Tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) 11 dự án cao tốc Bắc - Nam trong quý II/2020 của chính quyền địa phương nơi các dự án đi qua đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa khi cả nghìn vị trí hạ tầng kỹ thuật đường điện chưa được di dời.
1.272 vị trí hạ tầng đường điện cần di dời
Đại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ GTVT rốt ráo triển khai. Trong khi 3 dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) đã được khởi công, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) còn lại chuẩn bị kết thúc công tác sơ tuyển để chuyển sang giai đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài thực địa, mặt bằng của toàn bộ 11 dự án cũng đang được chính quyền của 13 tỉnh, thành nơi dự án đi qua gấp rút tiến hành đền bù, thu hồi đất. Tuy nhiên, công tác GPMB hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống đường điện thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc vẫn chưa được di dời.
Ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, theo thống kê của chủ đầu tư và các ban QLDA, khối lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện cần di dời của 11 dự án dự kiến khoảng 1.272 vị trí, gồm 125 vị trí điện cao thế, 396 vị trí điện trung thế và 751 vị trí điện hạ thế.
Ngay từ cuối tháng 6/2019, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản 221 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong đó nêu rõ: “Các bộ, ngành có các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB như công trình điện, thủy lợi, thông tin truyền thông… phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương để kịp thời di dời.
Bộ GTVT sau đó đã liên tục có văn bản gửi EVN đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan, trực thuộc di dời các công trình nằm trong phạm vi GPMB để phục vụ thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, tới thời điểm này, tiến độ vẫn rất chậm, khi các địa phương nơi dự án đi qua mới đang lựa chọn đơn vị tư vấn để khảo sát, kiểm đếm, thiết kế di dời.
“Khối lượng di dời các công trình kỹ thuật rất lớn, nhưng tiến độ lập phương án, di dời các công trình còn chậm, không đáp ứng tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý II/2020”, ông Hiển nói.
Đường điện cao thế phải nằm ngoài hành lang đường bộ
Hiện nay, một số tỉnh còn lúng túng, chưa chủ động trong việc triển khai di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường điện, đặc biệt là hệ thống đường điện 500kV và 200kV. Thậm chí, có địa phương còn không biết phải làm việc với đơn vị, đầu mối nào bên điện lực vì đây là những hạng mục đặc thù. Do đó, cần có sự chỉ đạo phối hợp của nhiều cơ quan đơn vị, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ GTVT và các địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật
Ngày 4/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo EVN và các đơn vị trực thuộc cơ quan này để đẩy nhanh tiến độ di dời hệ thống kỹ thuật đường điện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, công tác GPMB thuộc trách nhiệm của địa phương làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện thủ tục rất phức tạp nên nhiều tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thủ tục, quy trình. Đề nghị EVN sớm chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn địa phương về trình tự, thủ tục lập, phê duyệt phương án và kinh phí di dời.
Ông Phạm Hồng Phương, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, theo phân cấp ủy quyền, EVN giao cho TCT Truyền tải điện Quốc gia quản lý toàn bộ hạ tầng điện (đường dây và trạm biến áp) có cấp điện áp từ 220kV trở lên. “Các vị trí, hạng mục nào gắn với hệ thống 220kV, 500kV thì thẩm quyền thụ lý hồ sơ thuộc trách nhiệm của TCT Truyền tải điện Quốc gia”, ông Phương nói và cho biết thêm, trong cơ cấu tổ chức của TCT Truyền tải điện Quốc gia gồm 4 công ty truyền tải điện (Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4) đảm nhiệm quản lý hạ tầng điện 220kV và 500kV ở các khu vực, vùng miền trong cả nước.
Tương tự, đối với hạ tầng điện có cấp điện áp từ 110kV trở xuống, EVN đã phân cấp cho các tổng công ty điện lực khu vực, gồm các: TCT Điện lực miền Bắc, miền Trung và miền Nam quản lý.
“Để công tác phối hợp được thuận lợi, EVN đề nghị các PMU giao thông và chính quyền địa phương liên hệ với các đầu mối trực thuộc EVN đã được phân cấp ủy quyền tại từng khu vực để sớm thống nhất giải pháp thực hiện. Về phía EVN, chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan của Bộ GTVT, chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện, đảm bảo tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Phương nói.
Thống nhất ý kiến của lãnh đạo EVN, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo: Nguyên tắc khi thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện phải tuân thủ đúng quy định của Luật GTĐB và các tiêu chuẩn của ngành điện. Đối với các vị trí đường điện cao thế khi thực hiện di dời phải nằm ngoài hành lang ATGT đường bộ. Các Ban QLDA của Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ đầu tư GPMB và các đơn vị điện lực để xử lý nhanh nhất, dứt khoát không được gây khó dễ cho các đơn vị tư vấn, xây lắp di dời hạ tầng điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận