng lượng đạo cụ. Từ kích thước cơ bản lên tới 10m giảm xuống chỉ còn 1m2, từ hệ thống chi tiết kim loại nặng nề chuyển thành các tấm bìa nilon quây kín như bể nuôi tôm. Hiệu quả tăng theo rõ rệt, khi toàn bộ sân khấu đạo cụ giờ chỉ cần một người xử lý, có thể thoải mái chở trên yên xe máy. Từ chỗ gắn chết ở một địa phương, rối nước đến thời anh Liêm coi như có thể tung hoành tự do, đi khắp nơi mọi chốn.

44

Nghệ nhân rối nước Phan Thanh Liêm và Tiến sĩ Howard Roen, Chủ tịch tổ chức ngày Gỗ nghệ thuật Thế giới tại Long Beach, California (Mỹ) tháng 3/2017 quy tụ 500 nghệ sĩ nổi tiếng thế giới tham gia

Cách mạng về vở diễn

Không còn bó hẹp về không gian nữa, nghệ nhân Phan Thanh Liêm tiếp tục đương đầu với một vấn đề mang tính chất sống còn khác: Nội dung các màn trình diễn. ‘’Rối nước không được mềm mại như rối cạn, đạo cụ điều khiển nhiều khi chỉ là cái sào nên cử động không thể linh hoạt bằng”, anh Liêm cho biết. Chính vì thế, đằng sau những hành động tương tác trên sân khấu, nội dung cốt lõi của mỗi màn trình diễn cũng là thứ quan trọng níu kéo khán giả.

Thế nhưng, nhiều năm liền rối nước vẫn chỉ xoay quanh những màn diễn quen thuộc, thậm chí cũ kĩ như: Chú Tễu, chọi trâu, Em bé mục đồng… Kĩ thuật điều khiển, câu thoại, hình thức vật liệu con rối, các yếu tố đập thẳng vào mắt người xem hầu như không có sự thay đổi qua nhiều trăm năm lịch sử. Trong khi đó, anh Liêm cho rằng, nghệ thuật cần những người nghệ sĩ sáng tạo, chứ không cần thợ. Thế là hàng loạt các tiết mục có tính chất thời sự, bám sát cuộc sống hiện đại ra đời.

Điển hình là vở diễn môtô bay cảnh báo hiện tượng lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép trong giới trẻ. “Hàng ngày tôi chứng kiến cảnh thanh niên đi đường, không những không chấp hành Luật GTĐB mà còn phóng nhanh vượt ẩu, gây tai nạn, vừa hại đến mình, vừa ảnh hưởng tới những người xung quanh. Từ đó, tôi muốn làm sao qua con rối giáo dục cho thanh, thiếu niên hệ lụy của hành động này”, anh Liêm thuật lại.

Nói thì đơn giản, nhưng cả tiết mục được dàn dựng có đầu đuôi, công phu không kém các vở kịch sân khấu đương đại. Câu chuyện bắt đầu từ những vũ trường xập xình, nơi nam thanh nữ tú quậy phá, sau đó mới chuyển tới các màn đua xe chí tử. Con rối được thiết kế không các gì các cặp quái xế yêng hùng hè phố, với cái đầu trống không mũ bảo hiểm, kiều nữ ngồi ôm eo phía sau. Khi lên diễn, cũng đầy đủ các pha bốc đầu, lạng lách, đánh võng, lộn nhào như thực tế.

Màn trình diễn ra mắt tháng 12/2011 được coi như cú đột phá về mặt nội dung. Khi đem đi công diễn ở các trường học, hàng trăm em nhỏ say mê theo từng động tác của các con rối cưỡi môtô. Sau nhiều năm quanh quẩn với những nhân vật cũ kĩ, lần đầu tiên khán giả rối nước thực sự cảm nhận được hơi thở của đời sống hiện đại bên trong nó. Và không chỉ là những câu chuyện vô thưởng, vô phạt, mà còn ẩn chứa bài học giáo dục sâu sắc.

Ngay cả khi đó, vẫn có những ý kiến trái chiều ngăn trở anh Liêm trên con đường sáng tạo. Hàng loạt tiền bối vốn quá tha thiết với những vở diễn truyền thống chưa sẵn sàng đón nhận cái mới, đã lên tiếng gọi anh Liêm như kẻ chế tác vụng về. Một nghệ sĩ ưu tú đã từng thốt lên “sợ quá” khi chứng kiến xe mô tô chạy loằng ngoằng trên mặt nước, trong khi một vị khác chỉ trích việc đưa rối về biểu diễn tại gia là thương mại hóa, làm méo mó bản chất nghệ thuật rối cổ truyền.

Dư luận ồn ào một thời gian rồi cũng lắng dần. Các tiết mục của anh Liêm tiếp tục được đón nhận, dần dà nhiều đơn vị rối khác cũng học theo, thử nghiệm các đề tài mới như kết hợp rối với truyện cổ tích nước ngoài. Tất cả chứng minh quan điểm của anh Liêm là hoàn toàn chính xác, chỉ có đổi mới và đổi mới không ngừng, rối nước mới không bị tụt hậu, lỗi nhịp với cuộc sống đương đại.

Đưa rối vươn xa

Tháng 3/2017, trong sự kiện ngày Gỗ nghệ thuật Thế giới tổ chức tại Long Beach California Mỹ, anh Liêm vinh dự được đứng chung với gần 500 nghệ sĩ đa quốc gia. Lần đầu tiên con rối Việt có dịp khoe sắc cùng những tác phẩm nghệ thuật rối bằng gỗ đến từ mọi nền văn hóa trên thế giới.

Anh Liêm kể, trong những tấm ảnh lưu niệm đăng tải trên trang web chính thức của sự kiện, dễ thấy các sân khấu rối nước Việt luôn chật kín người xem, nhiều bình luận thốt lên: “Amazing” (Đáng kinh ngạc) dành cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Thậm chí, so với những con rối từ Slovakia, Trung Quốc, rối nước Việt Nam còn thu hút hơn gấp bội. Theo anh Liêm - chính là do sự độc đáo của rối nước so với rối cạn. Rối nước không để lộ các kĩ thuật, hệ thống điều khiển phía dưới. Trong khi đó, dù rối cạn mềm mại hơn, nhưng khán giả sẽ thấy rõ các khớp nối, dây rợ. Tính hấp dẫn bởi bí mật đằng sau chuyển động của rối nước cũng cao hơn nhiều rối cạn.

Trong căn nhà ở phố chợ Khâm Thiên, toàn bộ phòng khách chật kín những hình lưu niệm, kỉ niệm chương, thậm chí là cả thẻ ra vào, thẻ thành viên các sự kiện quốc tế. Âu, Á, Mỹ… không đếm xuể những vùng đất mà con rối nước, dưới bàn tay anh Liêm đã tung tẩy.

Rối nước tưởng chừng sẽ chết mòn ở làng quê nay lại sống và thậm chí sống khỏe vươn ra thế giới. Tất cả bí quyết nằm ở những người nghệ nhân như Phan Thanh Liêm, luôn đổi mới, sáng tạo không ngừng trong nghiệp diễn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.