Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45 cho biết: Dọc hai tuyến cao tốc đã lắp đặt đầy đủ hệ thống biển cảnh báo, biển hướng dẫn, công bố số điện thoại khẩn cấp S.O.S (hotline)... giúp người dân dễ dàng nhận biết.
Nếu gặp sự cố trên đường như nổ lốp, chết máy, va chạm..., người dân có thể điện thoại vào số hotline 19001838 để được đơn vị quản lý, vận hành trên tuyến cao tốc kịp thời hỗ trợ.
Ông Bùi Đức Thành, Đội trưởng Đội Vận hành tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 thuộc Công ty Cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho biết, hiện nay trên tuyến cao tốc từ Mai Sơn đến Diễn Châu đang đặt chung số hotline 19001838 nhằm hỗ trợ người tham gia giao thông không may gặp sự cố.
"Sau khi tổng đài tiếp nhận thông tin sẽ lập tức gọi đến các đội vận hành ở tuyến có sự cố xảy ra, ngay lập tức chúng tôi đến hiện trường để hướng dẫn, phân luồng điều tiết giao thông tạm thời.
Trường hợp sự cố nhẹ, chúng tôi sẽ yêu cầu đưa xe cứu hộ hoặc xe sửa chữa đến hỗ trợ kịp thời, còn nếu liên quan đến TNGT thì sẽ thông báo tới lực lượng CSGT và các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết", ông Thành cho biết thêm.
Ông Thành cũng khuyến cáo khi lưu thông trên tuyến cao tốc tài xế cần chú ý quan sát hệ thống biển báo. Nếu không may gặp sự cố thì cố gắng đưa phương tiện vào các vị trí dải dừng khẩn cấp trên tuyến.
Trường hợp phương tiện bị hư hỏng nằm trên làn xe chạy thì cần có các biện pháp cảnh báo các phương tiện khác đang lưu thông và gọi hotline 19001838 để lực lượng vận hành trên tuyến cao tốc sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo ATGT, tránh xảy ra TNGT.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 3, Phòng 6, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: Đội 3 phụ trách 4 đoạn tuyến cao tốc, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Cao Bồ, Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - QL45.
Trên tuyến hiện đã có biển báo, chạy thông tin trên màn hình led tại các trạm thu phí thông báo số điện thoại đường dây nóng của Trực ban Cục CSGT 0228.3.899.666 để người dân có thể liên hệ khi xảy ra các tình huống ngoài ý muốn.
Trong khi đó, lãnh đạo Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4, Phòng 6, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: Trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cũng đã có số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ người dân khi xảy ra sự cố.
Theo vị lãnh đạo đội 4, do cao tốc đặc thù chỉ có các nút giao lên xuống cố định nên công tác cứu hộ, cứu nạn sẽ do đơn vị quản lý hoặc lực lượng CSGT điều tiết.
Việc này vừa nhằm triển khai cứu hộ, cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện khác.
Khi gặp sự cố trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, người dân cần bình tĩnh xử lý, gọi đường dây nóng để được hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, khi tuyến cao tốc được đi vào vận hành khai thác nhưng một số người tham gia giao thông không chú ý tới hệ thống biển hướng dẫn, số điện thoại đường dây nóng để được hỗ trợ.
Đơn cử như trước đó, ngày 8/8/2023, trên tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45, đoạn qua xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp khi xe ô tô tải đang lưu thông theo hướng Thanh Hóa - Hà Nội thì bất ngờ hỏng lốp.
Ngay sau đó, tài xế ô tô tải đã gọi xe cứu hộ đến sửa chữa (không thông qua đường dây nóng). Khi tài xế và người thợ đang kiểm tra tháo lốp xe để thay thì bất ngờ bị xe tải khác tông từ phía sau làm một người tử vong tại chỗ và một người bị thương nặng.
Quy trình xử lý khi xe gặp sự cố trên cao tốc
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng khuyến cáo: Đối với các xe đi trên cao tốc, đặc biệt là cao tốc mới, trong trường hợp gặp sự cố, cần lưu ý thực hiện đúng theo quy trình sau để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông xung quanh.
Trường hợp xe không thể di chuyển vào nơi an toàn
+ Xe gặp sự cố ban ngày
Bước 1: Trường hợp nếu đi xe đơn lẻ thì ngay lập tức tài xế quan sát gương chiếu hậu và gương 2 bên, xuống xe đứng ra phía sau xe. Sau đó, chọn vị trí an toàn hướng xe khác đi tới, dùng chóp hình tam giác đặt cảnh báo. Nếu không có chóp tam giác thì dùng các vật dụng trên xe có màu sắc dễ nhìn đặt phía sau để các phương tiện khác nhận biết (khoảng cách tối thiểu 50m).
Bước 2: Nếu trên xe chở nhiều người thì yêu cầu mọi người cùng hỗ trợ cảnh báo và đặt cảnh báo cho phương tiện khác biết với các vật dụng hình chóp nón, màu sắc nổi bật, dễ nhận biết (vị trí khoảng cách từ đuôi xe đến phía sau hướng xe khác đi tới tối thiểu 50m) và yêu cầu mọi người đi ra khỏi đường cao tốc cho an toàn.
+ Xe gặp sự cố khi trời tối
- Khi xe gặp sự cố không di chuyển được thì lái xe nhanh chóng quan sát gương chiếu hậu, xuống xe, quan sát dùng đèn pin đứng cách xa phía sau đuôi xe, tối thiểu 50m báo hiệu cho các xe khác biết. Sau đó, gọi số cứu hộ, đường dây nóng nơi gần nhất để cẩu kéo phương tiện ra khỏi đường cao tốc.
- Xe gặp sự cố ban đêm chở nhiều người, lái xe nhanh chóng quan sát gương chiếu hậu 2 bên để xuống xe. Dùng đèn pin đi ra phía sau hướng xe khác đang đi tới báo hiệu và nhờ mọi người trên xe đặt chóp nón hình tam giác phản quang hoặc các vật dụng khác có màu sắc dễ phát hiện để cảnh báo (cách 50m). Sau đó gọi cứu hộ và yêu cầu mọi người ra khỏi cao tốc.
Khi xe gặp sự cố và di chuyển chậm được vào nơi an toàn
Bước 1: Lái xe chú ý quan sát gương chiếu hậu, gương 2 bên, thấy an toàn cho xe vào làn dừng khẩn cấp hoặc dải dừng xe khẩn cấp.
Bước 2: Đặt cảnh báo an toàn phía sau xe, gọi cứu hộ để giúp khắc phục hoặc đưa xe ra khỏi đường cao tốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận