Dưới hình thức garage, nơi này năm xưa là nơi cải tiến xe hơi vận chuyển vũ khí bí mật cho lực lượng Biệt động Sài Gòn đánh dinh Độc Lập trong tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968.
Hiện, garage đang được con cháu ông Trần Văn Lai - Anh hùng lực lượng vũ trang dày công phục dựng lại.
Garage Biệt động Sài Gòn trước đây được gọi là Citroen Dương Văn Đức, nằm trong hẻm 499/20 đường Lê Văn Duyệt, nay đổi thành đường Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10,TP.HCM
Chuyện ít ai biết về Garage Tự Lực
Căn nhà trong hẻm 499/20 đường Cách Mạng Tháng 8, phường 13, quận 10,TP.HCM có 2 lầu với cấu trúc nhà phố, mái bằng sân thượng, có tổng diện tích trên 200m2.
Dẫn chúng tôi tham quan căn nhà, anh Trần Vũ Bình - con trai Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (còn được gọi là Mai Hồng Quế, bí danh Năm U Som), cho biết: căn nhà này là của ông Dương Văn Đức (tức Hai Diện) sinh năm 1928. Ông Hai Diện lớn lên tại khu vực cầu Bến Phân, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là khu vực Ngã tư Ga, Quận 12, TP.HCM).
Năm 1946, ông Hai Diện tham gia kháng chiến chống Pháp và từng vào làm việc tại Hãng xe Citroen. Với tay nghề sửa xe giỏi, uy tín nên rất nhiều người mang xe đến nhà ông sửa.
Một thời gian, ông Hai Diện nghỉ việc ở hãng xe Citroen, dùng nhà số 499/20 làm thành Garage Citroen Dương Văn Đức D’Indochine, chuyên sửa xe Citroen Berlingo và Fourgonnette, Traction, Peugeot.... đồng thời đóng mới thùng xe La Dalat, Citroen…
Trước khi phục dựng lại garage của ông Dương Văn Đức thành garage Biệt động Sài Gòn, nơi này đơn thuần chỉ duy trì sửa chữa xe hơi cho người dân.
Anh Bình kể: “Năm 1963, ba tôi là cán bộ Biệt động Sài Gòn cùng chú Hai Diện tổ chức, xây dựng nhà số 499/20, 499/20A thành cơ sở cách mạng.
Từ đó, nơi đây chính thức trở thành cơ sở sửa chữa xe ô tô được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định giao nhiệm vụ thiết kế thùng xe hai đáy chứa vũ khí, tài liệu qua mắt địch, đảm bảo phục vụ chiến đấu".
Theo Đại tá Trần Đức Thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, ông Trần Văn Lai trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, một tư sản giàu có với rất nhiều xe ôtô, thường tự lái các xe ô tô của mình đến garage Tự Lực của ông Hai Đức bảo dưỡng xe nhưng thực chất tranh thủ hội họp, liên lạc, canh gác bảo vệ cán bộ.
Sinh thời, ông Trần Văn Lai cho biết, để phục vụ đưa đón lãnh đạo Quân khu ra vào nội đô Sài Gòn, Quân khu đã giao nhiệm vụ cho garage thiết kế cải tạo hai chiếc xe ôtô của ông Lai mang số hiệu xe Hino - Pickup biển số EC-6045 và Citroen Fourgonnette, biển số NCE-345 thùng xe 2 đáy để chở vũ khí nguỵ trang.
Sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, hai chiếc xe này đã bị quân đội Sài Gòn tịch thu.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân đội đã yêu cầu ông Lai đi tìm lại hai chiếc xe trên và ông Lai đi lần tìm manh mối.
Từ sự chỉ dẫn của ông Hai Đức, sau nhiều lần tìm tới các chủ xe để thương lượng, ông Trần Văn Lai và ông Dương Văn Đức đã chuộc lại được hai chiếc xe lịch sử này.
Hiện hai xe này đã được gia đình hiến tặng và đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ở TP.HCM và tại Bảo tàng Binh chủng Đặc công ở Hà Nội.
Về số phận của căn nhà garage sau này, ông Đức đã giao lại cho con trai cả là ông Dương Bửu Chánh (nguyên Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao) quản lý và đến nay giao lại cho cháu ngoại là Trần Trọng Nghĩa.
Nay anh Trần Vũ Bình và con cháu các thế hệ chiến sĩ năm xưa đang phục dựng lại nguyên trạng Garage Citroen Dương Văn Đức D’Indochine, since 1947 (Garage Biệt động Sài Gòn).
Ông Dương Bửu Chánh (ngoài cùng bên phải) con trai ông Dương Văn Đức chia sẻ về những giá trị lịch sử-văn hoá của cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn
Tìm lại ký ức…
Garage Dương Văn Đức đến nay vẫn còn nhân chứng là những người thợ cũ năm xưa. Theo chân anh Trần Vũ Bình, chúng tôi đến thăm ông Trần Văn Chính ở ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi. Ông Chính năm nay hơn 70 tuổi, từng làm thợ đồng tại Garage Tự Lực.
Ông Chính kể năm 1966, lúc đó 16 tuổi, giặc càn quét ấp chiến lược và ông chạy trốn, được ông Phan Thành Thới (Ba Thới) là thợ máy cả của garage Dương Văn Đức giới thiệu vào học việc và ở lại làm thợ đồng. Ông Chính được ông chủ Hai Đức phân công đóng thùng xe 2 đáy để cất giấu tài liệu.
Mỗi tháng garage có thể đóng thùng cho khoảng 20 chiếc, mỗi tuần đóng mới 4 chiếc. Riêng xe của các chiến sỹ Biệt động đi, phải đóng đặc biệt riêng để chở tài liệu, vũ khí nguỵ trang.
Nhắc đến ông chủ Dương Văn Đức, ông Phạm Văn Được (Sáu Bầu), ngụ tại Ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, nay 72 tuổi kể: “Tôi vào học việc và ở lại làm cho ông chủ Hai Đức từ đầu năm 1965 đến tháng 5/1968. Công việc của tôi là đóng thùng xe và tham gia thiết kế cải tạo hai chiếc xe ôtô mang số hiệu xe Hino - Pickup biển số EC-6045 và Citroen Fourgonnette, biển số NCE-345. Khi sửa, cải tạo hai chiếc xe này, bảng số xe phải tháo ra, không được biết”.
Những người thợ garare Tự Lực năm xưa, ông Sáu Bầu (trái) và ông Trần Văn Chính vui mừng khi gặp lại nhau
Nhắc lại kỷ niệm, ông Sáu Bầu đưa tờ giấy màu vàng đã cũ theo thời gian, chính là tờ Biên bản giao nhận chi tiết xe hơi của Garage Tự Lực mà ông đã cất đi làm kỷ niệm.
Ông Sáu Bầu xúc động khi nhắc tới ông chủ của mình- ông Hai Đức, là người bản lĩnh, tài đức, rất tốt bụng. Ông sửa xe rất giỏi, chính ông Đức là người có sáng kiến cải tạo chiếc xe ô tô nhằm nguỵ trang chứa vũ khí, tài liệu, thuốc men…
Vợ ông Trần Văn Lai bên cạnh xe EC 6045 đang được trưng bày trang trọng tại bảo tàng Binh chủng Đặc công ở Hà Nội.
Citroen Fourgonnette, biển số NCE-345 đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ở TP.HCM
Sau năm 1975, ông Dương Văn Đức tiếp tục đóng góp rất tích cực cho xã hội, cho địa phương, ông là Đại biểu Hội đồng nhân dân Quận 10 Khóa III và IV, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 10. Ông là một tấm gương sáng mẫu mực được gia đình, đồng đội và bà con hàng xóm yêu quý…
Garage Biệt động Sài Gòn là một phần trong lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn và phong trào cách mạng miền Nam trong hai thời kỳ kháng chiến, rất cần được tôn tạo, giữ gìn để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ngày 20/12, Sở Văn hoá - Thể thao (VH-TT) TP.HCM tổ chức buổi Toạ đàm khoa học về di tích lịch sử căn nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 13- Quận 10), nơi từng được gọi là “Garage Biệt động Sài Gòn” để làm cơ sở trình UBND TP.HCM xem xét việc quyết định xếp hạng di tích.
Văn phòng Thành ủy TP.HCM và UBND Quận 10 cũng đã có công văn chỉ đạo giải quyết đề nghị hỗ trợ bảo tồn, phát huy di tích lịch sử cơ sở cách mạng của Garage Biệt động Sài Gòn.
Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM cũng đã tổ chức khảo sát, khoanh vùng bảo vệ và lập hồ sơ xếp hạng di tích theo quy định đối với Garage Biệt động Sài Gòn.
Hiện câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định đang phối hợp với gia đình và các đơn vị chức năng lập hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn trở thành Di tích lịch sử - văn hóa của TP.HCM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận