Thiết bị nâng trên phương tiện thủy phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận an toàn kỹ thuật mới được sử dụng |
Theo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị nâng trên các phương tiện thủy nội địa của Bộ GTVT, có hiệu lực thi hành từ 28/9/2017, các tổ chức, cá nhân thực hiện việc thiết kế, chế tạo, sửa chữa, nhập khẩu, khai thác, quản lý, kiểm tra, chứng nhận an toàn kỹ thuật... thiết bị nâng trên các phương tiện thủy nội địa đều phải tuân thủ quy định tại thông tư trên.
Nội dung quy chuẩn quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với thiết bị nâng (thiết bị làm dịch chuyển tải trọng) trên phương tiện thủy: hệ cần trục dây giằng, cần trục, chi tiết cố định (được lắp cố định vào phương tiện thủy), chi tiết tháo được (ví dụ dây cáp, gàu xúc..); máy, trang bị điện và hệ thống điều khiển; thang máy và cầu xe.
Bên cạnh đó, quy chuẩn cũng nêu rõ các thiết bị nâng thuộc danh mục trong thông tư và có yêu cầu về an toàn đều phải kiểm tra và thử theo quy chuẩn. Đơn vị sử dụng chỉ được phép sử dụng những thiết bị nâng có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm tra, thử và có giấy chứng nhận đang còn thời hạn.
Các yêu cầu về an toàn nêu rõ, không được phép sử dụng thiết bị nâng và các bộ phận mang tải chưa qua kiểm tra, thử và chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng. Sử dụng thiết bị nâng theo đúng tính năng, tác dụng và đặc tính kỹ thuật của thiết bị do nhà máy chế tạo quy định.
Đơn vị sử dụng chỉ được phép bố trí những người điều khiển thiết bị nâng đã được đào tạo và được cấp giấy chứng nhận. Người điều khiển thiết bị nâng phải nắm chắc đặc tính kỹ thuật, tính năng tác dụng của các bộ phận cơ cấu của thiết bị, đồng thời nắm vững các yêu cầu về an toàn trong quá trình sử dụng thiết bị. Những người buộc móc tải, đánh tín hiệu phải là thợ chuyên nghiệp, hoặc thợ nghề khác nhưng phải qua đào tạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận